Cách đây 75 năm, ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh được thành lập, thể hiện tính sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh đã đoàn kết hết thảy dân tộc, tạo sức mạnh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đánh đuổi phát xít Nhật-đế quốc Pháp. Từ ngày ra đời đến nay, tên gọi các hình thức mặt trận có thể khác nhau, song đều là mặt trận dân tộc thống nhất với sứ mệnh tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, các đảng phái, các dân tộc, tôn giáo… phát huy lòng yêu nước, nhiệt tình cách mạng, ý chí đấu tranh, sự hy sinh và cống hiến của mỗi người, góp phần tạo nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5-1941), Đảng ta đề ra hình thức mặt trận cho phù hợp với tình hình là: “Phải vận dụng một phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong nhân dân (hơn hết là dân tộc Việt Nam). Cho nên cái mặt trận hiệu triệu của Đảng ta hiện nay không thể gọi như trước là Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, mà phải đổi ra cái tên khác cho có tính chất dân tộc hơn, cho có một mãnh lực dễ hiệu triệu hơn và nhất là có thể thực hiện được trong tình thế hiện tại; vậy mặt trận hiệu triệu của Đảng ta hiện nay ở Việt Nam là Việt Nam độc lập đồng minh hay nói tắt là Việt Minh”.
Từ khi thành lập, Việt Minh đã nói rõ tôn chỉ và mục đích của mình: “Liên hiệp hết các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đặng cùng nhau đánh đuổi Nhật, Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Đảng Cộng sản Đông Dương là một bộ phận trong mặt trận và trực tiếp lãnh đạo Việt Minh. Ở các làng hay xã có ban chấp hành của Việt Minh do các đoàn thể Việt Minh ở làng hay xã cử ra; tổng, huyện (hay phủ, châu, quận), tỉnh, kỳ, có ban chấp ủy của Việt Minh cấp ấy. Việt Minh toàn quốc có Tổng bộ.
Phương pháp tổ chức các hội quần chúng của Việt Minh rất linh hoạt, thích hợp từng lúc, từng nơi. Ngoài những đoàn thể có tính chất chính trị cách mạng rõ rệt, như: Nông dân Cứu quốc hội, Thanh niên Cứu quốc hội, Phụ nữ Cứu quốc hội, Nhi đồng Cứu quốc hội, Công nhân Cứu quốc hội, Binh lính Cứu quốc hội… còn có những đoàn thể đơn sơ như: Hội Tương tế, Hội Hiếu hỉ, Hội Học quốc ngữ, Hội Đọc sách…
Về mặt đối nội, Việt Minh chủ trương xây dựng nền kinh tế, tài chính độc lập, xóa bỏ mọi thứ thuế vô lý, chia lại công điền, công thổ một cách công bằng hơn cho cả nam và nữ. Tịch thu hết tài sản của đế quốc phát xít Nhật, Pháp và của Việt gian, Hán gian để làm của công hoặc chia cho dân cày nghèo cày cấy. Việt Minh cũng ban bố các quyền tự do dân chủ; thực hiện chế độ nam nữ bình quyền, dân tộc bình đẳng… Về đối ngoại, Việt Minh chủ trương thân thiện với tất cả các nước tán thành nền độc lập của Việt Nam: “Việt Minh sẵn sàng bắt tay các dân tộc bị áp bức châu Á, nhất là các dân tộc Trung Quốc, Triều Tiên, Miến Điện, Ấn Độ, đặng cùng các dân tộc ấy thành lập mặt trận liên minh chống đế quốc, phát xít”.
Sau khi thành lập, Mặt trận Việt Minh đã công bố chương trình thể hiện chủ trương cứu nước của Đảng: “Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Chương trình của Việt Minh được tóm tắt thành “Mười chính sách của Việt Minh” và phổ biến trong nhân dân, dễ hiểu, dễ nhớ: "Việt Nam độc lập đồng minh/ Có bản chương trình đánh Nhật, đánh Tây/ Quyết làm cho nước non này/ Cờ treo độc lập, nền xây bình quyền/... Chúng ta có Hội Việt Minh/ Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh/... Khuyên ai nên nhớ chữ đồng/ Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh".
Chính sách đoàn kết, tập hợp lực lượng toàn dân của Đảng và Mặt trận Việt Minh ngày càng được bổ sung, hoàn chỉnh, trên cơ sở thực tiễn tình hình và yêu cầu của cách mạng. Nhiều chỉ thị, lời kêu gọi và cả các truyền đơn của Tổng bộ Việt Minh được truyền đi tới các địa phương và phổ biến tới nhân dân.
Để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa đánh đuổi Nhật-Pháp, Việt Minh triển khai công tác tuyên truyền mạnh mẽ… Uy tín của Việt Minh tăng lên và các tổ chức của nó phát triển rất nhanh. Đến giữa năm 1945, Việt Minh đã có 5 triệu hội viên. Đến khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, với khoảng 5.000 đảng viên, cùng Mặt trận Việt Minh, Đảng đã lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra trên toàn quốc thắng lợi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh-Người sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam; Người khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; kiến trúc sư vĩ đại và linh hồn của đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất. Một sáng tạo lớn, đồng thời là một cống hiến lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đối với dân tộc ta là việc đề xướng thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất.
Trong bài viết nhân kỷ niệm lần thứ 40 Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Cách mạng giải phóng dân tộc là sự vùng dậy của cả một dân tộc để đánh đổ ách thống trị của nước ngoài. Giai cấp vô sản không thể tự mình làm nổi mà phải liên minh với các lực lượng yêu nước trong dân tộc. Và “Cuộc cách mạng trong các nước thuộc địa và nửa thuộc địa là một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Để đưa cuộc cách mạng đó đến thắng lợi, có thể và cần phải thành lập một mặt trận dân tộc rất rộng rãi, đoàn kết tất cả các giai cấp và tầng lớp xã hội mong muốn được giải phóng khỏi ách thuộc địa”. Vì vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc không chỉ dừng lại ở quan niệm, ở tư tưởng, ở những lời kêu gọi chung chung, mà phải trở thành một chiến lược cách mạng, thành khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn dân ta. Nó phải trở thành sức mạnh vật chất, một lực lượng mạnh có tổ chức. Tổ chức đó chính là Mặt trận dân tộc thống nhất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Người coi công nông như là cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác. Đúng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tháng 5-1983: “Hồ Chủ tịch và Đảng ta luôn luôn thấy ở mỗi người Việt Nam một người yêu nước và Mặt trận là sự tập hợp và nhân lên gấp bội nhiệt tình yêu nước đó”.
Trong quá trình cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nội dung và hình thức tổ chức của Mặt trận có sự thay đổi phù hợp với nhiệm vụ cách mạng từng lúc, từng nơi. Đó là Hội Phản đế đồng minh khi mới thành lập; Mặt trận dân chủ Đông Dương trong những năm đấu tranh hợp pháp 1936-1939; Mặt trận Việt Minh trong cao trào đánh Pháp, đuổi Nhật dẫn tới thành công của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; Mặt trận Liên Việt trong kháng chiến chống Pháp; MTTQ Việt Nam ở miền Bắc và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cùng Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ.
Các Mặt trận dân tộc thống nhất đều đã tập trung lực lượng và đoàn kết cả dân tộc làm nên mọi thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam:
Đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh, nhân dân ta đã làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt, nhân dân ta đã kháng chiến thắng lợi, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc được giải phóng hoàn toàn, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam ruột thịt.
Đoàn kết trong MTTQ Việt Nam, trong Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình ở miền Nam, nhân dân ta đã làm tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chính sách Mặt trận là một chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là một công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng… Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Mặt trận dân tộc thống nhất vẫn là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam”. Người khẳng định: “Đoàn kết là sức mạnh then chốt của thành công, đoàn kết là mẹ, điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt. Người nhấn mạnh: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”.
Kế tục vai trò lịch sử của các hình thức tổ chức Mặt trận trước đây, MTTQ Việt Nam ngày nay là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, các tổ chức xã hội, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp, các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài. MTTQ Việt Nam chủ trương phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam, không phân biệt quá khứ, thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, ý thức hệ, ở trong nước hay ở nước ngoài, miễn tán thành mục tiêu chung là giữ vững độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ; thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" và thực hiện Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh", góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
NGUYỄN VĂN BIỂU, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Theo Nhân Dân)