Thứ Năm, 19/9/2024
Bảo hiểm xã hội
Thứ Tư, 7/3/2018 10:2'(GMT+7)

Hà Tĩnh: Thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị đạt kết quả tích cực

Hội thi về ngành bảo hiểm xã hội

Hội thi về ngành bảo hiểm xã hội

Thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, các chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) tại tỉnh Hà Tĩnh đã được quan tâm xây dựng một cách đồng bộ, xuyên suốt, thống nhất trên cơ sở mục tiêu phát triển BHXH, BHYT đảm bảo anh sinh xã hội hội, công bằng, tiến bộ xã hội gắn với phát triển kinh tế xã hội bền vững. 

Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh về chính sách BHXH, BHYT được nâng lên. Người sử dụng lao động trên địa bàn đã nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm trong việc tuân thủ pháp luật về thực hiện chế độ BHXH, BHYT cho người lao động. Đặc biệt, nhận thức của nhân dân, người lao động, học sinh sinh viên về quyền và trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT đã chuyển biến tích cực, người lao động đã thấy rõ trách nhiệm và đòi hỏi người sử dụng lao động thực hiện chính sách để tự bảo vệ quyền lợi của mình, Nhân dân tích cực tham gia BHYT để phòng bệnh và chia sẻ với cộng đồng. 

Công tác tuyên truyền, vận động và phối hợp của các cấp, các ngành được triển khai hiệu quả. Công tác thu, chi đảm bảo được quyền lợi của người tham gia bảo hiểm qua đó tạo động lực để từng cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình; tiếp tục đưa chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đi vào cuộc sống và là tiền đề quan trọng để tiếp tục thực hiện thắng lợi công tác BHXH, BHYT trong những năm tiếp theo. Qua đó, khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng về chính sách BHXH, BHYT là trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước.

Thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, toàn tỉnh Hà Tĩnh, hàng năm đều đạt kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Theo đó, về tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, hàng năm đều đạt kế hoạch BHXH Việt Nam giao, tính đến ngày 31/12/2017, toàn tỉnh có 92.093 người tham gia, tăng 25% so với năm 2012; về bảo hiểm y tế (BHYT), toàn tỉnh hiện có 1.083.548 người tham gia, chiếm tỷ lệ 85,5% dân số, tăng 275.173 người so với năm 2012 (năm 2012 đạt tỷ lệ 67%); về tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đến cuối năm 2017 có 70.118 người tham gia, tăng 24% so với năm 2012 (năm 2012: 55.530 người).

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị, công tác BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng vẫn còn những khó khăn, tồn tại như: Số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp (khoảng 1,5% dân số trong độ tuổi lao động); quy định hỗ trợ người tham gia BHXH chậm được triển khai, làm giảm tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện đối với người dân; tỷ lệ người dân có thẻ BHYT đạt cao nhưng thiếu bền vững, chủ yếu tập trung ở nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng 100% mức phí, hiện nay mới có 32,5% đối tượng tự đóng phí mua thẻ BHYT; tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp; công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT cho người lao động tại các doanh nghiệp chưa được thực hiện thường xuyên…

Trên cơ sở những kết quả đạt được cũng như một số tồn tại, hạn chế sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012- 2020 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, bước đầu rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW. Cơ quan, đơn vị nào tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện, có kế hoạch cụ thể, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết thì hoạt động BHXH, BHYT nơi đó đạt hiệu quả cao.

Hai là, chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, người lao động và nhân dân về công tác BHXH, BHYT sẽ thay đổi nhận thức cho người dân về tự ý thức về bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình theo quy định của pháp luật.

Ba là, thường xuyên nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới tác phong, lề lối làm việc và phong cách phục vụ đối tượng. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính, tập trung vào việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống BHXH, BHYT hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả cao nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN.

Bốn là, tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, chú trọng thanh tra, kiểm tra những đơn vị sử dụng lao động nợ đóng, trốn đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Năm là, quản lý tốt các đối tượng tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ chi phí khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT; quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ khám, chữa bệnh BHYT.

Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch hồ sơ điện tử, giao dịch hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, chủ động trong việc triển khai thực hiện hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế. Phát triển hệ thống BHXH, BHYT đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT.

Bảy là, định kỳ tiến hành sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình tổ chức thực hiện, qua đó kịp thời đề ra mục tiêu, kế hoạch, lộ trình, giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết cho những năm tiếp theo. Nêu gương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu, nghiêm túc nhắc nhở, kịp thời chấn chỉnh những tổ chức, đơn vị, cá nhân chưa thực hiện tốt công tác BHXH, BHYT./.

Đình Hưng
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất