Thứ Hai, 25/11/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 15/1/2013 16:59'(GMT+7)

Hai nghị quyết, một mục tiêu

Thưa Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành  nghị quyết số 01 và 02 về những giải pháp thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu. Điều này có ý nghĩa thế nào  với nền kinh tế?

Về bản chất, hai nghị quyết này chỉ là một. Nghị quyết số 02 thực chất là một bộ phận của Nghị quyết 01, nhưng vì việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và thị trường là vấn đề quá lớn, là vấn đề then chốt đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, nên Chính phủ quyết định phải ra một nghị quyết riêng.
Trong hai nghị quyết này, Nghị quyết 01 tập trung vào 9 nhóm giải pháp đồng bộ trên tất cả các mặt, lĩnh vực để Chính phủ điều hành kinh tế - xã hội năm 2013. Còn Nghị quyết 02 đi sâu vào nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và thị trường, giải quyết nợ xấu, với hàng loạt biện pháp cụ thể về miễn, giảm thuế, hạ mặt bằng lãi suất, giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản… nhằm giúp doanh nghiệp tìm kiếm được thị trường, có được nguồn lực với lãi suất hợp lý để phát triển sản xuất, tăng thu nhập và vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Như chúng ta đã biết, trong hai năm 2011 - 2012, nền kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, do những nguyên nhân khách quan và đặc biệt là các nguyên nhân chủ quan. Trong bối cảnh này, việc Chính phủ điều hành nền kinh tế theo hướng ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, vì tập trung thực hiện nhiều biện pháp rất mạnh để thắt chặt chính sách tiền tệ, tín dụng, nên doanh nghiệp  khó tiếp cận vốn, lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí phải tạm ngừng hoạt động, giải thể.
Trước những khó khăn như vậy, cần có những giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp - lực lượng quan trọng mang lại tăng trưởng cho đất nước.

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh là cần thiết. Nhưng thưa Bộ trưởng, những giải pháp này có thể sẽ tác động đến lạm phát của năm 2013, trong khi theo mục tiêu Chính phủ đề ra, thì lạm phát năm nay phải thấp hơn lạm phát năm ngoái (6,81%)?

Đúng là có những mâu thuẫn ở đây. Muốn ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát giảm nhanh, thì phải thắt chặt tín dụng. Nhưng tín dụng bị thắt chặt, thì doanh nghiệp lại gặp khó khăn. Chính vì vậy, điều quan trọng là phải xác định đúng những lĩnh vực mà chúng ta cần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh.

Cụ thể là thế nào, thưa Bộ trưởng?

Chúng ta phải ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để thúc đẩy sản xuất. Bên cạnh đó, cũng phải tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Thị trường bất động sản chẳng hạn. Đúng là có rất nhiều tranh luận về việc có cần tháo gỡ khó khăn cho thị trường này hay không, hay là để nó “xì hơi”; đúng là giá bất động sản ở Việt Nam bị đẩy lên quá cao, vượt giá trị thật của nó. Vì vậy, phải để thị trường này “xì hơi” bớt. Nhưng nếu không tháo gỡ khó khăn, để đổ bể hàng loạt, thì ảnh hưởng lớn đến toàn nền kinh tế. Vì thế, phải có chính sách hợp lý để tháo gỡ khó khăn cho thị trường này.
Với nợ xấu cũng vậy, đây là vấn đề rất quan trọng. Khi nợ xấu được giải quyết, các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn mới, dòng sữa mới, để có thể thoát khỏi cảnh ốm yếu, có nguồn lực để phát triển sản xuất - kinh doanh.
Cùng với đó, một giải pháp rất quan trọng, đó là phải kích thích tiêu dùng trong nước. Với 90 triệu dân, Việt Nam là một thị trường lớn, đa dạng, nhưng nếu chúng ta không có biện pháp để kích thích nhu cầu trong nước, đồng thời, tìm kiếm nhu cầu của thị trường bên ngoài, thì sản xuất để làm gì, sản xuất cho ai?

Với những giải pháp quyết liệt và đồng bộ này, liệu nền kinh tế Việt Nam có vượt qua được khó khăn trong năm 2013 này không, thưa Bộ trưởng?

Những giải pháp được đề ra trong hai nghị quyết là những giải pháp đồng bộ, với mục tiêu hàng đầu vẫn là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh. Trong quá trình thực hiện, chúng ta sẽ bổ sung, chỉnh sửa, nhưng rõ ràng là, cần có những biện pháp mạnh tay như thế thì nền kinh tế mới thoát khỏi khó khăn và thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 mà Quốc hội đã quyết nghị./.

Theo Báo Đấu thầu
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất