(TG)-Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QÐND Việt Nam; Ủy viên Trung ương Đảng khẳng định trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyện tiếp tục phấn đấu xứng danh bộ đội Cụ Hồ, không ngừng xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 25 năm ngày Quốc phòng toàn dân, tối 19/12, đã diễn ra chương trình cầu truyền hình “Hát mãi khúc quân hành”, được thực hiện từ 3 điểm cầu là Trường quay ngoài trời của Đài Truyền hình Việt Nam, Vùng 4 Hải quân tại Khánh Hòa và Sư đoàn Phòng không 367 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 và VTV4 Đài Truyền hình Việt Nam.
Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QÐND Việt Nam; Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Thành Cung; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài truyền truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Thế Đức; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm chính trị Hải Quân; Thiếu tướng Phan Thanh Giản, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Phòng không Không quân; các tướng lĩnh cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam cùng đông đảo chiến sĩ các lực lượng vũ trang và học sinh, sinh viên đã tham dự chương trình cầu truyền hình.
Phát biểu tại điểm cầu Hà Nội, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam xúc động chia sẻ: Những ngày qua, tại khắp nơi trên cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực chào mừng 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Đây là sự ghi nhận những chiến công, thành tích vẻ vang, sự hy sinh và những đóng góp to lớn của các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt 70 năm qua; tiếp tục khẳng định sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
|
|
Trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyện tiếp tục phấn đấu xứng danh bộ đội Cụ Hồ, không ngừng xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới vùng trời, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Thông qua cầu truyền hình, khán giả cả nước một lần nữa đã được tìm hiểu những mốc son lịch sử trong chặng đường 70 năm lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trải qua 4 giai đoạn, những sự kiện, con người, chiến công, những mốc son huyền thoại của Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt chặng đường lịch sử vẻ vang đã được tái hiện một cách rõ nét.
Tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh, mặc dù trời mưa to nhưng hơn 1.000 chiến sĩ, sinh viên “đội mưa” ngồi nghiêm tại vị trí, cổ vũ nhiệt tình cho chương trình. Đặc biệt, nhiều cựu chiến binh, trong đó có những chiến sĩ đã từng tham gia trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn vui vẻ theo dõi chương trình dưới mưa. Chia sẻ tại điểm cầu này, cựu chiến binh Đinh Công Ty, chiến sĩ Sư đoàn 312, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa xúc động nói: “Thật tự hào khi được trở thành người lính, cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi là một trong những thanh niên trẻ nhất của đơn vị, 18 tuổi, và bây giờ đã 80 tuổi rồi nhưng cứ đến ngày 22-12 hằng năm vẫn cảm thấy bồi hồi, tự hào như cái tuổi đôi mươi năm xưa. Nhìn thế hệ trẻ - những chiến sĩ đang ngồi dưới mưa dự chương trình, tôi tin tưởng vào sức mạnh của Quân đội ta và mong muốn các cháu sẽ viết tiếp truyền thống hào hùng của QĐND Việt Nam anh hùng”.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, Cựu chiến binh Đinh Công Ty và gần 200 chiến sĩ Điện Biên hiện đang sống tại TP Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên gặp lại nhau, ôn lại kỷ niệm xưa khi có dịp. Trước khi chương trình cầu truyền hình ngày hôm nay diễn ra, các cựu chiến binh đã có chuyến thăm đặc biệt tới Vũng Chùa-đảo Yến, nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thành viên còn lại của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa, ông Tô Văn Cắm cũng vô cùng xúc động khi nhớ lại những ngày đánh đồn Phai Khắt – Nà Ngần, cơm không đủ ăn. Ông và các đồng đội vẫn quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với ông, được sống và hy sinh cho Tổ quốc luôn là niềm tự hào.
Trong chương trình Cầu truyền hình, bà Nguyễn Thị Kim Nhạn, nguyên phát thanh viên đặc khu Vĩnh Linh kể lại những kỷ niệm về nhiệm vụ tuyên truyền trong kháng chiến chống Mỹ tại vĩ tuyến 17 khi đất nước bị chia cắt theo hiệp định Geneva năm 1954 chia sẻ: “Ngày xưa tôi là phát thanh viên, hàng ngày có nhiều buổi phát thanh cho đồng bào 2 bên bờ bị xâm chiếm nghe. Loa càng nói thì đồng bào miền Nam càng ra rất đông. Bên này loa to thì bên kia lại làm to hơn, mình lại làm to hơn nữa nhằm mục đích để nói cho đồng bào miền Nam nghe rõ được chế độ tốt đẹp của xã hội miền bắc”.
Chặng đường lịch sử 70 năm của Quân đội nhân dân Việt Nam được tái hiện thông qua câu chuyện của các nhân chứng, các địa danh lịch sử trên khắp cả nước. Điểm nhấn quan trọng của chương trình là các phóng sự được đầu tư công phu, thể hiện theo cách tiếp cận mới và thực hiện tại nhiều địa điểm lịch sử trên cả nước.
Thông qua chương trình, khán giả cả nước một lần nữa được thưởng thức những bài hát đi cùng năm tháng, gắn liền với những giai đoạn lịch sử của dân tộc, ca ngợi người lính, ca ngợi những chiến công xuất sắc của Quân đội Việt Nam anh hùng như “Đoàn vệ quốc quân”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”… Có thể khẳng định, cầu truyền hình “Hát mãi khúc quân hành" một lần nữa đã ôn lại những chặng đường vẻ vang và truyền thống hào hùng của quân đội nhân dân Việt Nam; truyền thống ấy đã được tôi luyện trong máu lửa chiến tranh cách mạng và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện của Đảng và Bác Hồ kính yêu, trong sự đùm bọc, thương yêu chăm sóc của nhân dân Việt Nam.
Nam Hải