Thứ Bảy, 21/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Bảy, 6/11/2010 21:32'(GMT+7)

Thơ với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

 Thơ kháng chiến chống Mỹ thực sự là vũ khí tinh thần có sức mạnh to lớn trong việc khơi dậy lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng, ý chí chiến đấu, niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của mỗi người cũng như toàn dân tộc Việt Nam.

Thơ kháng chiến chống Mỹ không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, mà còn là một hiện tượng nghệ thuật lớn, đặc sắc, là một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, có nhiều thành tựu xuất sắc trong tiến trình thơ hiện đại Việt Nam. Những giá trị tư tưởng và nghệ thuật của thơ kháng chiến chống Mỹ đã được khẳng định trong thực tiễn, từ đông đảo công chúng văn học đương thời cũng như trong nhiều công trình phê bình, nghiên cứu cả trước và sau năm 1975.

Từ thời kỳ đổi mới, nhu cầu nhận thức lại để đánh giá khách quan, toàn diện về văn học thời kỳ chiến tranh là một đòi hỏi tất yếu để đổi mới nền văn học. Trong xu hướng ấy, thơ kháng chiến chống Mỹ đã được tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn, với những cách tiếp cận đa dạng. Nhiều giá trị của giai đoạn thơ này tiếp tục được khẳng định. Tuy nhiên, đã xuất hiện những ý kiến hoài nghi, thậm chí phủ định giá trị của thơ kháng chiến chống Mỹ, cho đó chỉ là thơ ghi chép sự việc, thơ chính trị đơn nghĩa, thậm chí là một khúc đứt gãy, một bước lùi trong tiến trình thơ hiện đại Việt Nam. Để đánh giá thật khách quan, toàn diện, đúng đắn về giai đoạn thơ kháng chiến chống Mỹ cần có thêm những công trình nghiên cứu tiếp cận đối tượng này từ nhiều bình diện và giá trị, đặt trong những điều kiện lịch sử của thời đại ấy, đồng thời xem xét thơ kháng chiến chống Mỹ trong tiến trình thơ hiện đại Việt Nam. Chuyên luận “Thơ với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” của Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng là công trình nhằm hướng tới đáp ứng đòi hỏi đó.

Xem xét sự hình thành, phát triển của giai đoạn thơ này trong bối cảnh lịch sử và môi trường tinh thần đặc biệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng thời đặt trong dòng chảy liên tục của nền thơ dân tộc, tác giả đã khẳng định:” Thơ kháng chiến chống Mỹ là sự kế tục dòng thơ yêu nước, cách mạng của dân tộc trong dạng thức trữ tình sử thi, đồng thời cũng là sự vận động tiếp tục của tiến trình thơ hiện đại Việt Nam trong những điều kiện và yêu cầu mới của lịch sử, mở ra một hướng đi khác cho tiến trình đó, phù hợp với yêu cầu của thời đại và công chúng”. Diện mạo và đặc điểm của thơ kháng chiến chống Mĩ được tìm hiểu và phân tích khá kĩ lưỡng trên các bình diện: Cái “tôi “ trữ tình và các hình tượng thơ tiêu biểu, những khuynh hướng chính trong sự vận động của thơ, xu hướng tự do hóa hình thức thơ và sự đa dạng về giọng điệu. Trên cơ sở kế thừa những phát hiện, nhận định của các công trình nghiên cứu đi trước, tác giả đã có sự phát triển, bổ sung bằng những kiến giải, phân tích cụ thể và phong phú về những bình diện nói trên của thơ kháng chiến chống Mỹ. Hơn nữa, chuyên luận có những phát hiện mới, bổ sung cho sự nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn về giai đoạn thơ chống Mỹ. Chẳng hạn, bên cạnh cái tôi trữ tình sử thi và những biến thể của nó như cái tôi thế hệ trẻ, cái tôi thống nhất riêng – chung, chuyên luận đã nêu ra và phân tích một dạng thức khác nữa: cái tôi phi sử thi. Tuy chỉ là dòng phụ lưu, từng có lúc bị phủ nhận, nhưng ngày nay cái tôi phi sử thi cần được nhìn nhận lại, để thấy sự đa dạng và không đơn điệu của thơ thời kỳ này. Cũng như vậy, bên cạnh hình tượng tổ quốc từ cái nhìn sử thi, còn có hình ảnh tổ quốc từ góc nhìn văn hóa và cả hình ảnh đất nước trong chiến tranh từ góc nhìn nhân bản. Điều đó làm giàu thêm cho cách tiếp cận đời sống của thơ thời kì chống Mỹ, đồng thời cũng sớm báo hiệu một hướng đổi mới trong thơ giai đoạn sau chiến tranh.

Tác giả Lê Thị Bích Hồng đã bền bỉ, nỗ lực, vượt qua rất nhiều khó khăn, dành nhiều công sức, tâm huyết và cả sự đam mê trong nhiều năm cho công trình này. Chuyên luận “Thơ với cuộc kháng chiến chống Mỹ nứu nước” là công trình nghiên cứu công phu, bao quát được nhiều phương diện nội dung và nghệ thuật của thơ kháng chiến chống Mỹ, đã khẳng định “Thơ kháng chiến chống Mỹ là một phần không thể phủ định trong các giá trị tinh thần của một thời đại lịch sử, đã và sẽ còn được lưu giữ, trân trọng bởi những thế hệ hôm qua, hôm nay và cả mai sau”. Công trình là một tài liệu hữu ích cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về thơ kháng chiến chống Mỹ, lưu giữ những giá trị tinh thần của văn học về đề tài chiến tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, nhất là trong nhà trường các cấp, cũng như với đông đảo bạn đọc yêu mến nền thơ dân tộc.

Nhà giáo Nhân dân PGS. Nguyễn Văn Long

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất