Thứ Ba, 26/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Ba, 20/12/2016 8:44'(GMT+7)

Hào hùng "Âm vang Trường Sơn"

Tối 19-12, tại Hà Nội, Tạp chí Tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương) phối hợp với Kênh Truyền hình VOVTV (Đài Tiếng nói Việt Nam), Công ty Cổ phần Truyền thông Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình Giao lưu - Nghệ thuật “Âm vang Trường Sơn”.

Tới tham dự Chương trình có đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; các nhân chứng lịch sử và thân nhân liệt sĩ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, cựu chiến binh, thanh niên xung phong Trường Sơn có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 1959, thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng và Nghị quyết của Tổng Quân ủy Trung ương, cùng với việc đẩy mạnh xây dựng quân đội Cách mạng chính quy, từng bước hiện đại trên miền Bắc, Bác Hồ, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở tuyến đường chiến lược vận tải quân sự từ miền Bắc xuyên qua dãy núi Trường Sơn trùng điệp và hùng vĩ để chi viện binh lực cho Cách mạng miền Nam.

Và suốt 16 năm bền bỉ xây dựng, anh dũng chiến đấu, Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh lịch sử mà Đảng, Quân đội và nhân dân giao phó, đó là thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chi viện của hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho tiền tuyến miền Nam, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Lịch sử Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh gắn liền với toàn bộ tiến trình của cuộc kháng chiến chống Mỹ - những năm tháng chiến đấu quyết liệt nhất, hào hùng nhất và chiến thắng vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20. 

Thông qua phần giao lưu với các khách mời của Chương trình Thiếu tướng Võ Sở Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam và bà Đồng Thị Mai, Phó Chủ tịch Hội Nữ chiến sỹ Trường Sơn Việt Nam, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã được tái hiện; đi vào lịch sử như một con đường huyền thoại. Nó là con đường thống nhất, nơi thử thách ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm, sự sáng tạo và sức chịu đựng của Bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và các lực lượng đã từng sống, chiến đấu trên tuyến đường này. Thắng lợi trong việc xây dựng tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một trong những thành công lớn trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng, Quân đội và nhân dân ta. 

 
 

Trong khoảng thời gian ấy, hơn 20.000 liệt sỹ đã ngã xuống, trong đó 10.236 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập tại Nghĩa trang Trường Sơn; hơn 30 nghìn thương bệnh binh đã tạc nên những dấu ấn không thể phai mờ trên những trang vàng lịch sử. Trường Sơn anh hùng không chỉ là trong ký ức, trong tâm tưởng mà luôn hiện hữu trong từng hơi thở, trong máu, trong tim của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và thanh niên xung phong Trường Sơn ngày ấy và bây giờ. 

Trải qua năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, giữ vững, nêu cao và phát huy mạnh mẽ truyền thống Anh hùng cách mạng, giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam và truyền thống vẻ vang của quân đội. Chiến công nối tiếp chiến công, tạo nên lịch sử oanh liệt của bộ đội Cụ Hồ cả trong thời chiến cũng như thời bình, làm nên những chiến thắng lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, để rồi Trường Sơn huyền thoại được viết tiếp với bản hùng ca còn vang mãi.  

Khán giả cả nước cũng đã được thưởng thức những ca khúc đi cùng năm tháng gắn với Trường Sơn huyền thoại. Đó là Hợp xướng “Đường chúng ta đi”, tác phẩm “Bước chân trên dải Trường Sơn”  của tác giả Vũ Trọng Hối sáng tác trong thời gian đi dọc Trường Sơn với Đoàn Văn nghệ sỹ những năm 60, 70 của thế kỷ 19 và đã được nhạc sỹ Đăng Thục viết lời. Bài hát được sáng tác giữa rừng Trường Sơn trùng điệp khi nhạc sỹ chứng kiến những đoàn quân nối tiếp nhau ra mặt trận trong khí thế hào hùng. Đó là các tác phẩm Lá đỏ của tác giả Nguyễn Đình Thi, Sợi nhớ sợi thương của tác giả Phan Huỳnh Điểu qua sự thể hiện của NSƯT Việt Hoàn, NSUT Hồng Hạnh và các nghệ sỹ của đoàn Văn nghệ Nhà hát Quân đội.

 
 Hợp xướng Tổ quốc trong chương trình gây xúc động lòng người

Khán giả không khỏi bồi hồi, xúc động khi nghe thấy những lời ca:

 “Nếu có thể đo xương máu tiền nhân

Trường Sơn ngút ngàn dễ gì so được

Bao người mẹ, người vợ, người em - nước mắt

Hồng Hà, Cửu Long đâu thể sánh cùng

Bão trường chinh ào ạt mấy ngàn năm...” trong Hợp xướng Tổ quốc do NSƯT Quốc Hưng và dàn hợp xướng trình bày. Đó cũng là những lời thơ trong bài thơ “Tổ Quốc” của PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ được nhạc sĩ Lê Quang phổ nhạc. Nhắc đến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh có lẽ không ai có thể quên những mất mát, hy sinh của cha anh đã để lại trên mỗi chặng đường hành quân.

Trong chương trình, thay mặt Ban Tổ chức, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương đã trao tặng sổ tiết kiệm cho các cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

 
 

Đồng chí Bùi Thế Đức, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương và đồng chí Trần Doãn Tiến, Tổng biên tập Tạp chí Tuyên giáo đã lên trao hoa và giấy chứng nhận cho các nhà hảo tâm, đơn vị tài trợ chương trình.

 
 

 Chương trình giao lưu nghệ thuật “Âm vang Trường Sơn” là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng 72 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2016) và 70 năm ngày Toàn quốc Kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2016).

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất