Thứ Sáu, 20/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 15/12/2014 8:15'(GMT+7)

Phác hoạ bản hùng ca những chiến công hiển hách của quân đội nhân dân Việt Nam

Tối ngày 14-12, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Tạp chí Tuyên giáo (Ban Tuyêngiáo Trung ương) phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhà báo và Công luận, Hội Chữ thập đỏ TP. Hà Nội, Công ty Truyền thông Thủ Đô, Công ty Truyền thông Thiên Sơn tổ chức chương trình giao lưu - nghệ thuật “Vang mãi bản hùng ca” lần thứ 5. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 -22/12/2014), 25 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV2 – Đài Truyền hình Việt Nam.

Đến tham dự chương trình, có đồng chí Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ và đồng chí Lâm Phương Thanh – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cùng đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương.

 
 Các đại biểu tham dự chương trình

Phát biểu khai mạc chương trình, TS Trần Doãn Tiến, Vụ trưởng, Tổng biên tập Tạp chí Tuyên giáo, Trưởng ban Tổ chức chương trình xúc động chia sẻ: 70 năm đã trôi qua, kể từ ngày Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tuyên thệ dưới cánh rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình – Cao Bằng), một mốc son đáng nhớ, đánh dấu sự ra đời của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng hôm nay! Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, quân đội ta đã làm nên truyền thống vẻ vang - như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm sáng danh hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, xứng danh là quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Chiến tranh đã lùi xa gần bốn thập kỷ nhưng hậu quả của nó vẫn còn rất nặng nề. Trong gần 1,3 triệu liệt sỹ đã hy sinh, đến nay vẫn còn gần 30 vạn liệt sỹ vẫn chưa tìm được hài cốt. Hơn 30 vạn liệt sỹ tuy đã được quy tập vào các nghĩa trang nhưng phải nằm trong những ngôi mộ “liệt sỹ chưa biết tên”, trên 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, gần ba triệu người là nạn nhân của chất độc da cam/đi-ô-xin, trong đó có nhiều nạn nhân thuộc thế hệ con, cháu. Nỗi đau vẫn còn đeo đẳng cả về thể xác lẫn tinh thần đối với những nạn nhân… Đó là sự mất mát đang thức gọi lòng nhân ái của mỗi chúng ta.

 
 TS. Trần Doãn Tiến phát biểu khai mạc chương trình

Góp sức tri ân với những công lao to lớn của các thế hệ đi trước, trong những năm qua, Chương trình “Vang mãi bản hùng ca” qua năm lần tổ chức đã huy động hàng chục tỷ đồng để xây dựng nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm; tặng học bổng… cho một số thân nhân liệt sĩ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lụt ở 4 tỉnh Bắc miền Trung. Đặc biệt, Ban Tổ chức Chương trình đã xây dựng Khu tưởng niệm liệt sĩ Đại đội 16, Trung đoàn 27 tại xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị.

 Với 2 chủ đề Cổ tích thời hoa lửa và Trọn nghĩa tri ân, những người làm Chương trình “Vang mãi bản hùng ca” lần thứ 5 cũng chỉ có một ước mong nhỏ là phác hoạ một phần bản hùng ca hùng tráng về những chiến công hiển hách của quân đội ta; đồng thời cũng là sự tri ân các thế hệ cha ông, các liệt sỹ, thương binh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta. Đó cũng là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 25 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân, góp phần tuyên truyền, cổ vũ thế hệ trẻ tiếp bước truyền thống cha ông, sẵn sàng góp sức mình bảo vệ vững chắc biên giới, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chương trình giao lưu – nghệ thuật Vang mãi bản hùng ca lần thứ 5.

Thông qua chương trình, khán giả cả nước đã được nghe câu chuyện cảm động về liệt sĩ Lang Sỹ Thủy, người dân tộc Thái, quê ở Thanh Sơn, Như Xuân, Thanh Hóa, thuộc đơn vị C20, E48, F320B. Trong trận đánh cứ điểm Cồn Tiên tháng 4/1972, anh Thủy bị thương được đưa về Quân y Viện 4 ở Thanh Chương, Nghệ An điều trị. Sau khi ra viện, mặc dù được ở lại miền Bắc công tác, nhưng anh Lang Sỹ Thủy đã tình nguyện trở về đơn vị cũ lúc đó đang làm nhiệm vụ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị để tiếp tục chiến đấu. Thế rồi, với chiếc xe đạp Thống Nhất mượn của chị gái là bà Lang Thị Sang, anh Lang Sỹ Thủy đã đạp xe đạp từ Như Xuân, Thanh Hóa vào nhà bà Cao Thị Hữu ở xóm Bàu, Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh, Quảng Trị gửi xe đạp rồi vượt sông Bến Hải vào chiến trường tìm đơn vị. Khán giả cũng đã được gặp gỡ, giao lưu với Cựu chiến binh Đỗ Xuân Tâm, nguyên thợ máy 1 Tàu 187 của “Đoàn tàu không số”. Ông cũng đã trở thành máy trưởng và gắn bó với Tàu 69 ở miền Tây Nam Bộ. Những câu chuyện bi hùng được khắc họa trong chương trình đã ca ngợi phẩm chất cao quý của “Bộ đội cụ Hồ”, đã tạc vào hồn thiêng sông núi làm nên tượng đài chiến thắng hôm nay. Ngày nay, đất nước đang đòi hỏi quân đội nhân dân Việt Nam nâng cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để viết tiếp bản hùng ca cách mạng bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc thân yêu.

 
 Giao lưu với các nhân chứng lịch sử

Khán giả cả nước cũng được thưởng thức những ca khúc Con xin ở lại nơi này (Thơ: Nguyễn Văn Á – Nhạc: Hà Chương – Biên đạo múa: NSUT Xuân Thanh), Cỏ non Thành cổ (Nhạc và lời: Tân Huyền), Thơ tình lính biển (Thơ: Trần Đăng Khoa – Nhạc: Hoàng Hiệp), Trường Sa (Thơ: Nguyễn Thế Kỷ - Âm nhạc: Hoàng Thành – Biên đạo múa: Anh Thoa), Hát mãi khúc quân hành... do NSƯT Việt Hoàn,Tân Nhàn, ca sỹ Phương Thảo... và tốp múa Nhà hát ca múa nhạc Quân đội biểu diễn.

 
Tiết mục Hát mãi khúc quân hành do hợp xướng, múa Nhà hát ca múa nhạc
Quân đội biểu diễn

Thông qua Chương trình “Vang mãi bản hùng ca” lần thứ 5, Ban tổ chức và các nhà tài trợ sẽ tặng 70 sổ tiết kiệm (mỗi sổ từ 5 đến 10 triệu đồng), tặng 50 suất học bổng (mỗi suất 1 triệu đồng), tặng 400 suất quà (mỗi suất 5 trăm nghìn đồng) và xây dựng Bia chiến tích Khẩu đội 5, Đại đội 16, Trung đoàn 27 tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng.

 
Ban tổ chức chương trình trao tặng sổ tiết kiệm cho
các gia đình có công với cách mạng

 
Ban tổ chức chương trình trao tặng học bổng cho các em
học sinh có hoàn cảnh khó khăn

 
 Ban tổ chức chương trình tặng hoa cho các nhà tài trợ,
đồng hành cùng chương trình

Có thể khẳng định, chương trình Vang mãi bản hùng ca lần thứ 5 là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử vẻ vang của dân tộc và những chiến công oanh liệt của quân và dân ta; khơi dậy niềm tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường. Từ đó, vượt qua mọi khó khăn, thử thách; ra sức xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, là lực lượng chính trị tin cậy, đội quân chiến đấu trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới của cách mạng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sau 5 lần tổ chức, Chương trình “Vang mãi bản hùng ca” đã xây dựng 15 nhà tình nghĩa; tặng 500 sổ tiết kiệm; tặng 300 suất học bổng; tặng 3000 suất quà… cho một số thân nhân liệt sĩ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ủng hộ đồng bào bảo lụt 4 tỉnh Bắc miền Trung và xây dựng Khu tưởng niệm liệt sĩ Đại đội 16, Trung đoàn 27 tại xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng.

 
 

Bảo Châu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất