Thứ Bảy, 23/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 3/3/2009 19:22'(GMT+7)

Hát xoan với không gian văn hóa làng quê

Một cảnh hát xoan ở sân đình.

Một cảnh hát xoan ở sân đình.

Và, một trong những di sản văn hóa phi vật thể đang nhận được nhiều sự đồng thuận nhất của các nhà văn hóa là nghệ thuật hát xoan. Xin giới thiệu đến bạn đọc cuộc trò chuyện của phóng viên với nhà nghiên cứu âm nhạc Ðặng Hoành Loan chung quanh những giá trị đặc sắc của loại hình nghệ thuật dân gian này.

PV: Thưa ông,  từng chịu trách nhiệm chính trong việc lập hồ sơ cho di sản văn hóa ca trù, ông có thể cho biết, vì sao ông đánh giá cao nghệ thuật hát xoan và cho rằng, có thể  lập hồ sơ đề cử hát xoan vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại?

Nhà nghiên cứu (NNC) Ðặng Hoành Loan: Hát xoan là một hình thức nghệ thuật hoạt động theo phương thức phường nghề, có nghĩa rằng nó hoạt động để sống bằng nghệ thuật. Có thể tạm nhìn nhận nghệ thuật hát xoan có ba giá trị tiêu biểu là giá trị giao lưu, giá trị nghệ thuật và giá trị ngẫu hứng trong sáng tạo. Ðể tồn tại thì hát xoan lại khác quan họ, khác ca trù ở chỗ nó đem nghệ thuật ấy đến hòa trộn với các hình thức văn nghệ dân gian lân cận của các địa phương khác để cùng chung sống, tạo thành một không gian văn hóa rất gần gũi, nên người ta thấy trong xoan có trống quân, xoan có ghẹo, xoan có đúm.

PV: Về giá trị lịch sử, cụ thể, loại hình nghệ thuật dân gian này đã ra đời cách nay bao lâu?

NNC Ðặng Hoành Loan: Người ta chưa xác định rõ nó xuất hiện vào thời nào của lịch sử, nhưng căn cứ các hiện tượng âm nhạc thì có thể hát xoan xuất hiện vào thời Trần. Âm nhạc xoan có nhiều điệu rất cổ, căn cứ vào số lượng âm trong một điệu hát. Trên góc độ âm nhạc, số lượng âm càng ít thì nó càng cổ.

PV: Ðược biết, trước đây, Viện Âm nhạc đã phục dựng lại một chặng trong cuộc hát xoan?

NNC Ðặng Hoành Loan: Vào khoảng năm 1997-1998, Viện Âm nhạc đã khôi phục trống quân Ðức Bác, thực chất là một thể thức đón đào xoan, nhưng trong 18 làng có xoan đến hát dọc hai bờ sông Lô, tuy mỗi nơi có một thể thức đón đào khác nhau, thì nghệ thuật đón đào ở Ðức Bác có thể nói là trác tuyệt, mà có lẽ không có vùng văn hóa nào ở Việt Nam có nghệ thuật đón nghệ sĩ như vậy. Ở Ðức Bác, để đón đào, người ta gửi thiệp hồng mời phường xoan sang biểu diễn. Vào ngày đón phường xoan, các trai làng Ðức Bác ra tận bờ sông, đeo trống quân trên cổ, đánh trống đón đào - thế nên người ta gọi là trống quân Ðức Bác. Khi khôi phục lại thể thức đón đào này, chúng tôi đã phải dựng lại một cái đình bằng vải trên không gian của đình cũ để tạo không gian biểu diễn cho xoan. Hiện ở Ðức Bác còn bốn nghệ nhân là những người đã dự các lễ đón đào ngày xưa, nên các cụ đã dạy lại hết, quần áo Viện cũng may lại, nhưng cũng chỉ thỉnh thoảng mới diễn lại thôi, vì vẫn thiếu một không gian trình diễn của xoan, tức là cái đình.

PV: Ông thường đề cao vai trò của không gian văn hóa đình làng trong trình diễn hát xoan. Liệu đó có phải là một trong những nguyên nhân khiến việc phục hồi nghệ thuật hát xoan, dù đã được quan tâm từ nhiều năm nay, vẫn chưa đạt được kết quả đáng kể?


NNC Ðặng Hoành Loan: Nghệ thuật hát xoan chỉ khu trú trong bốn thôn quanh thành phố Việt Trì (phú Thọ). Việc truyền nghề chỉ thực hiện trong dòng họ, vì đó là phường nghề. Nhưng tại sao hát xoan lại có sức sống mãnh liệt như thế? Bởi vì bốn phường nghề ấy đi hát ở 18 đình của 18 xã nằm hai bên bờ sông Lô. Hiện nay ở bốn thôn đó vẫn còn một số nghệ nhân, cũng đã 70-80 tuổi cả rồi. Các cụ cũng đã tham gia truyền nghề cho một số đào kép trẻ trong câu lạc bộ do Hội Văn nghệ dân gian thành lập. Tỉnh Phú Thọ cũng chú trọng đầu tư. Bộ Văn hóa trước đây cũng đã đầu tư xây dựng lại đình An Thái. Nhưng cái quan trọng nhất của hát xoan là ngoài cái thôn ấy, cái đình ấy, mà thiếu sức lan tỏa thì nó cũng không chơi được. Các nghiên cứu trước đây chỉ chú trọng nơi phát tích của xoan, mà chưa chú ý nơi xoan đến và cái mà nó tạo ra ở đó. Nên để xoan mạnh, thì phải khôi phục được cả 18 thôn kia. Ngoài không gian đình làng, một trong những cái thiếu dẫn đến khó khăn trong quá trình phục hồi di sản, nhất là di sản văn hóa phi vật thể, là chúng ta thiếu không gian văn hóa làng quê. Con người ngày xưa mới sản sinh ra được loại hình văn hóa ấy. Còn chúng ta ngày nay đã bị tách khỏi dân ca, ca dao rồi, muốn tạo được lối chơi như các cụ ngày xưa, cần có những người rất giỏi về văn chương, ca dao, âm nhạc, như vậy mới có khả năng bẻ làn, nắn điệu. Hiện nay chúng ta mới chỉ hát lại được những làn điệu của các cụ ngày xưa thôi, tức là chúng ta mới khôi phục để bảo tồn, còn phát triển nghệ thuật ấy thành lối chơi, thì khó vô chừng. Ðó cũng là một trong những vấn đề nan giải nhất đối với các nhà văn hóa.

PV: Ông vừa nhắc đến những cái khó của vấn đề bảo tồn và phát triển di sản văn hóa dân tộc. Trong khi vẫn còn nhiều trở ngại như vậy, liệu chúng ta có vội vàng, hay nặng về hình thức, khi quá chú trọng đầu tư việc lập hồ sơ đề cử di sản?

NNC Ðặng Hoành Loan: Việc lập hồ sơ di sản là cần thiết và nên làm. Chí ít  khi được công nhận là di sản thì nó được toàn cộng đồng có ý thức bảo tồn. Còn đối với văn hóa quần chúng chủ yếu là văn hóa trình diễn và thưởng thức, không phải là văn hóa đồng trình diễn và đồng thưởng thức như các loại hình di sản văn hóa phi vật thể cần có. Nhưng để làm được điều đó thì còn rất nhiều gian nan. Càng nhiều di sản được công nhận, mà là những di sản thật sự có giá trị, thì tác dụng của nó càng lớn trong ý thức cộng đồng đối với vốn sáng tạo của cha ông. Cứ giữ lại đã, rồi chúng ta sẽ tìm cách để phát huy. Mà tin là sẽ tìm được./.

(Theo: Luân Vũ/Nhân dân cuối tuần)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất