(TG) - Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh vừa có báo cáo đánh giá về những hậu quả hết sức nặng nề do siêu bão số 10 (Doksuri) gây ra trên địa bàn, ước tính tổng thiệt hại trên 6 nghìn tỷ đồng.
Bão số 10 là cơn bão có cấp độ rất cao, tốc độ di chuyển rất nhanh, trong gần 30 năm qua mới xuất hiện tại Hà Tĩnh; bão hoạt động thời gian dài (trong 7 giờ liền) từ trước đến nay chưa xảy ra. Tại huyện Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh (tâm bão đi qua) bắt đầu từ lúc 09 giờ sáng ngày 15/9 đến 16 giờ chiều bão vẫn đang còn gió mạnh cấp 7, cấp 8. Nhưng với sự chỉ đạo kịp thời, chủ động, kiên quyết của Trung ương, của tỉnh, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nên đã giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại so với cường độ của bão.
Tuy nhiên những thiệt hại do bão số 10 gây ra trên địa bàn Hà Tĩnh là hết sức nặng nề, ảnh hưởng cả trước mắt và lâu dài đến cơ sở hạ tầng, tình hình đời sống, sản xuất của người dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Theo thống kê của tỉnh Hà Tĩnh, trong bão không có người bị chết, có 01 người bị thương. Sau bão, quá trình khắc phục hậu quả có 02 người bị chết vào ngày 16/9/2017 (01người ở xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên; 01 người ở xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc) và 80 người bị thương.
Bão đi qua làm hư hỏng và tốc mái 93.251 nhà, gây ngập và hư hỏng 332 ha lúa; 1.642 ha rau màu; 1.531 ha cây ăn quả; 1.337 ha nuôi trồng thủy sản, 308 phương tiện tàu thuyền, 18.303 ha cây lâm nghiệp đổ gãy; 66.885 con gia súc gia cầm bị chết.
Thiệt hại về kết cấu hạ tầng kỹ thuật: Chiều dài đê điều bị sạt lở 21km; kênh mương bị hư hỏng 10,5km; cống bị hư hỏng 149 cái. Chiều dài đường giao thông bị sạt lở 27 km; cầu, cống giao thông bị hư hỏng 166 cái. Số điểm trường học bị ảnh hưởng 231 điểm, với 831 phòng; 54 cơ sở y tế bị hư hỏng. Cột phát sóng truyền hình bị đổ gãy 02 cái; cột ăng ten bị đổ gãy 16 cái; cột treo cáp bị đổ gãy 52 cái. Cột điện bị đổ gãy 2.395 cột; dây điện bị đứt 159 km; trạm biến áp bị hư hỏng 26 trạm; nhà xưởng bị hư hỏng 160 nhà; chợ và trung tâm thương mại bị hư hỏng 50 cái.
Tổng thiệt hại ước tính trên 6.000 tỷ đồng.
Sau bão, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động cả hệ thống chính trị tổ chức thống kê, kiểm đếm thiệt hại do bão số 10 gây ra,chỉ đạo kịp thời khắc phục và hỗ trợ thiệt hại, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, huy động các lực lượng Quân sự, Công an, Biên phòng; Đoàn thanh niên, các tổ chức giúp bà con nhân dân tu sửa lại nhà cửa, dọn dẹp cây cối, vệ sinh môi trường sau bão và mưa lũ, kiểm soát chặt chẽ không để xảy ra dịch bệnh bùng phát sau bão.
Đến ngày 19/9/2017 đã có khoảng 55-60% số nhà dân bị tốc mái được khắc phục bước đầu, phấn đấu đến ngày 23/9/2017 sẽ khắc phục xong 100% nhà dân, đảm bảo ổn định sản xuất và cuộc sống cho người dân.
Do hậu quả để lại sau bão quá nặng nề, để kịp thời hỗ trợ khắc phục hậu quả thiệt hại, tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ 3.000 tấn gạo để cứu đói, hỗ trợ 40 tỷ đồng để tu sửa ngay 02 cột tháp truyền hình; Trích từ nguồn dự trữ Quốc gia hoặc hỗ trợ kinh phí để mua 1.000 tấn giống lúa, 150 tấn giống ngô, 37 tấn giống hạt rau các loại, hỗ trợ kinh phí mua 20 cơ số thuốc, , hóa chất, vắc xin phòng bệnh; Hỗ trợ kinh phí để khắc phục cơ sở hạ tầng, như: Nhà ở,Trường học, cơ sở khám chữa bệnh, hệ thống đê điều, thủy lợi, điện lực, hệ thống thông tin liên lạc, các doanh nghiệp có thiệt hại lớn.
Trước mắt để khẩn trương khắc phục những hậu quả nặng nề do bão số 10 gây ra, tỉnh Hà Tĩnh xác định tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, các sở ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo khắc phục hậu quả nhanh nhất, hiệu quả nhất những thiệt hại do bão gây ra. Các cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng quân sự, công an, đoàn thể tiếp tục giúp dân tu sửa lại nhà cửa, dọp dẹp cây cối, vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh; tổ chức động viên, thăm hỏi những gia đình thiệt hại nặng; tập trung mọi nguồn lực khắc phục cơ bản các thiệt hại do bão số 10 gây ra.
Hai là, tập trung cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp dân khắc phục hậu quả bão số 10; ưu tiên tập trung khắc phục điện lưới, nhà dân, sửa chữa trường học, một số công trình thủy lợi xung yếu; vệ sinh môi trường, y tế phòng dịch bệnh... Đặc biệt, cần đảm bảo đời sống, sản xuất cho người dân, tuyệt đối không để người dân nào bị thiếu đói, gặp khó khăn mà thiếu sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể.
Ba là, tổ chức thống kê, kiểm đếm một cách khách quan, trung thực, chính xác thiệt hại do bão số 10 gây ra. Công tác tiếp nhận, phân bổ hàng cứu trợ phải công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Đặc biệt nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng công tác khắc phục hậu quả thiệt hại do bão gây ra để trục lợi. Các địa phương chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh, tuyệt đối không được lợi dụng sau bão tăng giá các mặt hàng, nhất là vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm; đảm bảo cung ứng đủ số lượng, chất lượng nguồn hàng phục vụ nhu cầu của nhân dân...
Bốn là, đề phòng việc lợi dụng khắc phục hậu quả của cơn bão số 10, một số đối tượng cực đoan, các thế lực thù địch xuyên tạc, kích động nhân dân đòi hỏi các quyền lợi không chính đáng, ảnh hưởng tới an ninh trật tự trên địa bàn.
Năm là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương của cả hệ thống chính trị trong việc khắc phục hậu quả do bão số 10 gây ra trên địa bàn. Công tác tuyên truyền phải khách quan, chính xác, kịp thời, nhằm khơi dậy sức dân vượt qua khó khăn sớm ổn định đời sống; giám sát, phản ánh kịp những sai phạm (nếu có) trong việc phân phối, hỗ trợ Nhân dân khắc phục thiệt hại hậu quả bão gây ra./.
Trần Đình Hưng
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh