Thứ Bảy, 23/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 27/2/2009 14:38'(GMT+7)

Chờ đợi Diều Vàng, lại bàn "hội nhập"

Cảnh trong phim Đẹp từng centimet - phim của tư nhân tham gia Cánh Diều vàng năm nay.

Cảnh trong phim Đẹp từng centimet - phim của tư nhân tham gia Cánh Diều vàng năm nay.

Điện ảnh tư nhân đã có chỗ đứng

Năm 2002, Nhà nước bắt đầu công nhận thực tiễn sự cần có của các hãng phim tư nhân để tạo nên bộ mặt mới cho điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Và cũng chính từ thời điểm này, người ta bàn luận, so sánh nhiều hơn về cách làm phim của các hãng phim Nhà nước so với phim tư nhân.

Nhưng, một thời “xích mích” của từ sự so sánh này đã dần qua. Việc bắt tay của các hãng phim Nhà nước với tư nhân và với quốc tế đang dần trở thành xu hướng chung để kéo điện ảnh đến gần công chúng Việt Nam hơn.

Trong buổi hội thảo sáng 27-2, TS phê bình lý luận Ngô Phương Lan nhận định “Thực tế là các dòng phim thương mại đang ngày càng tăng tính nghệ thuật hơn, phim phản ánh vào chiều sâu tâm hồn người Việt Nam hơn”.
Mở đầu cho sự hồi sinh của dòng phim được gắn cái tên thị trường là “Gái nhảy” của đạo diễn Lê Hoàng vào mùa phim Tết năm 2003. Từ đó tới nay, Việt Nam đã có một sân chơi riêng vào dịp Tết để chinh phục khán giả nước nhà.

Đã có nhiều hãng phim tư nhân khẳng định được tên tuổi với việc cho ra mắt phim truyện nhựa hàng năm như Thiên Ngân, BHD, Phước Sang, Chánh Phương… Và con số lợi nhuận mà họ thu được quả là một con số đáng mơ với các hãng phim Nhà nước phải đối mặt với việc làm phim trong nền kinh tế thị trường.

Ông Ngô Thảo - Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật Hãng phim BHD tiết lộ, “Đẹp từng centimet” mùa phim Tết vừa qua đã trụ rạp được hơn 1 tháng với doanh thu lên tới 14 tỷ đồng. So với con số đầu tư cho sản xuất 4 tỷ cùng với tiền quảng cáo, tiền phần trăm của rạp chiếu thì “Đẹp từng centimet” đã mang lại cho BHD ít nhất 6 tỷ đồng.

Thiên Ngân là một hãng phim tư nhân đã có 6 năm kinh nghiệp về phát hành phim và làm phim tại Việt Nam với các phim “Những cô gái chân dài”, “2 trong 1”, “Nụ hôn thần chết”, “Giải cứu thần chết” cũng đã chọn riêng cho mình một con đường đi khi tiếp cận với điện ảnh nước nhà.

Bà Đinh Thanh Hương - đại diện cho Hãng phim Thiên Ngân bộc lộ “Chúng tôi xác định rõ ràng có 3 con đường để đưa sản phẩm ra thị trường, một là thị trường nội địa, hai là thị trường nước ngoài và ba là đầu tư để sản xuất phim đi tham gia các liên hoan. Nhưng chúng tôi không có tham vọng đầu tư làm phim nghệ thuật để đi liên hoan, không có tham vọng làm phim đạt được cả ba mục đích mà thị trường của chúng tôi chính là công chúng trong nước với mục đích đó là sản phẩm thương mại”.

Mặc dù xác định con đường đi là thương mại, nhưng bà Đinh Thanh Hương cũng khẳng định thương hiệu phim Thiên Ngân “Việc quảng cáo phim, PR cho phim là quan trọng nhưng không phải là tối đa. Chúng tôi coi trọng chất lượng phim và coi sản phẩm vẫn là cái đầu tiên khi đầu tư”.

Việc ra đời các hãng phim tư nhân, nhất là Luật Điện ảnh sắp tới cho phép thành lập hãng phim tư nhân có vốn nước ngoài trên 51% là một bước tiến lớn để điện ảnh Việt Nam hội nhập. Xu thế các đạo diễn Việt Kiều từ các nền điện ảnh tiên tiến làm phim về đất nước, con người Việt Nam như Victor Vũ, Lưu Huỳnh, Charlie Nguyễn… đã làm cho bộ mặt điện ảnh có sự thay đổi rõ rệt.

Cùng với giải Cánh Diều Vàng 2008 có tới 5/6 phim tham dự giải là do các hãng phim tư nhân sản xuất, trong đó có bộ phim mang tính nghệ thuật và có những bộ phim bộc lộ rõ tính thương mại. Xem ra, có thể coi năm 2008 là năm đột phá của điện ảnh tư nhân trong công cuộc kéo khán giả Việt về với điện ảnh nước nhà.

Muốn hội nhập, tư nhân và Nhà nước phải bắt tay

Đó là khẳng định của đạo diễn trẻ Bùi Thạc Chuyên về vấn đề làm thế nào điện ảnh Việt hội nhập quốc tế. Theo anh, “không nên phân biệt phim Nhà nước hay tư nhân vì một nền điện ảnh mạnh là phải có cả hai mặt nghệ thuật và thị trường”.

Đồng quan điểm này, đạo diễn Lê Đức Tiến - Giám đốc Hãng phim Truyện Việt Nam cho rằng “Với một nền điện ảnh còn yếu như ta thì việc phân biệt phim Nhà nước hay phim tư nhân không quá quan trọng. Hiệu quả của sản phẩm mới là quan trọng”.

Với sự ra đời của nhiều hãng phim tư nhân, liên kết với nhiều hãng phim nước ngoài, tiền không còn là vấn đề quan trọng. Nhiều hãng phim sẵn sàng đầu tư cho sản phẩm của mình, đặt niềm tin vào tay các đạo diễn trẻ sẽ thu lợi nhuận cho họ. Nhưng điều gì là mấu chốt để liên kết giữa các hãng phim với nhau, đó chính là vấn đề cơ chế.

Tại Hội thảo, vấn đề cơ chế, chính sách của Nhà nước với điện ảnh trong cơ chế thị trường và hội nhập được nhiều đại biểu đề cập.

Ông Lê Đức Tiến thì cho rằng, “Nhà nước cần đầu tư hệ thống rạp chiếu để làm đầu ra cho các sản phẩm điện ảnh trong nước”. Bên cạnh đó, ông cũng đặt ra vấn đề “Nhà nước cần có chính sách thuế cho phim nước ngoài và bằng cách nào đó hỗ trợ về thuế cho các sản phẩm điện ảnh trong nước”.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng nhấn mạnh “Điện ảnh Việt Nam cần có chiến lược phát triển, nhất là đầu tư về cơ sở vật chất. Điện ảnh chúng ta hiện nay cần cơ chế hơn là cần tiền. Bởi vì hiện nay, nguồn tiền Nhà nước có thể có hạn nhưng nguồn tiền của tư nhân rất đơn giản. Nếu cơ chế phát triển thì sự đầu tư cho điện ảnh sẽ khác”.
Còn ông Ngô Thảo, đại diện cho hãng phim tư nhân BHD đề đạt nguyện vọng “Nếu muốn gìn giữ văn hóa trong thời kỳ hội nhập thì cũng phải công nghiệp hóa văn hóa. Chúng ta nên có tiếng nói đầu tư cho văn hóa. Hội nhập mà không tính tới vai trò của Nhà nước thì không bao giờ làm được”.
Xin trích lời phát biểu của TS Lý luận phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan thay lời kết “Chúng ta phê phán những phim thị trường có xu hướng chạy theo đồng tiền nhưng cũng nên ủng hộ bộ phim có nội dung lành mạnh”./.

(Theo: Lam Trần/Nhân dân ĐT)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất