Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 25/2/2009 16:18'(GMT+7)

Lễ hội Kỳ Cùng và Tả Phủ - Điểm nhấn độc đáo của văn hóa xứ Lạng

Đám rước trong lễ hội Đền Kỳ Cùng

Đám rước trong lễ hội Đền Kỳ Cùng

Từ trong chiếc nôi văn hóa dân tộc vừa phong phú, đa dạng về nội dung, loại hình, vừa mang sắc thái riêng lễ hội của phương Bắc, đã thành truyền thống, cứ từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng lễ hội Tả phủ – Kỳ Cùng được diễn ra tại thành phố Lạng Sơn. Những nét đặc sắc về văn hoá và con người xứ Lạng đều hiện diện tại lễ hội này. Và đó chính là điểm nhấn tạo nên sự độc đáo của văn hóa Xứ Lạng.

Lễ hội đền Kỳ Cùng tổ chức tại phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn từ ngày 16/02 đến 21/02/2008 (tức ngày 22 đến 27 tháng Giêng âm lịch). Đền Kỳ Cùng nằm ở phía Bắc cầu Kỳ Cùng, có kiến trúc kiểu chữ Đinh, mặt quay về hướng Nam, nhìn đối diện sang bên kia sông là chùa Thành (Diên Khánh Tự). Hiện ngôi đền cũ không còn. Trên nền cũ tỉnh Lạng Sơn đã cho dựng một ngôi đền mới, nhưng vẫn mang dáng vẻ của ngôi đền năm xưa, hài hoà với cảnh sắc thiên nhiên. Trong đền, hiện vẫn còn lưu giữ tấm bia ghi lại quá trình trùng tu đền vào thời Bảo Đại.

Theo truyền thuyết dân gian, đền được lập để thờ Thần Giao Long, còn gọi là Thần sông Kỳ Cùng Đại Vương - vị thần đã có công giúp dân hai bên bờ sông đánh đuổi thuỷ quái để bảo vệ cho mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm, yên vui… Trước kia, khi các đoàn xứ bộ khi đi ngang qua đây đều vào làm lễ yết cáo Thần để cầu cho chuyến đi may mắn, thuận lợi. Qua sự biến thiên của thời gian, lịch sử, đền đã chuyển từ chỗ thờ Thần Giao Long sang thờ Quan lớn Tuần Tranh - một vị tướng nhà Trần mà sự nghiệp, chiến công gắn liền với di tích lịch sử này.

Vào dịp lễ hội, các bộ cờ quạt được trang hoàng xung quanh đền; sân chơi và quân cờ được kẻ vẽ lại; kiệu Bát Cống và kiệu Võng được chuẩn bị chu đáo... Ngoài các lễ vật phổ biến như mâm xôi, gà, rượu, hương... nhân dân còn dâng lên các sản vật khác của địa phương như: Bánh dầy (pẻng sì), khẩu sli, bánh khảo (sla kao), chè lam... Ngày 22 tháng Giêng, vào giờ Thìn trước cửa đền Kỳ Cùng, sau khi Ban Tổ chức ôn lại truyền thống văn hóa đặc sắc của đền, mọi người vào đền dâng hương cầu mong một năm mới may mắn, an khang, thịnh vượng. Đúng giờ Ngọ ngày 27/Giêng, đoàn kiệu lại rước trả thần Sông về đền Kỳ Cùng và đưa Thổ Công, Thần Thánh về các đền miếu lân cận và lễ hội kết thúc. Sau màn khai mạc, đoàn kiệu rước trang hoàng lộng lẫy, gồm các thanh niên được gọi là "Đồng nam" khiêng kiệu và một tốp thiếu niên gọi là "đồng tử" khiêng đỉnh hoàng trầm, cùng đội sư tử Kỳ Lừa múa một vòng xung quanh đền, tiến thẳng đến đền Kỳ Cùng (cách đó 1km) rước Thần Sông Kỳ Cùng (Giao Long) về dự hội (rước ngai). Sau lễ đón rước, đúng giờ Ngọ, đoàn kiệu rước Thần Sông Kỳ Cùng quay về đền Tả Phủ. Trên quãng đường đoàn kiệu rước đi qua, các gia đình hai bên đường đều bầy biện mâm lễ cúng lợn sữa quay, xôi, gà, hoa quả để cầu may, cầu tài lộc...

Đây là một nghi thức diễn lại tích của vị thần Kỳ Cùng. Trong thời gian diễn ra hội, các trò chơi dân gian truyền thống được tổ chức trước sân đền Kỳ Cùng như đánh cờ người, đánh vật, múa võ dân tộc, kéo co... Các trò chơi dân gian đã thu hút được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia và làm cho lễ hội trở nên sôi động, hấp dẫn.

Lễ hội xuân đền Tả Phủ là tên gọi thay cho “Hội đầu pháo Kỳ Lừa” ra đời sau khi Chính phủ quyết định cấm nhân dân đốt pháo nổ. "Lễ hội xuân đền tả Phủ" gắn liền với lễ hội Kỳ Cùng, được tổ chức cùng thời điểm (22-27/Giêng). Nằm ở chính giữa phố chợ Kỳ Lừa xưa, nay là trung tâm phường Hoàng Văn Thụ, đền Tả Phủ được nhân dân trong vùng lập nên từ năm Chính Hòa thứ tư 1683, theo lối kiến trúc đền chùa cổ của Trung Quốc với hệ thống cột kèo, ngói máng uốn lượn cầu kỳ. Trong đền còn có tấm bia cổ ghi 4 chữ "Tôn sư phụ bi " (nghĩa là tôn người làm thầy, làm cha của muôn dân). Đền Tả Phủ là nơi thờ Tả đô đốc Hán Quận công Thân Công Tài, người ở xã Như Thiết, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang (nay là tỉnh Bắc Giang)- người đầu tiên có công mở ra phố chợ Kỳ Lừa, giúp nhân dân làm ăn buôn bán. Tương truyền, ông là người cho mở 7 con đường, lập nên 7 phường cho phố chợ Kỳ Lừa, tạo cho trấn lỵ Lạng Sơn xưa một khu buôn bán phồn vinh, tấp nập, thu hút cả thương khách ngoại quốc.

Trong những ngày lễ hội Xuân Lạng Sơn 2009, người dân xung quanh chợ Kỳ Lừa tổ chức đón rước thổ công, thần thánh ở các đền miếu lân cận về dự hội. Từ ngày 16-21/Giêng, các gia đình có "đầu pháo" lấy được từ năm trước đến trả lại đền, kèm theo lễ tạ. Ngày 23- 24 tháng Giêng, tổ chức lễ tế và chuẩn bị đầu pháo. Ngày 27 tháng Giêng tổ chức đốt đầu pháo, đây là đỉnh điểm của lễ hội, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân các dân tộc xứ Lạng. Mặc dù trời mưa lạnh, lại tổ chức ngoài trời, nhưng các nghi lễ vẫn được tiến hành đúng như dự định: Một dây pháo dài khoảng 8 tấc, to 1,5 phân, đầu pháo có vòng đồng đính, được làm lễ đốt sau ngày khai hạ. Thông thường, quyền châm lửa đốt pháo thuộc về người năm trước đoạt giải. Ban Tổ chức công bố thể lệ cướp pháo. Khi quả pháo đại nổ hất tung vòng thép đỏ (đầu pháo) lên không trung, rơi xuống đâu thì mọi người phải nhanh tay, mưu trí và khéo léo nhặt lấy. Người cướp được đầu pháo cũng phải nhanh trí, cất giấu kín, nếu sơ sểnh cũng rất dễ bị cướp lại. Người may mắn cướp được vòng đồng ở đầu pháo sẽ được thưởng tiền, một mẫm lễ gồm gà, xôi, rượu và sẽ được mạnh khỏe, phát tài; có trách nhiệm khao làng và đầu năm sau trở lại đến đền lễ tạ.

Theo truyền dân gian, Thần đền Kỳ Cùng và Thần đền Tả Phủ có một mối quan hệ rất mật thiết. Hai vị thần đền này là ân nhân của nhau trong một vụ giải oan.Vì thế, hàng năm, lễ hội đền Kỳ Cùng và lễ hội đền Tả Phủ được mở cùng thời điểm (từ ngày 22 đến ngày 27 tháng Giêng). Vào ngày 22, trong các phần nghi lễ của lễ hội, có phần rước kiệu Thần đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ để tạ ơn, dự hội Đầu pháo và ngày 27 lại rước kiệu về là được tổ chức trọng thịnh nhất. Thành kính và ngưỡng mộ trước sự linh thiêng của Thần đền Kỳ Cùng và Thần đền Tả Phủ nên tại các dãy phố có đoàn rước kiệu thần đi qua, người dân sắm lễ trước cửa nhà và trang trọng để cúng vọng, khấn các vị Thần phù hộ cho nhiều may mắn, tài lộc. Theo quan niệm của mọi người, nếu nhà nào được kiệu thần ghé vào chúc mừng thì năm đó gia đình sẽ làm ăn thuận lợi, may mắn, tấn lộc, tấn tài...

Trong lễ hội, ngoài nghi thức rước kiệu, còn có nhiều hình thức vui chơi khác như: Múa sư tử, diễn xướng dân gian hát Sli, hát lượn... Không chỉ người dân thành phố Lạng Sơn, mà lễ hội đã thu hút đông đảo nhân dân từ khắp các huyện trong tỉnh từ Hữu Lũng, Chi Lăng ngược lên, từ các huyện vùng cao như Tràng Định, Văn Quan, Văn Lãng, Cao Lộc... Đây là dịp để nhân dân các dân tộc gặp gỡ, vui chơi, ca hát, thực hiện những nghi lễ, cầu mong một năm mới đạt được những ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp, may mắn, ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội Kỳ Cùng, Tả Phủ kéo dài một phiên chợ (chợ phiên Kỳ Lừa) là một trong những lễ hội được tổ chức đông vui, nhộn nhịp, điển hình nhất và đã trở thành điểm hẹn của nhân dân các dân tộc Xứ Lạng. Năm nào cũng vậy, hàng đoàn người với đủ sắc màu, ngôn ngữ của các dân tộc (Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Mông, Sán chay...) tề tựu về khu phố chợ Kỳ Lừa chơi hội. Người dân đến với lễ hội trước hết là để thoả mãn nhu cầu vui chơi, tâm linh, sau là dịp ôn lại truyền thống, ghi ơn công trạng người có công khai phá, góp phần đô thị hoá trấn lỵ Lạng Sơn từ thế kỷ XVII. Chính những nét độc đáo trên của hội đền Tả Phủ đã tạo cho hội chợ xuân Kỳ Lừa một nét riêng rất độc đáo trong bề dày văn hóa truyền thống của Lạng Sơn.

Tuy nhiên, không gian lễ hội chợ Kỳ Lừa đã bị thu hẹp hơn trước, các điệu hát sli, hát lượn đã bị mai một dần; các lễ hội tuy đã được tổ chức đều đặn hàng năm, nhưng chưa thật sự gắn kết với việc thu hút khách du lịch, chưa khai thác tương xứng với tầm vóc, vị thế truyền thống văn hóa độc đáo của xứ Lạng đầy tiềm năng, với Mẫu Sơn, cửa khẩu (Hữu Nghị, Đồng Đăng, Tân Thanh), quần thể khu di tích Nhị Tam Thanh, Thành Nhà Mạc… Ngoài các giá trị về tinh thần, văn hóa, lịch sử, các lễ hội Lạng Sơn còn chứa đựng giá trị văn hóa - du lịch sâu sắc.

Nhằm bảo tồn các lễ hội truyền thống cùng các di tích lịch sử đã được xếp hạng, cùng với việc tập trung đầu tư khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh, phát triển kinh tế, ngành văn hóa, thể thao, du lịch tỉnh cần có công tác qui hoạch, lựa chọn một số điểm nhấn trong hơn 365 lễ hội truyền thống, cùng với nó là đầu tư trọng điểm về kết cấu hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất phục vụ du lịch và một số sản phẩm, loại hình du lịch tiêu biểu phục vụ cho lễ hội xuân Lạng Sơn./.

Lê Thị Bích Hồng
Vụ Văn hoá-Văn nghệ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất