Thứ Ba, 26/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 12/5/2016 21:47'(GMT+7)

Thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Việt-Lào

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulit. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulit. (Ảnh: TTXVN)

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Thongloun Sisoulith trên cương vị Thủ tướng Chính phủ.

Nằm ở trung tâm Tiểu vùng Mekong (GMS), Lào thuộc khu vực Đông Nam Á, có chung biên giới với năm nước: phía Bắc giáp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, phía Nam giáp Vương quốc Campuchia, phía Đông giáp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phía Tây giáp Vương quốc Thái Lan và Myanmar.

Với diện tích 236.800km2, Lào có 10 tỉnh có chung đường biên giới với 10 tỉnh của Việt Nam gồm Phongsaly, Huaphanh, Luangprabang, Xiengkhuang, Borikhamxay, Khammuane, Savannakhet, Saravane, Sekong, Attapeu; các tỉnh của Việt Nam là Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Kon Tum.

Lào có địa hình đa dạng (đồng bằng, đồi núi, cao nguyên); tổng diện tích đất canh tác khoảng 4 triệu ha, tập trung chủ yếu ở các cao nguyên và đồng bằng lớn.

Vùng Thượng Lào, địa hình núi cao, lũng sâu xen kẽ đồng bằng nhỏ hẹp. Vùng Hạ Lào, chủ yếu là cao nguyên và đồng bằng tương đối rộng lớn.

Lào có bảy đồng bằng lớn thuận lợi cho trồng lúa nước và hoa màu, nằm ở các tỉnh, thành phố Vientiane, Borikhamxay, Khammuane, Savannakhet, Salavan, Champasack và Attapeu, trong đó đồng bằng Champasack rộng hơn 5.000km2, cung cấp tới 1/2 sản lượng lúa cả nước.

Nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú, nằm trải rộng trên toàn diện tích đất nước, tài nguyên khoáng sản cùng với rừng và tiềm năng thủy điện là ba thế mạnh của quốc gia Lào.

Về tình hình kinh tế, trong năm tài khóa 2014-2015, GDP tăng 7,5%; bình quân đầu người đạt 1.920 USD/người/năm; kim ngạch thương mại đạt 8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 3,305 tỷ USD và nhập khẩu đạt 4,7 tỷ USD.

Dự kiến năm tài khóa 2015-2016, Lào đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 7,5%; thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.092 USD; xuất khẩu đạt 3,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 5,2 tỷ USD.

Vừa qua, trong Đại hội lần thứ X Đảng Nhân Dân Cách mạng Lào đã đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2020, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển với GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.290 USD; đến năm 2025, đưa đất nước trở thành quốc gia có thu nhập trung bình với GDP tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2015; đến năm 2030, đưa đất nước trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao và có khả năng tự chủ vững chắc về tài chính, GDP tăng gấp 4 lần so với năm 2015.

Trong những năm qua, quan hệ Việt Nam-Lào tiếp tục được củng cố và phát triển ngày càng sâu rộng thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Quan hệ chính trị, được thúc đẩy mạnh mẽ, ngày càng gắn bó tin cậy, hai bên đã phối hợp tổ chức tốt các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, gần đây nhất là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith ngày 25-27/4; trao đổi kinh nghiệm giữa các Bộ, ban, ngành và các địa phương hai nước; tổ chức tốt ba cuộc Hội thảo Lý luận giữa hai Đảng; phối hợp tổ chức tốt kỷ niệm các ngày Lễ quan trọng của hai Đảng, hai nước trong năm 2015; tiếp tục tuyên truyền về truyền thống quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào, tiếp tục khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc của hai nước.

Hợp tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại ngày càng gắn bó chặt chẽ, hai bên phối hợp thực hiện tốt các Nghị định thư, Hiệp định, phối hợp tổ chức thành công Hội nghị cấp cao CLV-8; chủ động trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Hai bên tiếp tục phối hợp tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào.

Về hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư, hai bên đã chủ động tích cực triển khai có hiệu quả Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ. Đầu tư doanh nghiệp Việt Nam tại Lào có nhiều khởi sắc. Việt Nam có 15 dự án đầu tư trong lĩnh vực thủy điện tại Lào với tổng công suất lắp đặt trên 3.000KW và tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1,4 tỷ USD; có 57 dự án về khoáng sản đầu tư tại Lào; có 18 dự án trồng cao su và cây công nghiệp ở Lào.

Hai bên đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Hiện nay có 9.295 cán bộ, sinh viên Lào học tập tại Việt Nam và có 425 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Lào. Hai bên cũng quan tâm thực hiện hợp tác trong các lĩnh vực giao thông, vận tải, khoa học công nghệ, xã hội, nông nghiệp, thông tin truyền thông, lao động, văn hóa, du lịch, bảo tàng...

Quan hệ hợp tác giữa các Bộ, ban, ngành, Ủy ban của Quốc hội, đoàn thể, các địa phương ngày càng đóng vai trò quan trọng, hiệu quả và thiết thực. Các tỉnh, thành của Việt Nam tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác sang Lào, giúp các địa phương của Lào trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực...

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực; tăng cường sự tin cậy, gắn bó và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa lãnh đạo hai nước./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất