Để làm nên chiến thắng lẫy lừng ấy, những ngày đầu 3 anh em nhà Tây Sơn đã chọn vùng đất An Khê (tỉnh Gia Lai) để tập hợp nhân lực, đồn trữ binh lương và dựng cờ khởi nghĩa.
Lập căn cứ nơi hiểm địa
Vùng đất năm xưa 3 anh em nhà Tây Sơn chọn làm nơi tụ nghĩa nay thuộc phường Tây Sơn, thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), thời Trịnh - Nguyễn phân tranh gọi là Tây Sơn Thượng đạo. Trung tâm của Tây Sơn Thượng đạo là An Khê trường, Gò Chợ và lũy Ông Nhạc ở thôn An Lũy, phường Tây Sơn.
Phong trào Tây Sơn khởi phát ở Tây Sơn Thượng đạo, nhanh chóng quy tụ và tỏa rộng lực lượng, chiếm lĩnh toàn bộ phủ Quy Nhơn, phát triển ra Bắc, vào Nam, lần lượt quật ngã các chính quyền vua Lê - chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, chúa Nguyễn ở Đàng Trong, mở đường khôi phục quốc gia thống nhất, đánh tan các cuộc chiến tranh xâm lược của quân Xiêm và quân Thanh. Sử sách chưa từng chép đến bất cứ trận đánh nào của đoàn quân Tây Sơn diễn ra trên đất Tây Sơn Thượng đạo, nhưng mỗi bước trưởng thành của phong trào, mỗi thắng lợi nghĩa quân Tây Sơn giành được trên khắp mọi miền đất nước đều bắt nguồn từ đây.
Theo lời khuyên của thầy dạy võ Trương Văn Hiến, 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ từ vùng đất Kiên Mỹ thuộc Tây Sơn Hạ đạo (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) đã lên Tây Sơn Thượng đạo - vùng đất phía Tây bên kia dãy đèo Mang hiểm trở, tức đèo An Khê ngày nay - lập căn cứ địa. Vùng phía Tây đèo Mang có đất đai phì nhiêu, nhiều lâm thổ sản quý, có mỏ diêm tiêu, nhiều voi, ngựa… Cư dân hầu hết là người Ba Na và một số nông dân miền xuôi lên khai hoang, buôn bán.
Căn cứ đồn lũy của nghĩa quân Tây Sơn nằm trong lòng chảo rộng, khá bằng phẳng được che chắn bởi 4 mặt: quần núi Ngọc Linh ở phía Bắc (tức Kon Tum) cao trên 3.000m; hai dãy núi chạy song song theo hướng Bắc - Nam là đèo Mang và đèo Mang Yang (Cổng Trời, thuộc huyện Đăk Pơ); phía Đông và Đông Nam có dãy Trụ Lĩnh trùng điệp, với những dãy núi cao bình quân trên 400m so với mặt nước biển. Kế bên đồn lũy, con sông Ba và suối Cái làm thành hai chiến hào thiên nhiên bao bọc mặt Tây và Nam. Toàn bộ khu vực này lại được bao bọc bởi một vành đai núi non án ngữ ở phía Đông gồm dãy đèo Mang, với nhiều ngọn núi cao dưới 1.000m.
Mặc dù được các bức tường thành thiên nhiên là núi non bao bọc tứ hướng, nhưng từ Tây Sơn Thượng đạo theo nhiều con đường xuyên sơn khác có thể đi ra các tỉnh phía Bắc bằng hướng sang Kon Tum xuống Quảng Nam, để ra Thừa Thiên - Huế; còn phía Nam, sông Ba và các con đường mòn dọc theo các sông, suối tạo thành nhiều đường giao thông thủy bộ quan trọng, nối liền Tây Sơn Thượng đạo với vựa lúa Phú Yên và các tỉnh Nam Trung bộ. Chính địa hình đầy núi non xen kẽ sông ngòi này đã khiến vùng đất linh khí này trở thành mắt xích giữa đồng bằng và cao nguyên, nghĩa quân có thể tiến công xuống đồng bằng và rút về phòng thủ nhanh chóng.
Thắm tình đoàn kết
Từ trung tâm thị xã An Khê đi về phía Nam gần 10km sẽ dễ dàng bắt gặp hòn đá hình chiếc ngai nằm bên bờ con suối Chơ Ngao tại làng Đê Chơ Gang thuộc xã Phú An (huyện Đăk Pơ). Người dân Ba Na thành kính gọi đó là "hòn đá ông Nhạc".
Theo lời kể của các bậc cao niên nơi đây, ngày ấy có một người đàn ông người Kinh thường đến vùng này mua trầu, người ta gọi ông là Hai Trầu. Ông Hai Trầu vẫn thường ngồi nghỉ chân tại hòn đá này, và sau này là nơi hội họp các tướng lĩnh dưới trướng. Từ đời này qua đời khác, hòn đá này được coi là vật thiêng của cộng đồng người Ba Na ở xã Phú An. Ông Hai Trầu chính là Nguyễn Nhạc, người anh cả của 3 anh em nhà Tây Sơn.
Tuy nhiên, tại vùng Tây Sơn Thượng đạo, nếu không có một người con gái Ba Na tài năng, xinh đẹp giúp sức, Nguyễn Nhạc cũng khó lòng chiếm được tình cảm của người dân Ba Na nơi đây trong công cuộc dấy binh khởi nghĩa. Nàng tên là Ya Đố, con của vị tù trưởng Ba Na hùng mạnh và giàu có. Những ngày Nguyễn Nhạc lên đây buôn bán trầu, bà có cảm nhận người đàn ông đến từ Tây Sơn Hạ đạo không chỉ đi buôn mà đang ấp ủ một việc lớn. Cảm mến tấm lòng của đấng trượng phu, bà Ya Đố nhận làm vợ của ông. Dưới sự giúp sức của người vợ, Nguyễn Nhạc đã lấy được lòng cha bà là vị tù trưởng. Bà đã vận động cha và dân trong vùng ủng hộ nghĩa quân Tây Sơn 300 thớt voi, 400 ngựa và vô số lương thực.
Khi đã chủ động được nguồn lương thực để nuôi quân, 3 anh em nhà Tây Sơn tiếp tục thu hút binh tướng trong cộng đồng người Ba Na. Năm 1773, khi lực lượng binh tướng đã lớn mạnh, 3 anh em nhà Tây Sơn xuất quân tiến xuống đồng bằng. Khi đến khúc ngoẹo Cây Khế tại đèo Mang, bất ngờ có một con rắn đen to như cột đình ra nằm chặn giữa đường. Trong hàng ngũ tướng lĩnh có người cho rằng đây là điềm gở, đề nghị thâu quân. Nhưng Nguyễn Huệ đã tiến lên, rút kiếm chém đứt đôi con rắn, lấy máu tế cờ và hòa rượu cho nghĩa quân uống rồi nổi trống tiến binh lấy được thành Quy Nhơn. Ngày nay, tại thôn An Thượng, xã Song An có ngôi miếu nhỏ, gọi là miếu Xà, xuất phát từ tích trên.
Cành đào ngày chiến thắng
Triều đình nhà Thanh từ lâu đã rắp tâm xâm lược nước ta, nhưng chưa tìm được cớ gây hấn. Lợi dụng hành động "rước voi về giày mồ" của Lê Chiêu Thống, quân Thanh đã tràn sang xâm chiếm nước ta. Trước tình hình thù trong, giặc ngoài, nhận thấy nguy cơ xâm lược từ phương Bắc, Nguyễn Huệ đã làm lễ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung, rồi nhanh chóng tiến công ra Bắc. Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân, tức 15-1-1789, đại quân của Quang Trung đã ra đến Tam Điệp, rồi Ninh Bình.
Đêm giao thừa Tết Kỷ Dậu 1789, quân Tây Sơn tấn công và tiêu diệt giặc Thanh ở đồn tiền phương Gián Khẩu. Đêm mùng 4 rạng mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789, quân Tây Sơn tiến về đánh chiếm Khương Thượng. Quân giặc phòng thủ Khương Thượng bị tiêu diệt hoàn toàn. Tướng nhà Thanh là Sầm Nghi Đống treo cổ tự vẫn ở núi Loa Sơn. Trận đánh này mở đường cho đại quân Tây Sơn từ Ngọc Hồi tiến như chẻ tre thẳng vào Thăng Long.
Với chiến thuật thần tốc, chớp nhoáng, chỉ trong 5 ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan 29 vạn quân Thanh, mà trận Ngọc Hồi và Đống Đa là mồ chôn quân Thanh. Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy lên phía Bắc, tàn quân nghe tin chủ tướng bỏ chạy cũng tan rã chạy theo, tranh nhau qua cầu.
Cầu sập, tàn quân Thanh rớt xuống sông chết đuối làm nghẽn cả dòng sông. Trưa mồng 5 Tết Kỷ Dậu, quân Tây Sơn thẳng tiến vào Thăng Long ăn mừng chiến thắng. Khi vào đến Thăng Long, lúc voi trận, áo bào còn đượm mùi thuốc súng, nhìn thấy rừng đào Nhật Tân rộ sắc hồng, vua Quang Trung liền cho người chọn một cành đẹp nhất phóng ngựa trạm vào thành Phú Xuân, tặng Ngọc Hân công chúa. Dường như đây là sự tương ngộ giữa “Trai anh hùng, gái thuyền quyên” của mùa xuân chiến thắng.
ĐỨC TRUNG/SGGP