Việc thực hiện đổi mới giáo dục trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện trong sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự quản lý của chính quyền và hoạt động lãnh đạo, quản lý của các cơ sở GD&ĐT có sự tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học vào sự nghiệp đổi mới giáo dục từ cấp mầm non đến đại học. Tỉnh cũng đã quan tâm chỉ đạo từng bước phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp của tỉnh gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là đào tạo nghề sau THCS và sau THPT; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hài hòa, hỗ trợ giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa vùng nông thôn và thành thị; quan tâm thực hiện các chính sách đầu tư phát triển GD&ĐT đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách…
Việc thực hiện các mục tiêu về giáo dục mầm non
Tỉnh Hậu Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt các mục tiêu về giáo dục mầm non như: Xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non; áp dụng nhiều phương pháp giáo dục tiên tiến giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1. Kết quả các trẻ học hết cấp mầm non đều được đánh giá phát triển về: nhận thức, ngôn ngữ, thể chất, tình cảm - kỹ năng xã hội, thẩm mỹ, chuẩn bị tiền đề học đọc, học viết giúp trẻ sẵn sàng vào lớp 1.
Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, năm 2015 đã đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và duy trì đến thời điểm hiện tại, 100% trẻ 5 tuổi được huy động đến trường. Có 8/8 huyện, thị xã, thành phố và 75/75 xã, phường, thị trấn được công nhận và duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi (năm 2013: 49/74 xã và 1/7 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non).
Việc chuẩn hóa hệ thống các trường mầm non; phát triển giáo dục mầm non dưới 5 tuổi được tỉnh quan tâm tổ chức thực hiện. Kết quả, chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ nhà trẻ, mẫu giáo được quan tâm đầu tư, số trường thực hiện bán trú hiện có 83/83 trường, tăng 16 trường so với năm 2013. Chất lượng chăm sóc về thể chất của trẻ từng bước được nâng lên.
Việc thực hiện các mục tiêu về giáo dục phổ thông
Công tác giáo dục phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh đạt kết quả quan trọng như: đã tổ chức thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học của giáo viên và phương pháp, cách thức kiểm tra, đánh giá học sinh nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kĩ năng của học sinh; tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quá trình quản lý và trong dạy học, áp dụng các kỹ thuật dạy học tích cực như dạy học theo nhóm, khăn trải bàn, sơ đồ tư duy, dạy học theo dự án,...; đổi mới về thiết bị dạy học và học liệu, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh trong quá trình dạy học.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 31-CT/TU, ngày 29/6/2017, “về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, văn hóa Việt Nam trong các trường học trên địa bàn tỉnh Hậu Giang” để giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa truyền thống của dân tộc, của đất nước và người Hậu Giang trong các trường học. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo ngành GD&ĐT tổ chức thực hiện nghiêm các Thông tư của Bộ GD&ĐT về việc tổ chức học các môn ngoại ngữ, tin học trong trường phổ thông; quan tâm tổ chức các môn học phát triển năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh các cấp.
Nhiều trường THCS, THPT ở Hậu Giang đã tổ chức cho học sinh “Về nguồn” ở các khu di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh.
Chú trọng việc phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo các ngành chức năng tích cực phát huy sáng tạo khoa học kỹ thuật và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các ngành, lĩnh vực, nhất là đối với lĩnh vực giáo dục để phát huy tính sáng tạo, tực học, tự rèn của giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học. Tổ chức triển khai và thực hiện hiệu quả các mục tiêu của việc xây dựng xã hội học tập theo Kết luận số 49-KL/TW, các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập; ban hành Kế hoạch xây dựng xã hội học tập trên địa bàn; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thành lập Trung tâm học tập cộng đồng. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng.
Tỉnh chỉ đạo ngành GD&ĐT tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông. Theo đó, Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; ban hành tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh; tổ chức Hội thảo giới thiệu các bộ sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt; tổ chức thực hiện giảng dạy bộ sách giáo khoa mới cho lớp 1 từ năm học 2020 - 2021, lớp 6 từ năm học 2021 - 2022, lớp 3, lớp 7, lớp 10 từ năm học 2022 - 2023 theo quy định.
Thực hiện chỉ tiêu về phân luồng học sinh sau THCS để tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng, Tỉnh chú trọng việc xây dựng các văn bản cụ thể hóa để thực hiện chủ trương, chính sách của Trung ương về phân luồng học sinh sau THCS, THPT, hướng các em vào học nghề, học tại các trường trung cấp, cao đẳng; chỉ đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với ngành GD&ĐT tổ chức các đợt tư vấn, hướng nghiệp vào cuối mỗi năm học nhằm định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin về những ngành nghề đào tạo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho học sinh từ lớp 9 đến lớp 12. Đồng thời, chỉ đạo các trường Trung cấp chuyên nghiệp (hiện nay đã sát nhập vào Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang) phối hợp với các trường THCS thông tin đến học sinh những ngành nghề, việc làm sau tốt nghiệp và cơ hội liên thông lên cao đẳng, đại học, để các em theo học các lớp đào tạo nghề.
Chỉ tiêu về chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020 được tỉnh quan tâm tổ chức thực hiện. Kết quả công tác phổ cập giáo dục các cấp đạt chỉ tiêu, so với năm 2011 đều được giữ vững và bền vững hơn, cụ thể: Năm 2011, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS mức độ 1; năm 2022 phổ cập giáo dục tiểu học vẫn giữ vững mức độ 3 đã đạt năm 2018 (75/75 xã, 8/8 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3), phổ cập giáo dục THCS đạt mức độ 2 (trong đó 22/75 xã đạt chuẩn mức độ 2 và 48/75 xã đạt chuẩn mức độ 3; có 6/8 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và 2/8 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3).
Việc thực hiện mục tiêu về giáo dục nghề nghiệp
Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp cao, tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức hơn 80 cuộc khảo sát về nhu cầu tuyển dụng lao động, ký kết tuyển dụng lao động của 902 lượt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 99.111 lao động qua đào tạo và lao động phổ thông, tỉnh đã đáp ứng được tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề giai đoạn 2013 - 2022 là 65,36 %. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn; toàn tỉnh hiện có 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 2 Trường Cao đẳng (Trường Cao đẳng cộng đồng Hậu Giang và Trường cao đẳng luật miền Nam); 10 Trung tâm và 3 doanh nghiệp, cơ sở khác đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang
Việc thực hiện mục tiêu về giáo dục thường xuyên
Nhằm tạo điều kiện cho mọi người, nhất là ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, các đối tượng chính sách được học tập nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và chất lượng cuộc sống, tỉnh đã hoàn thành việc củng cố và phát triển hệ thống mạng lưới các trung tâm giáo dục thường xuyên theo mô hình dạy văn hóa kết hợp với hướng nghiệp nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh, học viên. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đã tổ chức nhiều chuyên đề chuyên môn có chất lượng, được đánh giá cao nhằm thúc đẩy tinh thần học hỏi và trao đổi kinh nghiệm giảng dạy bộ môn giữa các giáo viên; mở rộng các loại hình hoạt động bằng những hoạt động cụ thể như liên kết đào tạo, đào tạo theo địa chỉ hay chuyển giao công nghệ kỹ thuật.
Các Trung tâm Học tập cộng đồng tiếp tục hoạt động đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn, tổ chức nhiều lớp dạy nghề ngắn hạn, các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, đồng thời xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình làm ăn hiệu quả,…
Chất lượng giáo dục thường xuyên được nâng cao, giúp người học có kiến thức, kỹ năng thiết thực để tự tạo việc làm hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần. Tiếp tục mở rộng ngành nghề, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội; việc xóa mù chữ bền vững được củng cố duy trì ở mức độ 2; chất lượng giáo dục thường xuyên tính đến năm 2022, tỷ lệ học viên lên lớp là trên 75%, trong đó xếp loại khá giỏi đạt trên 26,95%.
Đến nay một số mục tiêu phát triển giáo dục của tỉnh Hậu Giang đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, tiêu biểu như: từ năm 2017 đến nay, tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 82,97% (Kế hoạch là 80%); giảm tỷ lệ học sinh bỏ học năm 2022 giảm còn 0,06% (giảm 0,25% so với năm 2013, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch (dưới 0,8%))…
|
Nguyễn Hương