Thứ Ba, 26/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 19/5/2016 10:1'(GMT+7)

Hành trình tiếp biến văn hóa của nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh

Tháng 6 năm 1911, người thanh niên xứ Nghệ Nguyễn Tất Thành đã rời cảng Sài Gòn ra đi quyết chí tìm cho được con đường giải phóng dân tộc. Người đã có quyết định sáng tạo đầu tiên là không “Đông du” theo con đường và lời mời của các bậc cha chú mà “Tây du” theo sự mách bảo của trí tuệ, một tư duy khoa học kết hợp với khát vọng, hoài bão giải phóng đồng bào. Từ đó trở đi, quyết tâm lớn nhất của Người là phải bằng mọi cách để thực hiện được mục đích đó của mình. Người làm việc như một công nhân thực sự; viết đơn xin học Trường Thuộc địa với ý định đã có từ lúc trạc 13 tuổi là “muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”[1]. Ý định này bộc lộ một tầm nhìn xa trông rộng, sáng tạo và bản lĩnh của Người trong việc khám phá, khai thác văn minh nhân loại, khoa học công nghệ của thế giới tư bản, của những nước có kẻ đi xâm lược đồng bào mình để phục vụ cho đồng bào mình. Một thanh niên yêu nước tham gia cuộc đấu tranh quyết liệt chống thực dân phương Tây xâm lược, ngay từ đầu lại hướng tới phương Tây để làm quen với văn minh, văn hóa phương Tây quả là một điều kỳ lạ, riêng có.

Thứ nhất, nói đến văn hóa nhân loại có tầm cỡ vĩ đại nhất và ảnh hưởng lớn nhất đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác-Lênin. Chính chủ nghĩa Mác-Lênin đã thức tỉnh và làm hoàn thiện chủ nghĩa yêu nước ở Hồ Chí Minh gắn với thời đại mới. Đối với Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác-Lênin cũng giống như chiếc cẩm nang thần kỳ. Hơn cả tác dụng của chiếc cẩm nang thần kỳ, của chiếc kim chỉ nam, chủ nghĩa Mác-Lênin “còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”[2]. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã trở thành cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là nguyên nhân căn bản khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh không một phút xa rời học thuyết Mác-Lênin. Kể cả trong những thời khắc cam go nhất của lịch sử cách mạng Việt Nam, Người vẫn luôn giữ nguyên tắc bất di bất dịch và lòng trung thành vô hạn đối với chủ nghĩa Mác-Lênin. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Lý luận cách mạng không phải là giáo điều, nó là kim chỉ nam cho hành động cách mạng; và lý luận không phải là một cái gì cứng nhắc, nó đầy tính chất sáng tạo; lý luận luôn luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động. Những người cộng sản các nước phải cụ thể hoá chủ nghĩa Mác - Lênin cho thích hợp với điều kiện hoàn cảnh từng lúc và từng nơi”[3].

Vì vậy, Người không những vận dụng sáng tạo mà còn góp phần bổ sung và phát triển những nội dung mới khiến cho chủ nghĩa Mác - Lênin có sức sống mãnh liệt. Về vấn đề Đảng, Lênin cho rằng sự ra đời của Đảng Cộng sản là sản phẩm của chủ nghĩa Mác kết hợp với phong trào công nhân, nhưng ở Việt Nam sự ra đời của Đảng Cộng sản là sản phẩm kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Về vấn đề giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, chủ nghĩa Mác-Lênin bao giờ cũng xác định giải phóng giai cấp là trước hết, nhưng ở Việt Nam - theo Hồ Chí Minh, muốn giải phóng giai cấp trước hết phải giải phóng dân tộc và độc lập dân tộc chỉ có ý nghĩa khi mang lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân… Rõ ràng, lý luận Mác-Lênin đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam và từ thực tiễn sinh động bổ sung cho lý luận, làm phong phú thêm cho lý luận. Nhờ vậy mới có đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo để đưa cách mạng Việt Nam giành được thắng lợi trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và trong công cuộc xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai,
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ cộng sản nhưng ở Người, không hề thiếu vắng cái cốt cách nhà nho - nghĩa khí. Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện sự quan tâm tới vấn đề đạo đức bằng văn từ, quan trọng hơn là bằng tự làm gương một cách tự giác, kiên trì, có hệ thống. Hồ Chí Minh nói: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Suốt đời, Người chưa hề biết khuất phục hay lùi bước trước kẻ thù. Hồ Chí Minh nói “dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ thù của nhân dân”, chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, yêu cầu phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân... Suốt đời, Người không nhận một cái gì cho riêng mình, Người không màng danh lợi, không ham bia đá, tượng đồng. Cuộc đời của Người, từ lúc làm một thợ ảnh bình thường ở ngõ hẻm Compoint nước Pháp, “một viên gạch hồng Bác chống lại cả một mùa băng giá” đến khi làm Chủ tịch nước sống giữa thủ đô Hà Nội, vẫn là một cuộc đời thanh bạch, giản dị, tao nhã từ câu nói, tác phong đến vật dùng tư trang hàng ngày, từ ǎn uống đến sở thích sống hoà mình với nhân dân, từ ngôi nhà sàn Bác ở suốt 15 năm cuối của cuộc đời Người, đơn sơ, nho nhỏ, chỉ có những đồ dùng rất gần gũi với Bác: Một chiếc giường đơn trải chiếu cói, cái tủ nhỏ, bộ bàn ghế, trên bàn để đèn, lọ hoa, chiếc máy thu thanh, cái quạt nan, mấy quyển sách cần thiết hàng ngày...

Có ảnh hưởng của Nho giáo - một hệ thống đạo đức, triết lý, và tôn giáo tiêu biểu của phương Đông, khi đến Liên Xô năm 1923, trả lời phỏng vấn của một nhà báo, Người đã tự giới thiệu: “Tôi sinh ra trong một gia đình nhà nho An Nam... Thanh niên trong những gia đình ấy thường học Khổng giáo”[4]. Tại Đại hội Quốc tế cộng sản năm 1935, Người ghi trong lý lịch: “Thành phần gia đình nhà nho”. Thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất thân trong một gia đình nhà Nho nền nếp. Thời niên thiếu tại quê nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh được cha gửi đến học chữ Hán (trong đó có Nho giáo) với các thầy giáo giàu lòng yêu nước. Năm 1906, khi cha ra nhận chức quan ở Huế, Hồ Chí Minh lại được theo học trường Đông Ba là ngôi trường dạy 3 thứ chữ Hán, Quốc ngữ và Pháp.

Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã học Nho và trình độ Hán ngữ của Người chắc chắn đã được bổ sung và nâng cao khi Người quen biết một số nhà hoạt động cách mạng Trung Quốc ở Paris (1917-1923) như Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân... (trong đó có cả nhà thơ Trung Quốc Tiêu Tam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người giới thiệu vào Đảng Cộng sản Pháp) cũng như trong những lần Người hoạt động và bị bọn Quốc Dân đảng giam giữ ở Trung Quốc. Qua những bài thơ chữ Hán của Người, mà tập thơ Nhật ký trong tù là đỉnh cao nhất, đủ thấy trình độ Hán học cũng như thi tài của Người uyên thâm, xuất sắc đến mức nào. Về tập thơ Nhật ký trong tù, Quách Mạc Nhược, nhà học giả nổi tiếng của Trung Quốc nhận xét: Có một số bài thơ rất hay, nếu xếp chung vào tập thơ Đường, Tống e rằng cũng không dễ gì nhận ra”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Tuy Khổng Tử là phong kiến và tuy trong học thuyết của Khổng Tử có nhiều điều không đúng song những điều hay trong đó thì chúng ta nên học”. Theo đó, những mặt tích cực của Nho giáo là triết lý hành động, tư tưởng nhập thế, hành động giúp đời, ước vọng về một xã hội bình trị, hòa mục, triết lý nhân sinh; tu thân dưỡng tính; đề cao văn hóa lễ giáo, tạo ra truyền thống hiếu học. Với tinh thần nói trên, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh đã sử dụng rất nhiều câu chữ của Nho giáo, nhiều kinh nghiệm giáo dục và tu dưỡng của Nho giáo, nhiều biện pháp động viên tinh thần và ý chí của Nho giáo để cổ vũ nhân dân đứng lên chiến đấu giành lại độc lập tự do với một khí phách kiên cường, tinh thần mưu trí và sáng tạo. Năm 1946, trước khi sang thăm chính thức nước Pháp, trong bối cảnh nhân dân cả nước lo sợ bọn thực dân hiếu chiến tráo trở, lo sợ tình hình trong nước bất ổn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ định cụ Huỳnh Thúc Kháng (vốn là một vị túc nho vừa được Người mời ra gánh vác việc nước) thay mặt Người giải quyết mọi công việc với lời dặn ngắn gọn: “Dĩ bất biến ứng vạn biến” (Lấy sự không thay đổi để đối phó với mọi cái thay đổi). Lời dặn ứng khẩu của Chủ tịch Hồ Chí Minh với vị túc nho Huỳnh Thúc Kháng chứng tỏ mức độ nghiên cứu triết học phương Đông uyên thâm của Người. Nó nhấn mạnh sự cần thiết phải giữ vững được cái tư thế tỉnh táo giữa muôn cơn nguy hiểm của người cách mạng, có như vậy chúng ta mới làm chủ tình thế trong mọi trường hợp.

Phát huy mặt tích cực của tư tưởng đạo hiếu lấy dân làm gốc trong Nho giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh không đặt mình ở vị trí cao hơn dân, ở ngoài dân. Không chỉ xem dân là quý, là gốc, là sức mạnh, mà Người luôn đặt mình trong dân, là đầy tớ của dân, coi lợi ích của dân là tất cả sự nghiệp của mình, là mục tiêu của cách mạng. Người khẳng định một cách chắc chắn rằng “nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng”, do đó mà “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng đoàn kết của nhân dân”. Người đã dùng những lời lẽ tôn vinh nhân dân lên hàng tối thượng trong tất cả các lực lượng và chỉ rõ vai trò to lớn nhất của nhân dân mà không có lực lượng nào có thể sánh được. Cán bộ, đảng viên phải có thái độ yêu kính nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, học hỏi quần chúng, thật thà, ngay thẳng, không giấu dốt, giấu khuyết điểm, giấu sai lầm; khiêm tốn, gần gũi quần chúng; không được kiêu ngạo, phải thực sự cầu thị, không được chủ quan; kiên quyết dựa vào quần chúng, giáo dục và phát động quần chúng tiến hành thắng lợi mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Và cũng từ rất sớm, rất kiên quyết, Người đã đặt vấn đề đấu tranh để ngăn ngừa các tệ quan liêu, chuyên quyền, tham ô, lãng phí, đặc quyền đặc lợi trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người coi đó là thứ giặc rất nguy hiểm, chà đạp quyền dân chủ, làm hư hỏng cán bộ, phá vỡ kỷ cương, kỷ luật, có thể làm ruỗng nát chế độ dân chủ từ bên trong.

Thứ ba, trong hành trình bôn ba tìm đường giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhận những giá trị văn hóa phương Tây, văn hóa phương Đông qua lăng kính tiếp thu và tiếp biến. Từ lăng kính này, Người dần dần mở rộng tầm nhìn về thế giới, tiếp biến văn hóa, văn minh tư sản, tôn giáo... Người đã từng tỏ rõ thái độ của mình đối với việc học tập, tiếp thu những học thuyết của các lãnh tụ chính trị, xã hội, tôn giáo trong lịch sử như sau: Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giêsu, C. Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải đã có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn "mưu hạnh phúc cho loài người, mưu hạnh phúc cho xã hội... Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy. Và khi nói “cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”- Hồ Chí minh đã đưa những tấm gương lịch sử trở lại với xã hội hiện đại.

Cùng với Nho giáo, trên bình diện tư tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều mặt gần gũi, gặp gỡ với giáo lý Phật giáo. Nhận rõ những giá trị cao đẹp của Phật giáo, có sự gần gũi, gặp nhau với tư tưởng Phật giáo trên những nét lớn, Người bao giờ cũng nhìn Phật giáo với một thái độ trân trọng: “Nền tảng và truyền thống của triết học Ấn Độ là lý tưởng hòa bình bác ái. Liên tiếp trong nhiều thế kỷ, tư tưởng của Phật giáo, nghệ thuật khoa học Ấn Độ đã lan khắp thế giới”[5]. Người cũng sớm minh triết chân lý: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như bóng với hình, tuy hai mà một”[6]. Đến cuối cuộc đời, tháng 6 năm 1968, khi Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng xin Người chỉ thị về việc in sách Người tốt việc tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh gợi mở: “Ta phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần THIỆN trong con người nẩy nở để đẩy lùi phần ÁC, chứ không phải đập cho tơi bời”.

Trong hàng trăm chuyến đi thăm cơ sở, đến với các đơn vị vũ trang nhân dân, các công trường, xí nghiệp, nông trường, hợp tác xã, bệnh viện, trường học, nhà trẻ, lớp mẫu giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đến nhiều vùng núi, chùa, đền linh thiêng như: chùa Hương, chùa Một Cột, chùa Quán Sứ, chùa Thầy, chùa Trầm, chùa Côn Sơn, đền Ngọc Sơn, đền Hùng, Kiếp Bạc, Cổ Loa,... thành kính thắp hương. Sau ngày giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến chùa Bà Đá và Nhà Thờ Lớn (Hà Nội) dự lễ cầu siêu cho linh hồn đồng bào, chiến sỹ hy sinh vì Tổ quốc…Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Ấn Độ, trong chuyến đi có buổi đến chùa lễ Phật, Người viết: “Bác và đoàn do các vị Hòa thượng đưa lên lầu trên là nơi thờ Đức Phật...”[7]. Tổng thống Ấn Độ tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh cây Bồ Đề từ nơi Đức Phật tọa thiền và đắc đạo, Người cho trồng tại chùa Trấn Quốc, ngôi chùa linh thiêng bậc nhất của Thủ đô.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết: “Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn, Người phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma… Chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ”[8]. Tiếp thu tư tưởng vị tha ở Phật giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của lòng nhân ái, độ lượng, khoan dung, ngay cả với những người lầm đường, lạc lối hay phạm sai lầm. Người nói: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ”. Người kêu gọi nhân dân “khoan hồng đại độ” đối với những ai tham gia ngụy quân, ngụy quyền và căn dặn cán bộ nên “đối đãi nhân đạo với các tù binh” để "cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người, cướp nước"[9]. Trong chiến dịch Biên giới 1950, khi đi thăm trại tù binh, Bác đóng giả một cụ già nông dân và Người đã cởi tấm áo khoác ngoài của mình cho một đại úy thầy thuốc…

Ngoài ra, còn có thể tìm thấy nhiều trích dẫn khác nữa về các nhà tư tưởng phương Đông như Lão Tử, Mặc Tử, Quản Tử… trong các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng như sau này, khi đã trở thành người mácxít, Nguyễn Ái Quốc vẫn tìm hiểu thêm về chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn và tìm thấy trong đó “những điều thích hợp với điều kiện nước ta”. Sự gặp gỡ giữa tư tưởng của Tôn Trung Sơn với Hồ Chí Minh là ở quan điểm về chủ nghĩa dân tộc. Trong chủ nghĩa tam dân, Tôn Trung Sơn quan tâm sâu sắc đến quyền lợi dân tộc. Ngay từ năm 1924, Hồ Chí Minh cũng đã nhận định: “Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước”. Song, trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa quốc tế. Năm 1945, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các tiêu chí của chủ nghĩa Tam dân là dân tộc - độc lập; dân quyền - tự do; dân sinh - hạnh phúc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh rút gọn trong tiêu ngữ đi kèm với quốc hiệu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”.

Thứ tư, trong ba mươi năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chịu ảnh hưởng rất sâu rộng của nền văn hóa dân chủ và cách mạng của phương Tây. Đến nước Mỹ vào cuối năm 1912, vừa đi làm thuê để kiếm sống, vừa tìm hiểu đời sống của những người lao động Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm quận Brooklin của thành phố New York, tới cả những ngôi nhà ổ chuột ở khu Harlem… để tìm hiểu đời sống và cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc của những người da đen. Người đã có dịp tìm hiểu cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ với bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng năm 1776, nhưng  đánh giá đây là cuộc cách mạng không triệt để và khẳng định không đi theo hình mẫu của cách mạng đó, vì “chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”.

Cuối năm 1917, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Anh sang Pháp, một quyết định đã mở ra thời kỳ mới trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Nghiên cứu cách mạng tư sản Pháp năm 1789, Chủ tịch Hồ Chí Minh rút ra 5 bài học mà cách mạng Pháp dạy cho chúng ta: Dân chúng công nông là gốc cách mệnh; Cách mệnh thì phải có tổ chức rất vững bền mới thành công; Đàn bà trẻ con cũng giúp làm việc cách mệnh được nhiều; Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại; Cách mệnh Pháp hy sinh rất nhiều người mà không sợ; ta muốn làm cách mệnh thì cũng không nên sợ phải hy sinh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trích dẫn Tuyên ngôn độc lập 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp trong bản Tuyên ngôn độc lập chính thức khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đây là một sáng tạo đầy tính nhân văn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của một nhà chính trị lỗi lạc. Cách mạng Mỹ thế kỷ XVIII đánh dấu bằng Tuyên ngôn độc lập 1776 và Cách mạng Pháp cuối thế kỷ XVIII là những cột mốc lớn trong lịch sử thế giới khẳng định những lý tưởng không hề xa lạ với dân tộc Việt Nam đang khát khao tự do, độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Tuy vậy, dù có đánh giá cao ý tưởng của Tuyên ngôn độc lập của Mỹ là “bất hủ”, của Cách mạng Pháp là “những lẽ phải không ai chối cãi được”, Người vẫn không dừng lại ở đấy mà đã xa hơn, đi đến những khái quát mới: Quyền con người không chỉ là quyền của cá nhân mà còn là quyền tự quyết của mỗi dân tộc. Hai loại quyền này thống nhất và làm tiền đề cho nhau.

Thứ năm, nói đến việc kết hợp văn hóa Đông, Tây trong con người Hồ Chí Minh, không thể không đề cập đến sự kế thừa lòng nhân ái, đức hy sinh, những giá trị cơ bản của Thiên chúa giáo. Tình thương yêu, bác ái, quên mình để cứu người của Chúa Giêsu và khát vọng khôn nguôi: "Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do hạnh phúc cho đồng bào tôi" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có điểm tương đồng, và vì vậy, ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc của Người đã không chỉ hấp dẫn, mà còn quy tụ được mọi người, không phân biệt tôn giáo, đảng phái. Đứng trước nhiều khó khăn thử thách của “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, cùng các thế lực phản động đang đe dọa nền độc lập non trẻ vừa giành được, bức thư mừng lễ Thiên Chúa giáng sinh mùa Nôen năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm ấm lòng các con chiên của Chúa. Và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân với tinh thần: “Tổ quốc trên hết”, “Độc lập trên hết”,... đã động viên được nhiều linh mục, giáo phẩm, giáo dân Thiên chúa giáo tích cực tham gia kháng chiến, kiên quyết không tin những lời bịa đặt "Chúa đã di cư vào Nam", để sát cánh cùng đồng bào cả nước, đưa sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc đến thắng lợi cuối cùng…

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú ý giáo dục cán bộ, đảng viên về tình thương yêu con người, thương yêu nhân dân, thương các chiến sỹ ngoài mặt trận - đó là những tư tưởng thấm đậm những giá trị cao cả mang tính nhân loại mà Thiên chúa giáo đã khởi xướng và răn dạy. Người lên án gay gắt những kẻ “giả danh Chúa” để thực hiện những “hành vi ác quỷ”: dẫn đường cho đội quân viễn chinh; cướp của cải, đánh đập, bắt giết người (đặc biệt là trẻ em); chiếm ruộng đất canh tác,… Người coi những hành động đó là sự đi ngược lại và phản bội lòng nhân ái cao cả của Chúa, làm hoen ố tư tưởng lớn của Ngài là muốn mưu cầu phúc lợi cho xã hội. Người viết: “Và nếu Chúa bất hạnh đã chịu đóng đanh trên cây thánh giá trở về cõi thế này, thì chắc Ngài sẽ vô cùng ngao ngán khi thấy "các môn đồ trung thành” của mình thực hiện đức khổ hạnh như thế nào”[10]. Người lên án những giáo sĩ đại diện cho chủ nghĩa tư bản phương Tây, những kẻ nhân danh Chúa để quan hệ mật thiết với thế lực thực dân, tham gia vào guồng máy của chủ nghĩa thực dân, xâm nhập về kinh tế và quân sự, áp đặt nền văn hóa thực dân, làm xuất hiện nguy cơ bá quyền văn hóa,…

Lênin đã từng nói: “Chỉ những người cách mạng chân chính mới thu hái được những hiểu biết quý báu của các đời trước để lại”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu các tinh hoa văn hóa nhân loại một cách có chọn lọc rồi vận dụng tinh hoa đó một cách sát hợp vào những điều kiện cụ thể của đất nước, của dân tộc vì mục đích không chỉ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mình mà còn góp phần tích cực nhất vào sự nghiệp của các dân tộc khác trên thế giới. Nhờ cách tiếp thu sáng tạo những di sản này để mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc và loài người và với nhiều cống hiến khác trong giáo dục nghệ thuật, giao lưu quốc tế và giữ gìn bản sắc dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được UNESCO tôn vinh là một anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất của nhân loại.

Có thể nói, trong lịch sử thế giới hiện đại, ít có vị lãnh tụ nào lại am hiểu nhiều về văn hóa các dân tộc thế giới, văn hóa thế giới sâu sắc như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng điều kỳ lạ là tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã hòa quyện với cái gốc văn hóa truyền thống dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành một nhân cách lớn, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại. Người là tượng trưng cho sự kết hợp hài hòa giữa các nền văn hóa để “tỏa ra một nền văn hóa của tương lai”. Hồ Chí Minh - Người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất dù ở bất kỳ cương vị nào, người chiến sĩ cách mạng, người tù, người lãnh đạo, nhà văn hoá, nhà ngoại giao, vị tổng chỉ huy hay là một vị chính khách nổi tiếng, thì vẫn luôn hiển hiện một Hồ Chí Minh - biểu tượng của văn hoá, cốt cách, nhân cách, trí tuệ và tâm hồn Việt. Vì lẽ vậy, rất tự nhiên và rất đỗi lạ thường, tất cả đều bị cuốn hút bởi Người, bởi một “Hồ Chí Minh thành công trong việc liên kết nhiều sắc thái văn hoá vào một nền văn hoá Việt Nam duy nhất”, nhờ sự hiểu biết sắc thái, tôn trọng những đặc điểm văn hoá khác nhau của văn hoá phương Đông, phương Tây; của truyền thống, hiện tại và trong tương lai./ .


Ths. Vũ Thị Kim Yến

-----------------------

 
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2000, t.1, tr.477

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.128

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.496

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.477

[5] Hồ Chí Minh: Truyện và ký, Nxb Văn học, H,1985, tr.201

[6] Hội thảo Quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học xã hội, H, 2000, tr.227

[7]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.117

[8]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.197

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.28

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.102

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất