(TG)-Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã chủ động, tập trung mọi nguồn lực, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng quản lý; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)...
Cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Hiện nay, cả nước đã có 13,83 triệu người tham gia BHXH; 79,9 triệu người tham gia BHYT đạt 102,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; thu BHXH, BHYT, BHTN đạt khoảng 290 nghìn tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả BHXH, BHYT, BHTN 270.236 tỷ đồng; giải quyết các chế độ BHXH hàng tháng cho hơn 141 nghìn người, BHXH một lần 717 nghìn người, các chế độ BHXH ngắn hạn cho trên 9,1 triệu lượt người; thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho khoảng 165 triệu lượt người; công tác thanh tra chuyên ngành được tăng cường, đưa tỷ lệ nợ BHXH xuống dưới 3%, giảm 0,8% so với năm 2016, ở mức thấp nhất từ trước tới nay.
Nhìn lại công tác và nhiệm vụ của BHXH trong thời gian qua, có thể nhận thấy một số thay đổi tích cực, trong đó có 4 nhiệm vụ trọng tâm BHXH đã hoàn thành, đó là: Thứ nhất, chủ động, tích cực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao, quyết liệt từng lĩnh vực trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Thứ hai, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có Hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung toàn Ngành trên cơ sở dữ liệu thông tin hộ gia đình và dữ liệu do BHXH các địa phương quản lý; cấp mã số BHXH (số định danh cá nhân) cho người tham gia BHXH, BHYT.
Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã khai trương và vận hành hiệu quả Trung tâm Điều hành hệ thống công nghệ thông tin, Trung tâm Dịch vụ khách hàng, phục vụ tư vấn, giải đáp cho người dân, người lao động; tiếp tục hoàn thiện và vận hành hiệu quả Hệ thống thông tin giám định BHYT, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát chi phí KCB BHYT.
Bên cạnh đó, BHXH tiếp tục cắt giảm từ 32 thủ tục hành chính còn 28 thủ tục; đã cung cấp 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Trên cơ sở những kết quả đạt được, tại “Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2017”, Bộ Thông tin, Truyền thông đã đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến và được xếp hạng 2 trong Bảng xếp hạng chung khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các quy trình, quy định nghiệp vụ của Ngành, như: Quy trình quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; Quy trình giao dịch điện tử; Quy định quản lý khai thác thông tin trên hệ thống thông tin giám định BHYT; Quy trình thanh tra, kiểm tra; Quy trình kiểm toán nội bộ…
Thứ tư, đổi mới phương thức hoạt động theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi người tham gia bảo hiểm; thực hiện minh bạch, công khai và tăng cường quản lý các hoạt động KCB để hạn chế, ngăn chặn tình trạng trục lợi BHYT; kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan BHXH các cấp; nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức trong toàn Ngành; mở rộng hợp tác quốc tế, từng bước hiện đại hoá hệ thống quản lý BHXH, BHYT.
…và một số tồn tại, hạn chế.
Mặc dù trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, kế hoạch được giao. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại hạn chế, cụ thể: Công tác phối hợp với cấp ủy và chính quyền địa phương tại BHXH một số tỉnh chưa được chặt chẽ, tích cực; công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT ở một số địa phương còn chưa thực sự hiệu quả, nội dung thông tin tuyên truyền chưa phong phú, hấp dẫn và thiếu chiều sâu nên chưa giúp người lao động, người dân nhận thức được tầm quan trọng và tính nhân văn của chính sách BHXH, BHYT.
Một số tỉnh, đặc biệt là các tỉnh miền Tây Nam bộ có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước. Số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN mới đạt trên 13 triệu người/16 triệu lao động (thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); số người tham gia BHXH tự nguyện còn ở mức thấp. Nếu không có giải pháp quyết liệt thì mục tiêu đến năm 2020 sẽ khó đạt được trên 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BHTN.
Tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH; Tình trạng lạm dụng quỹ ốm đau, thai sản, quỹ BHTN; gia tăng chi phí bất hợp lý trong KCB BHYT vẫn còn tồn tại ở một số địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị nợ đọng chưa được nhiều; tình trạng đơn thư khiếu nại của người dân về giải quyết chế độ chính sách BHXH, BHYT vẫn còn phát sinh ở một số địa phương
Ngoài ra, nhận thức của nhiều chủ sử dụng lao động và người lao động về BHXH, BHYT, BHTN còn hạn chế. Tình trạng chủ sử dụng lao động trốn đóng BHXH, BHYT vẫn còn tồn tại cá biệt ở một số địa phương.
Tập trung giải quyết 7 nhiệm vụ trọng tâm
Xác định, nhiệm vụ trọng tâm của ngành BHXH trong năm 2018 là rất nặng nề; năm mà BHXH Việt Nam cần tập trung cao độ để triển khai có hiệu quả các đề án, dự án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; triển khai kịp thời các chế độ, chính sách mới theo quy định của Luật BHXH, Luật BHYT, Luật An toàn vệ sinh lao động; có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 21-NQ/BCT của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển ngành BHXH giai đoạn 2016 - 2020. Vì vậy, để thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao, BHXH Việt Nam sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện một số nội dung sau:
Một là, tập trung mọi nguồn lực, tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp để triển khai có hiệu quả, hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 21/NQ-TW của Bộ Chính trị trong giai đọan 2018 -2010.
Hai là, triển khai kịp thời Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018.
Ba là, tiếp tục cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh cải tiến quy trình nghiệp vụ; ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ của Ngành; hoàn thiện Hệ thống thông tin giám định BHYT; xây dựng và hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Tăng cường sử dụng các dịch vụ công, giảm thời gian giao dịch cho các cơ quan, đơn vị, người lao động và Nhân dân; xây dựng hệ thống BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động có hiệu quả, phục vụ tốt người tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN.
Bốn là, tập trung vào việc mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện; người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; đối tượng có hợp đồng lao động dưới 3 tháng theo quy định mới của Luật BHXH; người tham gia BHYT theo hộ gia đình…
Năm là, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, đặc biệt là phương thức tiếp cận đối tượng theo hướng trực diện, có trọng tâm, trọng điểm; nội dung đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ; hình thức đa dạng phù hợp với nhiều nhóm đối tượng; nêu bật được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, tính nhân văn của chính sách BHXH, BHYT trong việc chăm lo sức khỏe, đời sống cho người dân, góp phần ổn định An sinh xã hội của đất nước.
Sáu là, thực hiện tốt công tác quản lý Quỹ BHXH, BHYT, BHTN theo đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành đóng về BHXH, BHYT; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi trốn đóng, gian lận, trục lợi Quỹ BHXH, BHYT.
Bảy là, tiếp tục nâng cao năng lực, nghiệp vụ; đối mới tác phong, lề lối làm việc, phong cách phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức trong toàn ngành BHXH; cải tạo, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng tăng của ngành BHXH./.
Tuấn Đạt