Tìm hiểu kỹ hơn, đi cùng danh hiệu “nữ hoàng văn hóa tâm linh” này,
còn có một loạt các danh hiệu khác như “nữ hoàng trang sức”, “nữ hoàng
thương hiệu ngành thực phẩm”, “nữ hoàng ngành tài nguyên môi trường”,
“nữ hoàng xây dựng”…
Bình luận về danh hiệu “nữ hoàng văn hóa tâm linh” này, TS Hồ Bất
Khuất nhìn nhận: "Mấy năm gần đây người ta có xu hướng bịa đặt ra rất
nhiều thứ danh hiệu vừa mơ hồ, vừa khó hiểu để thu hút sự chú ý của dân
chúng và kiếm tiền một cách trực tiếp hay gián tiếp. Ai thu hút được sự
chú ý của mọi người là có tiền. Một số tổ chức lợi dụng tâm lý sính danh
hiệu của người Việt nên ồ ạt đua nhau "phát" danh hiệu chỉ để làm oai
cho nhau để kiếm tiền".
Còn người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng khẳng định, không có danh xưng
nào là "nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam", đồng thời bày tỏ quan điểm
không để tiếp tục xảy ra tình trạng các danh hiệu tự phong một cách tùy
tiện.
Ngược dòng thời gian, đã từng có những danh xưng, danh hiệu được nhiều
tổ chức ban phát một cách vô tội vạ, bất chấp dư luận xã hội. Chẳng hạn,
đã từng có một ca sĩ nọ được nhận “bằng khen” có ghi danh hiệu "giáo sư
âm nhạc" gây xôn xao dư luận.
Danh, bên cạnh lợi, xưa nay vẫn được nhiều người trong xã hội quan
tâm, phấn đấu để đạt được. Tất nhiên, nếu đó là sự phấn đấu, rèn luyện,
gây dựng một cách chính đáng, danh đó đáng được ghi nhận, tôn trọng,
thậm chí tôn vinh. Nhưng thực tế để có thể khẳng định mình, cần rất
nhiều nỗ lực cá nhân trong suốt một hành trình dài.
Khó khăn như vậy, nên có một số lượng không nhỏ những người không đi
bằng con đường đó, họ muốn có danh một cách nhanh nhất, dễ dàng nhất và
họ thường đánh đổi những giá trị vật chất để tìm kiếm danh, điều đó từ
xa xưa đã được đặt tên, đó là mua danh.
Có cung ắt có cầu, trong lịch sử xã hội phong kiến cũng đã có hình
thức bán danh cho người có tiền. Còn ngày nay lòng hiếu danh của một bộ
phận người vẫn được đáp ứng. Một số doanh nghiệp, tổ chức đã đứng ra tổ
chức những sự kiện, cuộc thi rồi đặt ra những danh hiệu để trao cho
những người tham dự.
Rõ ràng dư luận cũng chẳng quan tâm nếu những danh xưng rất “đao to
búa lớn” ấy được trao trong những tổ chức, những nhóm hội với sự tham
gia tự nguyện của các thành viên. Như người xưa đã nói, chiếc áo không
làm nên thày tu. Nhưng sau khi được vinh danh, vị “nữ hoàng văn hóa tâm
linh" này tiếp tục muốn “tiến lên” để tham gia vào các tổ chức khác. Nói
cách khác, danh xưng kia chỉ là một bàn đạp để người mang nó có thể
tiếp tục tìm kiếm danh lợi trong xã hội, và đương nhiên, lúc đó dư luận
sẽ khó lòng chấp nhận.
Điều này cũng đi ngược hoàn toàn với những người lập danh một cách
chính đáng bằng năng lực, công sức của chính mình. Bởi những người lập
danh chính đáng, sau khi đã khẳng định được mình, họ vẫn phải tiếp tục
cố gắng để gìn giữ danh tiếng. Điều đó cũng đồng nghĩa họ phải tiếp tục
phấn đấu trong chuyên môn, cẩn trọng trong hành xử và vẫn có thể tiếp
tục đóng góp cho xã hội.
Tất nhiên, thói háo danh này không phải là thứ dễ dàng xóa bỏ. Trong
cuốn "Việt Nam văn hóa sử cương", học giả Đào Duy Anh đã điểm lại những
nét chính về tính cách của người Việt, bên cạnh những phẩm chất tốt đẹp
là những điều đáng bàn khác, trong đó có thói “hay khoe khoang trang
hoàng bề ngoài, ưa thích hư danh”. Ngày nay, không dừng lại ở hư danh,
thói háo danh còn đi kèm với những nguy cơ mới về sự đảo lộn những giá
trị, thậm chí vi phạm pháp luật.
Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg
về việc ban hành quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao
giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp. Tại khoản 2, khoản 4, Điều 4
của Quyết định đã đưa ra quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm,
như: cấm “huy động kinh phí dưới các hình thức đối với cá nhân, tổ chức
trong danh sách tham gia bình chọn xét tôn vinh danh hiệu và trao giải
thưởng”, và cấm “tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng khi
chưa được cấp có thẩm quyền cho phép”.
Nhiều ý kiến đã cho rằng, để lấy lại lòng tin của xã hội về các hoạt
động tôn vinh và trao giải thưởng, hơn lúc nào hết, cần có sự vào cuộc
nghiêm khắc của các cơ quan chức năng, cần tới thái độ và ý thức trách
nhiệm của các tổ chức đứng tên trong các hoạt động vinh danh. Riêng với
những đơn vị tư nhân liên kết tổ chức chương trình, nếu có sai phạm cần
bị xử phạt nghiêm khắc, thậm chí có thể rút giấy phép hoạt động.
Bên cạnh những giải pháp từ phía quản lý nhà nước, sự lên tiếng của
cộng đồng, công tác truyền thông về những hiện tượng “háo danh hão” cũng
là rất quan trọng. Điều này cũng là rất cần thiết để trả lại những giá
trị thực, để những người thực sự có đóng góp đáng kể cho xã hội cảm thấy
cống hiến của họ được ghi nhận xứng đáng./.
Quang Lê (VGP)