(TG) - Chiều 27/2, tại Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang, Hội thảo khoa học “Nâng cao tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị” đã được tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đơn vị trong tỉnh Hậu Giang và các giảng viên của trường Chính trị tỉnh.
Hội thảo đã đề cập một số
nội dung liên quan đến lý luận về tính thuyết phục trong giảng dạy lý
luận chính trị và thực tiễn cũng như việc nâng cao tính thuyết phục
trong giảng dạy lý luận chính trị giai đoạn hiện nay.
Thông qua các tham luận và thảo luận, các
đại biểu dự Hội thảo đã phân tích, trao đổi và khẳng định tính thuyết phục là yêu
cầu cần thiết, then chốt trong giảng dạy lý luận chính trị, có vai trò
quan trọng, góp phần định hướng tư tưởng và nâng cao kỹ năng vận dụng lý
luận vào thực hiện nhiệm vụ chính trị cho học viên; phản ánh khách
quan, rõ nét các yêu cầu quan trọng có tác dụng tăng tính thuyết phục
khi trực tiếp giảng bài trên lớp.
Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang Lê Công Lý cho rằng, Hội
thảo đã phản ánh, khai thác đúng yêu cầu về nâng cao chất lượng công tác
đào tạo, bồi dưỡng từ giảng viên đến học viên trong giảng dạy lý luận
chính trị của địa phương. Đặc biệt, các bài tham luận được chọn tham gia
trong Hội thảo đã phản ánh khá đầy đủ tính thuyết phục trong giảng dạy
lý luận chính trị hiện nay và thời gian tới với các yếu tố khoa học, sâu
về lý luận, rộng về thực tiễn. Từ đó, khẳng định tính thuyết phục trong giảng dạy
lý luận chính trị tại địa phương vừa là yêu cầu, nhiệm vụ, vừa là quyền
lợi để trở thành động lực cho mỗi giảng viên phấn đấu rèn luyện, đổi mới
phương pháp giảng dạy; đồng thời, là động lực để khai thác, phát huy
trí tuệ, năng lực, khơi dậy khát vọng học tập và làm việc của học viên.
Theo Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh
Hậu Giang Nguyễn Thị Tuyết Loan, chất lượng mỗi bài giảng lý luận chính trị là mắt xích quan
trọng trong tổng thể nhận thức của cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách
pháp luật của Nhà nước. Mỗi học viên hình thành thói quen cho quá trình
này như từng viên gạch xây dựng nền móng Đảng ngày càng trong sạch, vững
mạnh. Nhiệm vụ quan trọng này được trao cho giảng viên trường chính trị
để mỗi bài giảng có tính thuyết phục cao. Quá trình thuyết phục phải
bằng tri thức về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng, bằng trái
tim yêu nghề một cách khoa học, bản lĩnh với nghề của giảng viên.
ThS. Nguyễn Thị Hiền (khoa Lý luận cơ sở, trường Chính trị tỉnh) cho rằng, bên cạnh các yêu cầu về tri thức chuyên môn và kỹ năng
giảng dạy, giảng viên lý luận chính trị còn cần có những phẩm chất, năng
lực đặc thù để đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe và đa dạng,
phong phú của thực tiễn quá trình giảng dạy. Giảng viên cần đáp ứng yêu
cầu về năng lực truyền giảng lý luận chính trị một cách hấp dẫn, thuyết
phục; yêu cầu về năng lực hoạt động thực tiễn làm cho bài giảng trở nên
phong phú, sinh động. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên phải vững về kiến
thức lý luận chính trị, văn hóa, xã hội và không ngừng rèn luyện đạo đức
nghề nghiệp; tích cực học hỏi, đổi mới các phương pháp, hình thức giảng
dạy lý luận chính trị.
Năm 2023, trong đào tạo chính trị cho cán bộ, tỉnh Hậu Giang đã tổ chức
63 lớp đào tạo và liên kết đào tạo, bồi dưỡng cho trên 4.200 học viên,
vượt 34,02% so với kế hoạch tại trường Chính trị tỉnh. Trường Chính trị
tỉnh Hậu Giang là một trong 7 đơn vị được Học viện Chính trị quốc gia Hồ
Chí Minh tặng Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm
2023. Trường đã thực hiện nhiệm vụ theo phương châm “dạy thực chất -
học thực chất - kết quả thực chất” với các mô hình đổi mới, sáng tạo gắn
lý luận với thực tiễn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu
khoa học, tổng kết thực tiễn được báo cáo điển hình cả nước./.
Tin, ảnh: NGUYỄN HẰNG (TTXVN)