Thứ Bảy, 23/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 3/3/2009 18:12'(GMT+7)

Phim về chiến tranh thời vượt khó

Cảnh trong phim "Đừng đốt, trong đó đã có lửa".

Cảnh trong phim "Đừng đốt, trong đó đã có lửa".

Thực tế, chiến tranh là đề tài lớn, có nhiều sử liệu quý giá giúp thế hệ trẻ hiểu thêm và tự hào về quá khứ dân tộc. Nhưng sự đón nhận của công chúng với dòng phim này hiện còn rất chừng mực.

Theo đạo diễn gạo cội Hải Ninh, khi không khí chiến tranh không còn, bối cảnh, hơi thở của quá khứ đã nhạt nhòa thì việc tái hiện khung cảnh cuộc chiến là điều không dễ dàng, nhất là với những đạo diễn trẻ hiện nay.

“Nhưng không có nghĩa họ không làm được. Họ không thiếu tài năng, không thiếu ý tưởng và cũng không thiếu sự táo bạo”, đạo diễn Hải Ninh nói.

Né khó khăn để thành công

Theo lời khen tặng của NSND Hải Ninh, thì đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, qua tác phẩm đẩu tay Đường thư, là một tân binh đầy tự tin, dám đương đầu với thách thức. Cùng thế hệ này còn có Đào Duy Phúc, “cha đẻ” của Sinh mệnh. Nhà nghiên cứu, phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan cho biết thêm: “Họ là người trẻ, yêu nghề và có cái nhìn khách quan, đa chiều về chiến tranh”.

Phần lớn các đạo diễn làm phim chiến tranh nhận định, khó khăn lớn nhất họ gặp phải là vấn đề kinh phí. Đạo diễn Vương Đức (Hãng phim truyện Việt Nam) chia sẻ: “Kinh phí đầu tư chính là trở ngại lớn nhất mà lĩnh vực điện ảnh chiến tranh phải đối mặt. Sau đó là mặt kỹ xảo, tạo dựng bối cảnh”.

Cũng theo đạo diễn này, cách khai thác thông minh của đạo diễn phim chiến tranh là tập trung vào số phận con người trong chiến tranh và hậu chiến. “Những đề tài đó sẽ tránh những hạn chế của điện ảnh chiến tranh, hướng người xem đến tính dân tộc và nhân văn hơn”, ông Đức nói.

Chứng minh cho nhận định của mình, đạo diễn Vương Đức đưa ra bằng chứng bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười của Đặng Nhật Minh, Đời cát của Nguyễn Thanh Vân đoạt nhiều giải cao tại các Liên hoan phim Quốc tế. Khán giả trong và ngoài nước gặp gỡ, đồng cảm với đạo diễn, với những trăn trở về số phận, nỗi đau mà người đi qua chiến tranh phải gánh chịu. Tất cả được khai thác ở góc nhìn bình dị, tinh tế nhưng chân thực và nhân bản.

Những tín hiệu vui

Thừa nhận thời kỳ vàng son của điện ảnh chiến tranh không còn, nhà nghiên cứu phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan cho rằng, nguyên nhân bởi một bộ phận lớn công chúng trẻ hiện nay được các kênh thông tin, giải trí hiện đại “chăm sóc” quá kỹ. Dù thế, bà Lan vẫn lạc quan và tin tưởng vào thị hiếu, trình độ thưởng thức của từng nhóm khán giả.

“Một bộ phận khán giả không quan tâm nhưng chúng ta không thể đánh giá chất lượng nghệ thuật của phim chiến tranh hiện nay là yếu. Các nhà làm phim vẫn cố gắng để dòng phim này có một chỗ đứng trong lòng công chúng yêu điện ảnh. Vì vậy, điều cần quan tâm là làm sao cho phim về đề tài chiến tranh vừa có giá trị nghệ thuật cao, vừa có sức hấp dẫn, lôi cuốn”, Bà Lan khẳng định.

Khi Nhật ký Đặng Thùy Trâm và Mãi mãi tuổi 20 làm rung động hàng triệu trái tim độc giả, các nhà làm phim đã tận dụng cơ hội này để sản xuất Đừng đốt, trong đó đã có lửa do NSND Đặng Nhật Minh vừa biên kịch vừa đạo diễn, Mùi cỏ cháy do nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm viết kịch bản. Phim chưa ra mắt nhưng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ khán giả. “Chúng ta có quyền hy vọng vào những bộ phim hay, được thai nghén từ những người đủ tâm huyết và trí lực sáng tạo nghệ thuật”, đạo diễn Vương Đức bày tỏ./.
 
(Theo: Báo Đất Việt)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất