Trong kết luận của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế xã hội quý I năm nay và các giải pháp chủ yếu từ nay đến cuối năm, Bộ Chính trị đã nhấn mạnh phải tăng cường hỗ trợ nông dân thông qua các khoản tín dụng ưu đãi để mua sắm máy móc thiết bị cho sản xuất, cùng đó là đẩy mạnh phát triển cơ khí trong nước để trang bị cho nông nghiệp.
Chương trình ưu đãi hỗ trợ nông dân 100% lãi suất và 4% lãi suất vay ngân hàng để đầu tư vào máy móc thiết bị, vật tư nông nghiệp và xây dựng nhà ở mà Chính phủ vừa ban hành ngày 17/4/2009 chính là để thực hiện chỉ đạo quan trọng này.
Vài ngày nay, tin vui cứ rộn ràng, râm ran khắp các làng quê, xóm thôn. Chuyện thời sự nóng hổi trong mọi câu chuyện hiện giờ là việc Chính phủ hỗ trợ nông dân vay vốn và bù lãi suất cho các khoản vay để mua máy móc thiết bị nông nghiệp, mua vật tư nông nghiệp và cả để mua vật liệu xây dựng xây nhà.
Các khoản vay ngắn hạn, trung hạn bằng tiền Đồng Việt Nam để mua các loại thiết bị vật tư này được Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất và 4% lãi suất vay. Như vậy, giờ đây, người nông dân cũng được hưởng phần hỗ trợ lãi suất vay vốn kích cầu giống như các doanh nghiệp đã và đang được hưởng.
Chính sách này không những góp phần quan trọng vào thực hiện chương trình kích cầu thị trường nông thôn, hỗ trợ người nông dân tương tự hỗ trợ các doanh nghiệp lãi suất vay vốn nhằm kích cầu đầu tư mà còn là giải pháp thiết thực góp phần thực hiện Nghị quyết của Đảng ta về Nông nghiệp, Nông thôn và Nông dân. Thế là cùng với niềm vui được mùa, bội thu, người nông dân đang đón nhận thêm niềm vui lớn và thiết thực nữa – niềm vui được hỗ trợ vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh và xây dựng nhà ở.
Sản phẩm được hỗ trợ là các sản phẩm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất và chế biến nông nghiệp (máy gặt đập liên hợp, máy kéo, máy cày, máy xới, máy làm đất, máy tuốt lúa, máy sấy nông sản, máy xát lúa gạo, máy bơm nước, máy phát điện, máy sục khí nuôi thủy sản, các loại ghe xuồng gắn động cơ, xe tải nhẹ, máy vi tính để bàn...); vật tư nông nghiệp (phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật) và các loại vật liệu xây dựng chủ yếu để làm nhà ở khu vực nông thôn.
Trong đó, thời hạn hỗ trợ lãi suất đối với các sản phẩm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp và máy vi tính, lâu nhất là 24 tháng; với các sản phẩm vật tư nông nghiệp và vật liệu xây dựng thì thời hạn được hỗ trợ dài nhất là 12 tháng.
Về mức hỗ trợ, các sản phẩm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp và máy vi tính được vay tối đa 100% giá hàng hóa (riêng máy vi tính, mức vay không quá 5 triệu đồng/chiếc) và được hỗ trợ 100% lãi suất.
Với vật tư nông nghiệp, được hỗ trợ 4% lãi suất vay với mức vay tối đa 100% giá trị hàng hóa nhưng không vượt quá 7 triệu đồng/ha; các loại vật liệu xây dựng để làm nhà ở thì được vay nhiều nhất là 50 triệu đồng. Chính phủ cũng khuyến khích các địa phương căn cứ nguồn ngân sách để chủ động hỗ trợ thêm cho nông dân.
Đất nước ta mỗi năm sản xuất ra trung bình 35 -36 triệu tấn lương thực, riêng năm 2008 lên đến hơn 38 triệu tấn, có 70% số dân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, vậy mà tỷ lệ thất thoát trong nông nghiệp lên đến hơn 12% tổng sản lượng làm ra – nếu tính giá trị tuyệt đối thì con số thất thoát thật xót lòng.
Chỉ riêng ĐBSCL mỗi năm đã mất khoảng 3.600 tỷ đồng vì sự thất thoát trong và sau thu hoạch lúa. Vựa lúa cung cấp hơn 50% sản lượng của cả nước mà luôn trong tình trạng thiếu trầm trọng máy sấy lúa, số máy sấy hiện tại chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu sấy của cả khu vực ĐBSCL.
Chính vì thế việc được hỗ trợ vay vốn và được bù lãi suất cho khoản vay để mua thiết bị sản xuất nông nghiệp thật là thiết thực và mang ý nghĩa lớn.
Với sự hỗ trợ mới, người nông dân có điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ tỷ lệ thất thoát trong sản xuất nông nghiệp đặc biệt là trong khâu thu hoạch và sau thu hoạch.
Chả nói đâu xa, với riêng quả thanh long khi vừa tìm được thị trường Mỹ và được chấp nhận, lại đã vấp ngay vào rào cản thiếu máy chiếu xạ thanh long để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Rào cản này lập tức ảnh hưởng trực tiếp đến hàng loạt hộ nông dân trồng thanh long, đến các doanh nghiệp xuất khẩu. Một đất nước khí hậu nhiệt đới, có nhiều nông sản là sản phẩm xuất khẩu chủ lực mà thiếu trầm trọng các thiết bị kiểm tra nông sản đáp ứng yêu cầu quốc tế thì thật đáng buồn và rất thiệt thòi.
Nông dân là những người chủ chốt sản xuất ra nông sản hàng hoá, lương thực htực phẩm cung cấp cho xã hội. Song thực tế đa số công sức nông dân bỏ ra không tương xứng với những gì họ thu về.
Chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan phải đảm bảo cho người trồng lúa nuôi cá có lãi từ 30% đến 40% là một chỉ đạo kịp thời, cần thiết và hết sức nhân văn, nhằm đảm bảo ổn định thu nhập từ nông nghiệp cho người nông dân, góp phần thực hiện an sinh xã hội.
Song nhìn từ góc độ khác - góc độ của người cung cấp nông sản lương thực thực phẩm chủ yếu cho toàn xã hội, thì cũng thấy rằng lao động nông nghiệp của chúng ta đang quá vất vả, nhọc nhằn. Những lúc được mùa thì nông sản giảm giá, những lúc giá lên thì lại không còn gì để bán bởi đã bán kiểu “lúa non” từ đầu vụ để lấy tiền trả nợ vốn vay và tiêu dùng.
Nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu của nền kinh tế, nhưng lao động nông nghiệp đã và đang chịu nhiều thiệt thòi, nông nghiệp của nước ta cũng còn khó khăn. Chương trình hỗ trợ lãi suất vay vốn trung và ngắn hạn để đầu tư cho thiết bị, vật tư nông nghiệp và nhà ở cho người dân nông thôn chỉ là một “gói giải pháp tài chính”.
Tuy nhiên gói giải pháp này nhằm vào hỗ trợ phương tiện và công cụ sản xuất nông nghiệp và điều kiện nhà ở cho người dân nên được kỳ vọng sẽ mang lại những chuyển biến đáng kể trong sản xuất nông nghiệp, chứ không chỉ đơn giản là gói kích cầu tiêu dùng ở nông thôn.
Vấn đề là liệu sự hỗ trợ này được triển khai cụ thể vào trong thực tế ra sao và liệu người nông dân sẽ sử dụng sự hỗ trợ của nhà nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh hay xây dựng nhà cửa như thế nào? Đặt vấn đề này không hề thừa bởi các bài học về chuyện cán bộ ăn bớt, ăn chặn tiền của nông dân vẫn còn đấy, gần đây là vụ đáng xấu hổ là ăn chặn tiền ăn tết mà Chính phủ phát cho người nghèo.
Để niềm vui của nông dân hưởng hỗ trợ của Chính phủ được trọn vẹn, để chương trình hỗ trợ lãi suất vay vốn và vốn vay của Chính phủ cho người nông dân dạt hiệu quả cao, cần phải có ngay từ đầu những quy định thực hiện cụ thể. Và cần nhất là cần phải có sự giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện. Không thể để xảy ra tình trạng người nông dân nhận được hỗ trợ 4% lãi suất thì phải “lại quả” cho cán bộ thôn xã hay cán bộ ngân hàng. Đấy cũng chính là một yếu tố quan trọng để thực hiện mục tiêu của Chính phủ đảm bảo tiêu an sinh xã hội./.
(Theo VOVnews)