NGƯỜI CON GÁI CỦA "TIẾNG DƯƠNG CẦM TRONG CĂN NHÀ ĐỔ"
Xa Hà Nội đã lâu, cho nên Hà Nội trong lòng nhà thơ Phan Vũ là chồng
chất những hình ảnh, những hoài niệm đẹp, lãng mạn và cả buồn nữa. Nhà
của nhà thơ Phan Vũ ở phố Hàng Bún, ngay gần nhà máy điện Yên Phụ, và
ông cũng chứng kiến những ngày đêm Mỹ ném bom B52 phá nát Hà Nội.
Ông kể
lại: “Những sự kiện trong tháng 12 đó đã để lại một rãnh sâu đậm trong
ký ức của tôi. Đó là một khối lượng hoài niệm. Bài thơ “Em ơi, Hà Nội
phố” không viết về chiến tranh, mà viết về những hoài niệm. Ta còn em,
cũng có nghĩa là ta mất em rồi”.
Ai đọc thơ ông, cũng nghĩ, có một cô gái nào đó liên quan tới “tiếng
dương cầm trong căn nhà đổ”, cho nên nhà thơ mới viết nên được những vần
thơ lãng mạn và buồn đến như vậy.
Và trong lần ra Hà Nội năm đó, Phan
Vũ đã “bật mí” về “tiếng dương cầm”. Ông kể vui: “Có một cô phóng viên
nước ngoài tôi gặp khi sang Pháp đã tỉ mẩn ngồi đếm từng hình bóng người
con gái trong bài thơ của tôi, khoảng chừng ba chục. Và cô ấy hỏi, cô
nào là người mà tôi yêu? Tôi bảo, tôi yêu tất cả, nếu yêu một người thì
không thành bài thơ này, mà sẽ thành bài thơ khác. Thế nhưng có một sự
thực, là trong bài thơ có một người con gái mà tôi thầm yêu thương. Đoạn
thơ “Ta còn em tiếng dương cầm. Căn nhà đổ...” chính là dành cho cô
ấy”.
Người con gái ấy là bà Trịnh Thị Nhàn, nhà ở phố Quán Thánh, chơi đàn
piano rất hay, theo ông tả là “ngang ngửa Đặng Thái Sơn”.
Nhà thơ kể,
trước kia, ông và nhà thơ Dương Tường đều mê mẩn tiếng đàn, thỉnh thoảng
lại qua nhà bà Nhàn nghe đàn. Năm 1972, bom Mỹ ném khắp nơi, căn nhà
bên cạnh nhà bà Nhàn bị phá tan tành. Khi nhà thơ chạy sang đến nơi, chỉ
còn cây đàn dương cầm vỡ nát, những bản giấy chép nhạc bay lả tả khắp
nơi.
Nhà thơ Dương Tường kể thêm, sau này bà Nhàn sang Pháp sinh sống, ở
một vùng ngoại ô khá hẻo lánh, trong một tòa nhà cổ gần như bị bỏ
hoang, và trong tòa nhà có những cây đàn piano mà chính nghệ sĩ Đặng
Thái Sơn từng chơi.
MỘT NGƯỜI HÀ NỘI LÃNG MẠN VÀ HÀO HOA
Gắn bó với một trong những nơi đẹp nhất Hà Nội: Hồ Tây, cho nên Hà
Nội của nhà thơ Phan Vũ lúc nào cũng đậm chất lãng mạn và vô cùng đẹp.
Hà Nội trong ký ức nhà thơ là một Hà Nội với hồn riêng, lúc nào cũng có
những tài hoa, hết lớp này đến lớp khác, không bao giờ hết tài hoa.
Chẳng hạn, với nhà thơ, vẻ đẹp của người phụ nữ Hà Nội là một vẻ đẹp
thay đổi theo thời gian, nhưng vẫn mang tính chất riêng của Hà Nội:
“Ngày xưa mẹ tôi đẹp một kiểu khác, vợ tôi đẹp một kiểu khác, đến bây
giờ các cô gái Hà Nội đẹp một kiểu khác, hiện đại mà hoang dại, nhưng
cũng rất đẹp. Vẻ đẹp ngày xưa là vẻ đẹp nền nếp, bây giờ là vẻ đẹp tự do
hơn. Nhưng đó cũng là vẻ đẹp rất riêng của Hà Nội”.
Trong ông vẫn còn giữ mãi hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, hào hoa:
“Ngày xưa, tôi còn nhớ nhà văn Đoàn Phú Tứ, ra đường lúc nào cũng quần
áo nghiêm chỉnh, tay đeo găng, cầm can đi lên lớp dạy học. Người Hà Nội
ngày xưa là như thế, đi ra đường là rất chải chuốt. Ngày xưa đi ra đường
sẽ nghe thấy tiếng chào nhau râm ran “Chào cụ ạ, cụ có mạnh khỏe
không”... Bây giờ những hình ảnh đẹp đó không còn, nhưng không hẳn đã
mất đi. Thỉnh thoảng vẫn còn bắt gặp đâu đó những dáng dấp của người Hà
Nội ngày xưa. Đó là sự điều chỉnh”.
Với ông, ngay cả khi Hà Nội của những năm tháng hiện đại đã bị băm
nát, bị đè nén bởi các công trình xây dựng, thì vẫn có những góc riêng
rất “Hà Nội” mà nơi khác không có: “Không ai làm cho Hà Nội này khác đi
được cả. Bao nhiêu triều đại đi qua, Hà Nội thay đổi nhiều nhưng không
mất đi được. Bao nhiêu lần Hà Nội chịu sự tàn phá của chiến tranh, của
con người, nhưng cuối cùng Hà Nội vẫn là Hà Nội”. Vẻ đẹp đó, ông gửi vào
thơ, vào tranh… những gì có thể “nói” được thay ông một tình yêu bất
diệt về Hà Nội.
Và bây giờ, con người Hà Nội tài hoa đó đã ra đi, khi cả hoàng lan và hoa sữa cùng không kịp chia tay ông…/.