Ngày 18/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp về công tác quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm. Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các đơn vị cần chủ động xử lý kịp thời các “sự cố” về mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo đó, các đơn vị tiếp tục triển khai Thông tư 14/2011, các Thông tư quy định về truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông lâm thủy sản.
Cùng với đó, các đơn vị chức năng lập kế hoạch tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra theo chuỗi sản phẩm thực vật, động vật và thủy sản ở các địa phương.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, Cục Thú y cần phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường tiếp tục xác minh nguồn gốc và áp dụng biện pháp xử lý đối với các lô hàng “thịt thối”, phải triệt phá được tận gốc các đầu nậu chứ không phải chỉ bắt các các lô hàng vận chuyển.
Đối với hoạt động kiểm soát giết mổ, qua kiểm tra giám sát vẫn còn nhiều cơ sở xếp loại C, còn tồn tại nhiều sai phạm như không khám lâm sàng khi kiểm dịch; không thực hiện tiêm phòng theo kế hoạch…
Bộ trưởng cũng yêu cầu, trong tháng 6/2012, Cục Chăn nuôi phải ban hành được danh mục thức ăn chăn nuôi được phép sử dụng tại Việt Nam, đồng thời tiếp tục theo dõi sát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Trước tình hình Nhật Bản áp dụng chế độ kiểm tra tăng cường 30% lô hàng tôm nuôi nhập khẩu từ Việt Nam về chỉ tiêu Ethoxyquin, Bộ Nông nghiệp yêu cầu Tổng cục Thủy sản, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Hiệp hội tăng cường kiểm soát Ethoxyquin trong sản xuất kinh doanh thủy sản và thức ăn thủy sản.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản sẽ đàm phán với cơ quan thẩm quyền của Nhật Bản nhằm tăng mức giới hạn tối đa cho phép đối với dư lượng Ethoxyquin…
Trong tháng 5/2012, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành lấy mẫu và phân tích 74 mẫu rau, quả tại các chợ đầu mối chính ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả cho thấy hàm lượng formandehyd trên các mẫu rau, quả đều nằm trong giới hạn cho phép.
Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật cũng quyết định tạm dừng thủ tục làm kiểm dịch thực vật đối với 5 mặt hàng rau, quả tươi (gồm rau húng, ớt ngọt, cần tây, mùi tàu và mướp đắng) xuất khẩu sang thị trường EU.
Đối với hoạt động kiểm soát giết mổ, Cục Thú y đã phối hợp với Thanh tra Bộ tổ chức đoàn kiểm tra công tác giết mổ gia súc gia cầm và công tác kiểm dịch tại 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hưng Yên.
Kết quả cho thấy, hoạt động giết mổ ở các địa phương này chủ yếu là nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả không cao và không đảm bảo vệ sinh thú y.
Đoàn thanh tra đã yêu cầu các tỉnh, thành phố có phương án chấn chỉnh kịp thời hoạt động giết mổ trên địa bàn…./.
(TTXVN)