Thứ Sáu, 22/11/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 24/7/2019 15:56'(GMT+7)

Hàng trăm chương trình vi phạm bản quyền

Live show "Trăm năm không quên" của ca sĩ Quang Hà bị tố "vi phạm bản quyền".

Live show "Trăm năm không quên" của ca sĩ Quang Hà bị tố "vi phạm bản quyền".

MUÔN HÌNH VẠN TRẠNG XÂM PHẠM BẢN QUYỀN

Theo Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), những vi phạm được thống kê lại mới chỉ tính ở các chương trình quy mô lớn mà Trung tâm phát hiện được. Những vi phạm diễn ra dưới muôn hình vạn trạng, và ngày càng có những cách thức tinh vi hơn để xâm phạm bản quyền.

Chẳng hạn, có những đơn vị tổ chức các show diễn lớn, sau đó khi hoàn thành thì xóa tên công ty và thành lập công ty mới, do đó nghiễm nhiên không phải chịu trách nhiệm gì về những vi phạm bản quyền (nếu có) ở các show trước.

Nhiều đơn vị, cá nhân ca sĩ lợi dụng quyền độc quyền sử dụng bài hát để trốn tránh việc trả nhuận bút cho tác giả hoặc đối phó với cơ quan quản lý. VCPMC cho biết, có hiện tượng một số tác giả khi ký giấy tờ để cho phép ca sĩ được độc quyền bài hát với mục đích biểu diễn, nhưng nhiều ca sĩ/người biểu diễn lại hiểu chưa đúng, hoặc đơn vị tổ chức biểu diễn đã cố ý lợi dụng các giấy tờ này để né tránh việc xin phép, trả tiền nhuận bút cho tác giả và tìm cách đối phó với thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước.

VCPMC cho biết, hiện nay có tám chương trình biểu diễn vi phạm quyền tác giả đã bị phát hiện và được khởi kiện, tuy nhiên chưa chương trình nào trong số này được đưa ra xét xử. Đó là Live Concert Quang Hà "Trăm năm không quên" ngày 23/7/2017, “Để nhớ một thời ta đã yêu” ngày 6/7/2018, “Khánh Ly - Như một lời chia tay” ngày 1/9/2018, “Câu chuyện Bằng Kiều”, ngày 18 và 19/8/2018, “Liveshow Ưng Hoàng Phúc” ngày 10/3/2018, “Liveshow Duy Trường - Tôi yêu” ngày 24/3/2018, “Liveshow Nhạc tình muôn thuở 6” ngày 17/6/2018, “Liveshow Nhạc tình muôn thuở 7” ngày 28/7/2018.

Các vụ vi phạm này, đều ở trong tình trạng Tòa án chưa thụ lý, hoặc đã thụ lý nhưng chưa xét xử, hoặc đã triệu tập nhưng chỉ có nguyên đơn mà bị đơn không có mặt. Điều đáng chú ý, có những đơn vị tổ chức gần như đã quá “quen mặt” ở các vụ vi phạm. Điển hình là Công ty TNHH Truyền thông và Giải trí Unicorn Việt Nam, chiếm tới một nửa trong số tám chương trình bị phát hiện và khởi kiện nói trên.

CƠ QUAN QUẢN LÝ CŨNG PHẢI NẮM RÕ

VCPMC cũng lưu ý cơ quan quản lý, hiện nay nhiều tác giả bán độc quyền ca khúc của mình cho ca sĩ hoặc người biểu diễn có thời hạn, cho nên các ca sĩ hoặc người biểu diễn khác tuyệt đối không được sử dụng. Nếu cơ quan quản lý không nắm được và cấp phép cho những ca khúc này, bản thân cơ quan quản lý cũng sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới trước pháp luật.

Hiện nay, theo yêu cầu của các tác giả trong nước và quốc tế, VCPMC uỷ quyền toàn bộ các tác giả cho văn phòng Luật sư và văn phòng luật sư làm văn bản gửi tất cả các cơ quan quản lý nhà nước: Cục Nghệ thuật biểu diễn, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao trong cả nước không được tuỳ tiện cấp phép khi chưa có ý kiến tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, vì đây là tài sản riêng của tác giả chứ không phải của Nhà nước. Vì thế, cơ quan quản lý nhà nước ở lĩnh vực biểu diễn cũng phải nắm được đầy đủ thông tin để cấp phép, đặc biệt là các ca khúc đã bán độc quyền.

KHÓ KHĂN TRONG VIỆC XỬ LÝ

Tình trạng vi phạm bản quyền nhiều và có chiều hướng không giảm như vậy, nhưng thực tế để xử lý triệt để việc này, VCPMC gặp rất nhiều khó khăn.

Việc kiểm tra, xử lý vi phạm trên thực tế thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng các vụ việc vi phạm xảy ra tràn lan, đơn vị vi phạm thách thức và hết sức tinh vi khiến cho việc xử lý vi phạm, “hậu kiểm” chưa thể đáp ứng kịp thời và giải quyết dứt điểm.

Việc khởi kiện dân sự đòi quyền lợi hợp pháp cũng vấp phải nhiều khó khăn: Bên cạnh các vụ việc giải quyết bằng biện pháp dân sự, khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền cũng không đạt hiệu quả, thời gian kéo dài, chi phí tốn kém; điển hình là tám vụ vi phạm kể trên đã khởi kiện nhưng chưa thụ lý, chưa xét xử hoặc bị đơn không chấp hành yêu cầu có mặt tại tòa án.

Một vấn đề nữa, là dù có áp dụng đầy đủ các biện pháp để bảo vệ quyền theo quy định của pháp luật, với thực trạng vi phạm về quyền tác giả hiện nay, các biện pháp xử lý vi phạm đều rất khó để ngăn ngừa hành vi xâm phạm, khó tác động kịp thời đến nhận thức, ý thức pháp luật của người sử dụng âm nhạc; trường hợp vụ việc nếu được giải quyết xong và bên vi phạm đã bồi thường thiệt hại thì quyền tác giả cũng đã bị xâm phạm, hậu quả đã xảy ra và những tổn thương tinh thần của tác giả khó có thể bù đắp.

Từ những thực tế này, VCPMC cũng đề xuất Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xem xét lại sự bất cập và những hệ lụy, thiệt hại đối với tác giả, người sáng tạo từ việc hủy bỏ điều kiện về quyền tác giả tại Nghị định số 142/2018/ND-CP và xem xét việc cần thiết phải có quy định rõ, cụ thể về thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền sử dụng quyền tác giả tại hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật và giấy phép phê duyệt nội dung sản phẩm có liên quan đến nghệ thuật biểu diễn tại Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh các sản phẩm có liên quan đến nghệ thuật biểu diễn dưới các định dạng khác nhau./.

Tuyết Loan (nhandan.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất