Thứ Ba, 26/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Năm, 8/12/2016 18:35'(GMT+7)

Đẩy mạnh tuyên truyền những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016

Ngày 8-12, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị báo cáo viên các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thộc Trung ương tháng 12-2016. Đồng chí Lâm Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế thông tin về Tổng quan tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2016; nhiệm vụ đặt ra năm 2017. TS. Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam thông tin về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Cơ hội, thách thức và nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam trong thời gian tới.

Về Tổng quan tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2016, TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, tăng trưởng GDP cả năm ước đạt khoảng 6,3-6,5%, thấp hơn kế hoạch, nhưng vẫn gấp đôi mức trung bình toàn thế giới và thuộc nhóm tăng cao nhất hàng đầu khu vực và thế giới. Các cân đối vĩ mô được bảo đảm, với lạm phát thấp, dự trữ ngoại tệ cao nhất và xuất siêu trở lại. Năm 2016 là năm đầu tiên Việt Nam áp dụng Chế độ tỷ giá trung tâm, Bộ Chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững; Chỉ tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững; Cơ chế mua ngân hàng thương mại với giá 0 đồng và đưa lãi suất tiền gửi USD bằng %. Đồng thời, đây cũng là năm mà trần nợ công đã tiệm cận mức Quốc hội cho phép và phải xin nới thêm trần nợ Chính phủ từ 50% GDP thành 55% GDP. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tăng trưởng kinh tế năm 2017 sẽ được cải thiện khá, có khả năng đạt 6,7%.

 Tuy nhiên, nền kinh tế trong năm 2017 sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trong phiên họp thường kỳ tháng 12, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành và địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ và chú ý tính hai mặt của các giải pháp hiệu quả để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội như đã đề ra. Trong đó, hoàn thành thu ngân sách Nhà nước tại các địa phương; tiếp tục phát triển hệ thống ngân hàng lành mạnh, ổn định tỷ giá; tăng cường các hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế bảo vệ hàng hóa trong nước; tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư và phân cấp, giao quyền, tăng cường kiểm tra; đẩy mạnh tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước một cách minh bạch, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; kiên quyết rà soát, chấn chỉnh kịp thời, không để xảy ra các sự cố môi trường, khai thác cát, sỏi lậu; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Thông tin về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Cơ hội, thách thức và nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam trong thời gian tới, TS. Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết,  cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra, còn được nhiều chuyên gia gọi là “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã bắt đầu từ những năm 2000, đặc trưng bởi sự hợp nhất, không có ranh giới giữa các lĩnh vực công nghệ, vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Đây là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật kết nối Internet (IoT) và các hệ thống kết nối Internet (IoS).

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra với tốc độ nhanh theo cấp số nhân đang làm thay đổi bối cảnh toàn cầu và có tác động ngày một gia tăng đến Việt Nam, cả tác động tích cực cũng như bất lợi: Với tư cách là người tiêu dùng, tất cả người dân đều được hưởng lợi do hàng hóa và dịch vụ sẽ phong phú hơn và giá cả hợp lý hơn. Tuy nhiên, trong trung hạn nhiều lao động có thể sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là lao động ít kỹ năng nên phải chịu tác động mạnh mẽ của quá trình tự động hóa đang tăng tốc ở các nước phát triển.
Nếu tận dụng tốt cơ hội và vượt qua được các thách thức, Việt Nam sẽ có khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến hơn, và sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước được công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Trong trường hợp ngược lại, khoảng cách phát triển với các nước đi trước sẽ tiếp tục gia tăng.

Định hướng công tác tuyên truyền trong thời gian tới, đồng chí Lâm Phương Thanh đề nghị đội ngũ báo cáo viên tiếp tục tập trung tuyên truyền những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; tuyên truyền Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ ; Kết quả của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đến đông đảo tầng lớp nhân dân, tạo niềm tin, sự đồng thuận của người dân trên cả nước.

Đồng chí Lâm Phương Thanh cũng nhấn mạnh, sự phục hồi của nền kinh tế những tháng cuối năm chính là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn hội nhập sâu rộng vào thị trường thương mại thế giới. Vì vậy, các cơ quan truyền thông cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, đặc biệt là tuyến thông tin liên quan đến chính sách đối ngoại; trước những tin đồn thất thiệt, sai trái, cần thẩm định để cung cấp những thông tin chính xác, trung thực đến đông đảo nhân dân trên cả nước.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất