Thứ Bảy, 21/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Chủ Nhật, 21/11/2010 21:44'(GMT+7)

Hàng ngàn trang tư liệu quý cho sử Việt

Cuốn Minh Thực lục: Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV-XVII

Cuốn Minh Thực lục: Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV-XVII

Đây là lần đầu tiên Việt Nam cho ra mắt 2 cuốn sử liệu đồ sộ, trích dịch đầy đủ phần tư liệu về Việt Nam từ 2 nguyên tác Minh Thực lục Thanh thực lục của Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Khắc Oánh - GĐ NXB Hà Nội, Sử Việt, đọc vài quyển (tên một cuốn sách của sử gia Tạ Chí Đại Trường) là hiện trạng sử liệu nghèo nàn của nước nhà. Khắc phục điều này, NXB đã liên lạc với dịch giả Hồ Bạch Thảo và biết rằng ông đang đi tìm kiếm, dịch và công bố các tư liệu liên quan tới nước ta từ sách sử Trung Quốc. Với hơn 1.000 năm quan hệ Việt-Trung, việc “ôn cố tri tân” bằng sử liệu luôn luôn là cần thiết. Và NXB Hà Nội đã thực hiện 2 cuốn sách trong một thời gian dài (2000-2010). Dịch giả và những người hiệu đính, bổ chú thậm chí chưa từng gặp gỡ nhau. Đặc biệt nhất là dịch giả Hồ Bạch Thảo, trong nhiều năm trời, đều đặn hàng ngày, bất chấp nắng mưa, ông đã đến các thư viện Hán Nôm ở Mỹ để sưu tầm cho đủ các tư liệu về VN từ 2 bộ sử khổng lồ của Trung Quốc.


Đến nay NXB Hà Nội “thở phào nhẹ nhõm” vì 1000 cuốn sách Minh Thực lục: Quan hệ Trung Quốc-Việt Nam thế kỷ XIV-XVII  đã được phân phối hết đến các thư viện trong cả nước. Ông Oánh nói: “Rất nhiều nhà nghiên cứu, bạn đọc, độc giả… gọi điện đến mua sách, nhưng hiện nay chúng tôi không còn quyển nào để bán, phải chờ đợt tái bản tiếp theo mới có. Còn cuốn Thanh thực lục : Quan hệ Thanh -Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX  vừa mới in xong, bạn đọc nào có nhu cầu phải liên hệ nhanh, không cũng sẽ không còn!”

Tư liệu quý cho sử Việt

Về giá trị của cuốn Minh Thực lục: Quan hệ Trung Quốc-Việt Nam thế kỷ XIV-XVII , PGS. TS Nguyễn Minh Tường cho biết: Dịch giả Hồ Bạch Thảo đã sưu tầm 1.329 văn bản/đoạn văn bản chứa toàn bộ các thông tin có liên quan trực tiếp tới Đại Việt và Champa được trích dịch trong Minh Thực lục (bộ sử chép việc xảy ra trong gần 300 năm của 13 triều vua nhà Minh- Trung Quốc, gồm 3.070 quyển, dày 40 ngàn trang).

Minh Thực lục được soạn bởi những nguồn tài liệu như: Nhật ký của vua, các văn kiện, bản tấu của các quan và các nước chư hầu... Minh Thực lục được in lần đầu tiên năm 1941 bởi Lương Hồng Chí (từ bản lưu tại thư viện tỉnh Giang Tô), cho nên các sử gia VN rất ít khi biết đến bộ sử này.


Ngoài chép về thời Minh, bộ sử còn chép đến tất cả các nước liên quan ở Đông Nam Á và VN là nước láng giềng được chép nhiều nhất. Theo GS.TS Nguyễn Minh Tường, việc dịch toàn bộ các văn bản liên quan đến VN trong bộ sách, nhằm giúp các nhà sử học VN đối chiếu với những sử liệu được ghi trong sử nước ta như Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư  để sử liệu được phối kiểm từ hai nguồn, để có độ chính xác càng cao. Ngoài ra sử Việt thường chép sơ lược, Minh Thực lục sẽ cho chúng ta tư liệu dồi dào hơn và cũng cho ta những tư liệu mới mà sử ta không có. Qua Minh Thực lục,  người yêu sử được thưởng thức nguyên văn những văn kiện của vua quan nước ta gửi sang Trung Quốc, cảm động bởi tâm tình và lòng yêu nước của tiền nhân.

Còn theo PGS. TS Tạ Ngọc Liễn, Thanh thực lục : Quan hệ Thanh -Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX  bao gồm 209 văn bản/đoạn văn bản liên quan chủ yếu đến quan hệ giữa nhà Thanh (Trung Quốc) và nhà Tây Sơn (Việt Nam) được trích dịch trong Thanh Thực lục.  Tuy đã hai lần được xuất bản dưới các tên khác (Cao Tông Thực lục, Thư ấn quán, New Jersey, 2004 và Thanh Thực lục: sử liệu chiến tranh Thanh-Tây Sơn, NXB Hà Nội, 2008) nhưng bản in lần này đã được nâng cấp, hiệu đính và bổ chú kỹ càng. Cũng như Minh Thực lục,  bộ Thanh Thực lục (gồm 4500 quyển) được biên soạn suốt 300 năm triều Thanh - Trung Quốc. Được biết, dịch giả Hồ Bạch Thảo đã sưu tầm hơn 1000 văn bản, nhưng do thời gian có hạn, nên giai đoạn sau này sẽ được ông cho ra mắt sau.

Cần sự góp sức của nhiều người!

Dịch giả Hồ Bạch Thảo (năm nay 74 tuổi) trong buổi ra mắt rất khiêm tốn. Ông cảm ơn NXB Hà Nội đã kết nối ông với các tác giả khác để biên tập và hoàn chỉnh bản thảo cuối cùng, có được 2 bộ sách như hôm nay.

Quê gốc ở Hà Tĩnh, sang Mỹ năm 1990 dạy song ngữ, rồi về hưu, nhưng vốn là dân Hán- Nôm, được đào tạo ra để khai thác những gì tổ tiên để lại, “nên tôi phải làm bổn phận của mình”. Thời trẻ, không có điều kiện để làm, khi về hưu, ông tận dụng tất cả thời gian để đến các thư viện Mỹ copy những tư liệu ông cần tìm kiếm. Ông cho biết: “Đến nay, toàn bộ những văn bản liên quan đến VN của bộ Minh Thực lục đã được tôi sao chép và dịch hết. Còn bộ Thanh thực lục, tôi đã lấy được hơn 1000 văn bản, nhưng mới dịch được hơn 200 văn bản. Trong tương lai tôi sẽ dịch và làm tiếp đến hết trọn bộ”.

Tâm sự với TT&VH trước khi về Mỹ ông cho biết: “Nơi tôi sống là 1 cái làng, xung quanh chỉ có 2 người Việt. Được dịch những văn bản có tên người, tên sách liên quan đến VN, tôi cảm thấy thân mật như đang trò chuyện với bà con ở VN. Việc này với tôi như là những thú vui vậy”.

Lịch sử VN và Trung Quốc có rất nhiều giai đoạn, 2 cuốn sách mới chỉ thu thập được tư liệu về 2 giai đoạn. Về điều này ông tâm sự: “Muốn hoàn thành một bộ sử lớn, tôi nghĩ cần sự đóng góp của nhiều người, nhiều thế hệ làm mới được. Tôi chỉ làm được 1 phần nhỏ thôi”.

(Theo TT&VH-TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất