Thứ Sáu, 27/9/2024
Pháp luật
Thứ Bảy, 25/4/2009 11:20'(GMT+7)

Hai phương án quy hoạch thủ đô đến năm 2030

Thủ tướng cùng Thường trực Chính phủ nghe Liên danh PPJ báo cáo chiều 24/4. Ảnh: Chinhphu.vn.

Thủ tướng cùng Thường trực Chính phủ nghe Liên danh PPJ báo cáo chiều 24/4. Ảnh: Chinhphu.vn.

Đây là báo cáo lần đầu về mục đích và mục tiêu quy hoạch thủ đô Hà Nội. Liên danh quốc tế PPJ (Perkins Eastman, Posco E&C và Jina) tham gia nghiên cứu và xây dựng quy hoạch thủ đô đã trình bày tổng quan hiện trạng thủ đô hiện tại cũng như rà soát các dự án mới tại Hà Nội.

Theo các chuyên gia PPJ, quy hoạch thủ đô cần giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có các vấn đề liên quan đến với 744 dự án chiếm hơn 61.000 ha đất, vấn đề giao thông nội thị, ngoại thị, đường vành đai và liên tỉnh, sắp xếp lại không gian chức năng công cộng, đô thị hành chính; vấn đề quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng cũng như năng lực quản lý đô thị hiện nay của Hà Nội.

Quy hoạch này cũng phải đảm bảo kết nối và phát huy chức năng vùng thủ đô trong phát triển công nghiệp, du lịch, giao thông, hệ thống thoát nước, cấp điện, môi trường, dân cư và nguồn nhân lực.

Trên cơ sở này, PPJ trình bày đề án phát triển không gian Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu phát triển Hà Nội trở thành thủ đô phát triển bền vững, trong đó có nhiều ý tưởng mới về phát triển một vành đai xanh quy mô khá lớn, các tính toán mới về diện tích dành cho giao thông, nhà ở.

Các chuyên gia Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã đưa ra 2 ý tưởng A và B, trong đó nêu rõ những ưu, nhược của mỗi ý tưởng. Theo đó, ý tưởng A với điểm mạnh là hành lang xanh rộng 10-12 km, khu vực hai thành phố vệ tinh lớn tận dụng tối đa đầu tư cơ sở hạ tầng và giao thông, vùng không gian mở rộng lớn duy trì các cảnh quan quan trọng và vùng nông nghiệp. Vị trí Trung tâm hành chính quốc gia là xúc tác đem lại sức sống mới cho sông Hồng. Tuy nhiên, điểm yếu của ý tưởng này là Trung tâm hành chính quốc gia đặt tại khu đất hạn chế sẵn có và tác động đến các dự án đã trình.

Điểm mạnh của ý tưởng B là có thể giữ đa số các dự án đã trình, Trung tâm hành chính quốc gia là xúc tác cho thành phố mới, các thành phố vệ tinh qui mô nhỏ hơn tạo thuận lợi cho các cùng chức năng chuyên biệt, vị trí trung tâm y tế và đại học thiết lập các chức năng chính cho các vùng đô thị mới. Tuy nhiên, điểm yếu của ý tưởng này là sự phát triển có tác động đến các làng nghề và các khu nông nghiệp, sân bay thứ hai hạn chế sự phát triển hỗn hợp về phía Nam, đầu tư cho giao thông để kết nối với Trung tâm hành chính quốc gia.

Hai ý tưởng đưa ra với chiến lược phát triển 60% hành lang xanh và 40% phát triển đô thị. Trong đó 60% hành lang xanh có 40% là các vùng bảo tồn và 20% phát triển dựa trên bảo tồn, 40% phát triển đô thị sẽ chia đều cho các vùng phát triển mới và các vùng đã đô thị hóa. Cấu trúc không gian được xây dựng bao gồm: hành lang xanh, vùng công nghiệp, vùng nhà ở, các cụm khu vực, các cụm làng…với mục tiêu phát triển bền vững của thành phố 10 triệu dân vào năm 2030.

Sau khi nghe liên danh PPJ báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị các bên liên quan tiếp thu ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân để tiếp tục hoàn thiện quy hoạch. Trong đó, quy hoạch xây dựng Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 phải thể hiện Hà Nội là thủ đô của đất nước công nghiệp hóa, phát triển bền vững.

Thủ tướng cũng lưu ý các Bộ, ngành liên quan cần sớm mời thêm tư vấn hàng đầu thế giới, giúp thẩm định đề án do PPJ xây dựng, trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng lịch trình đề ra. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu, các phương án quy hoạch Hà Nội phải bám sát hiện trạng, phù hợp với ý tưởng tương lai. Gắn với quá trình xây dựng phương án quy hoạch sẽ kết hợp rà soát 744 dự án đã có sao cho phù hợp.

"Thời gian từ nay đến khi phê duyệt quy hoạch không còn nhiều nên các Bộ, ngành, địa phương liên quan cần phối hợp chặt chẽ với các nhà tư vấn PPJ để hoàn thành xây dựng quy hoạch một cách ưu việt nhất", Thủ tướng nói.

Dự kiến, quy hoạch này sẽ được phê duyệt vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Báo cáo lần đầu được thực hiện sau 12 đợt khảo sát, tổ chức 6 hội thảo về các vấn đề mấu chốt của công tác quy hoạch; lập bản đồ về điều kiện hiện trạng; tổ chức hội nghị quốc tế với 12 tham luận của chuyên gia quốc tế. PPJ cũng phân tích các bài học về quy hoạch xây dựng của 15 thành phố lớn trên thế giới.
 
(Theo Chinhphu.vn, TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất