Quán triệt quan điểm chỉ đạo trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về yêu cầu cần tiếp tục đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng; trong đó, phải đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm “khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại”; đưa việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược, đi vào nền nếp, nhất quán từ Trung ương đến cơ sở sao cho phù hợp với từng đối tượng; chú trọng chất lượng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh luôn luôn xác định nghiên cứu, học tập, quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng là nhiệm vụ hàng đầu của công tác chính trị, tư tưởng; trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Vì vậy, thời gian qua các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc học tập chính trị của đảng bộ tỉnh.
Học viên trao đổi với giảng viên tại lớp bồi dưỡng
Cụ thể: Đối với từng nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tài liệu phục vụ tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết được triển khai một cách bài bản và khoa học. Cấp ủy các cấp bám sát quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của nghị quyết trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm tính khả thi, thiết thực, hiệu quả của chương trình, kế hoạch hành động.
Trong công tác tổ chức, Tỉnh ủy thực hiện đổi mới phương pháp tổ chức hội nghị, thay vì chỉ hội nghị trực tiếp yêu cầu đội ngũ cán bộ chủ chốt của 20 đảng bộ trực thuộc tỉnh ủy, hơn 60 sở, ban, ngành, cơ quan đơn vị trong toàn tỉnh về dự hội nghị trực tiếp như trước; từ năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến 13/13 đảng bộ địa phương trực thuộc Tỉnh ủy; từ năm 2017 đến nay tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến 20/20 đảng bộ trực thuộc tỉnh và 186 xã, phường, thị trấn (nay là 177 xã, phường, thị trấn). Điều này đã giúp cấp ủy tiết kiệm thời gian, kinh phí tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết (giai đoạn trước thường sau hơn 3 tháng mới có kết quả tổ chức đến cán bộ chủ chốt, thì hiện nay chỉ tối đa 1 tháng đã phổ biến đến từng đảng viên ở chi bộ thôn, khu, bản…).
Theo yêu cầu của Thường trực Tỉnh ủy, báo cáo viên tại hội nghị của tỉnh phải là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh (Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh), tại cấp ủy địa phương là bí thư, thường trực cấp ủy. Đây chính là những người đã tham gia vào quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng nội dung của nghị quyết, có điều kiện hiểu sâu hơn nội hàm của nghị quyết, tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn khi truyền tải thông tin, tạo sự tin tưởng vào chủ trương, quyết sách của Đảng, tích cực góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nghị quyết. Nội dung các bài giảng luôn được chuẩn bị chi tiết, cụ thể bằng văn bản, bằng hình ảnh, video clip, slide…, giúp cho việc cung cấp thông tin, quán triệt tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được cụ thể, rõ ràng, thống nhất, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở xã, phường, thị trấn, để cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh nắm rõ, nắm chắc thông tin, tránh, hạn chế tình trạng “tam sao thất bản”, phản ánh không đầy đủ quan điểm, tinh thần, định hướng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh.
Trong công tác tuyên truyền, giao cho Trung tâm truyền thông tỉnh và cấp ủy các địa phương, đơn vị, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, đợt tuyên truyền về triển khai học tập, kết quả tổ chức thực hiện các nghị quyết của đảng bộ tỉnh, các địa phương, cơ quan đơn vị trên tất cả hạ tầng kỹ thuật do Trung tâm truyền thông tỉnh quản lý, khai thác, sử dụng; ký thỏa thuận hợp tác truyền thông với gần 30 cơ quan báo, đài tạp chí của Trung ương để phối hợp tuyên truyền những hoạt động nổi bật của đảng bộ, hệ thống chính trị tỉnh… Ngoài ra, tận dụng mạnh mẽ ưu thế của Internet và mạng xã hội để tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; thực hiện phát hành các bộ sản phẩm đồ họa infographic với nội dung ngắn gọn, nêu những vấn đề cốt lõi để tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử, trên không gian mạng: Zalo, Facebook, Fanpage chính thống của các địa phương, đơn vị thu hút sự chú ý của người dùng mạng xã hội, tạo hiệu ứng tích cực về việc tương tác, chia sẻ trong cộng đồng xã hội.
Đặc biệt, Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh đã có cách làm mới, sáng tạo, phát huy hiệu quả tuyên truyền, lan tỏa sâu rộng các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến đông đảo cán bộ, đảng viên như ứng dụng “Sổ tay Đảng viên” điện tử để truyền tải nghiên cứu, học tập nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Theo đó, thông qua phần mềm được sử dụng trên các điện thoại thông minh, máy vi tính, Ipad…, có thể tải về điện thoại và sử dụng bất kỳ lúc nào khi có kết nối internet, ứng dụng chủ yếu chuyển tải những nội dung cơ bản, cốt lõi, những điểm mới trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến đông đảo cán bộ, đảng viên; ứng dụng này đã phát huy hiệu quả tích cực khi Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh triển khai Cuộc thi tìm hiểu Quảng Ninh 60 xây dựng và phát triển.
Khai giảng lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức đối với các ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh năm 2024.
Một số đảng bộ sở, ban, ngành trực thuộc Đảng bộ Khối cơ quan tỉnh khi nắm thông tin Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức học tập nghị quyết hoặc sinh hoạt chính trị tư tưởng đã chủ động đề xuất với cơ quan chức năng xin mở thêm điểm cầu hoặc room trực tuyến để được tham dự cùng với hội nghị của tỉnh. Đảng ủy Than Quảng Ninh đã đề xuất mở 3 cụm điểm cầu tại Cẩm Phả, Hạ Long, Đông Triều - Uông Bí cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của ngành tại các khu vực trên có điều kiện tham dự, giảm bớt thời gian đi lại về cụm trung tâm. Một số đảng ủy trực thuộc Đảng bộ Than Quảng Ninh với tính chất đặc thù là các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, vận tải nên gặp khó khăn khi tổ chức cho cán bộ, công nhân, nhân viên, người lao động tham gia các hội nghị học tập trực tiếp, đã sắp xếp thời gian linh hoạt và tuyên truyền thông qua hình thức học tập trực tuyến, qua các phần mềm trên các mạng xã hội, phát huy hiệu quả tích cực, nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận cao, cách làm vừa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đơn vị vừa đảm bảo cung cấp kịp thời các thông tin tuyên truyền chính thống đến cán bộ, đảng viên, người lao động thuộc khối doanh nghiệp.
Trong công tác giáo dục chính trị, cấp ủy các địa phương, đơn vị tiếp tục chỉ đạo đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng truyền thụ đầy đủ những nội dung cơ bản, cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo, tăng cường liên hệ thực tiễn theo hướng phù hợp với từng đối tượng; phát huy tính tự giác, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ. Chú trọng đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy các chuyên đề thông qua cơ chế mời báo cáo viên là các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, địa phương tham gia giảng dạy (Quyết định số 2039-QĐ/TU, ngày 10/3/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phân công thực hiện các chuyên đề, báo cáo tại các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh mở tại Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ).
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý chặt chẽ học viên bằng hệ thống camera giám sát; tăng cường trao đổi, thảo luận, cập nhật kiến thức mới, thông tin thời sự… trong các bài giảng, đồng thời tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế, gắn lý luận với thực tiễn, qua đó đã khắc phục cơ bản bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.
Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong học tập chính trị, cấp ủy các đảng bộ điểm danh sĩ số đầu giờ, cuối giờ hội nghị và lấy phiếu điểm danh trực tiếp tại điểm cầu trung tâm hội nghị của tỉnh; đồng thời, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nghiên cứu nghị quyết để viết bài thu hoạch, cam kết cá nhân gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao; giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy theo dõi, nắm bắt, đôn đốc, báo cáo kết quả việc triển khai học tập nghị quyết của đảng bộ tỉnh. Hiện nay, Thường trực Tỉnh uỷ đã giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ hướng dẫn cấp uỷ các địa phương, đơn vị triển khai việc học tập lý luận chính trị, thi trực tuyến để tìm hiểu về các chỉ thị, nghị quyết của Đảng với nhiều phần thi phong phú, tạo hình thức mới, phương pháp tiếp cận mới để thu hút sự quan tâm, nhiệt tình ủng hộ của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người lao động ở các cấp đối với công tác nghiên cứu, học tập lý luận chính trị nói chung, học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng nói riêng.
Nhìn chung, trong những năm qua, việc học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng được các cấp uỷ đảng từ tỉnh đến cơ sở luôn được thường trực cấp ủy quan tâm chỉ đạo sâu sát; 100% các cấp ủy cơ sở đã bám sát chỉ đạo, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu và tình hình cụ thể để tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm. Cán bộ, đảng viên tích cực, chủ động học tập, nghiên cứu đầy đủ các nội dung cơ bản của các nghị quyết, kết luận; thực hiện viết thu hoạch theo đúng yêu cầu, hướng dẫn của cấp trên.
Qua điều tra, khảo sát dư luận xã hội, tỷ lệ người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh luôn đạt mức cao: năm 2020 đạt 95,6%, năm 2021, 94,5%, năm 2022 đạt 93,4%, năm 2023 đạt 95,6% đã góp phần khẳng định sự đổi mới trong công tác giáo dục chính trị, học tập nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đem lại hiệu quả cụ thể, thiết thực trong công tác xây dựng Đảng.
|
Điểm đặc biệt trong tổ chức học tập nghị quyết, chỉ thị của Đảng ở Quảng Ninh tiếp tục được thực hiện: Phân công cụ thể nhiệm vụ các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng tại các đảng bộ, địa phương được phân công phụ trách. Bí thư cấp ủy địa phương, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chủ trì và chịu trách nhiệm về chất lượng nghiên cứu, quán triệt học tập, tuyên truyền và triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan đơn vị phải có trách nhiệm trực tiếp phổ biến, quán triệt nghị quyết, đồng thời phải báo cáo về cấp ủy cấp trên theo quy định. Việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, rõ người, rõ việc gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với việc học tập nghị quyết có sự chuyển biến rõ rệt; tỷ lệ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ đảng viên đang công tác của đảng bộ tỉnh tham gia học tập các nghị quyết, dự các đợt sinh hoạt chính trị luôn đạt từ 95% trở lên. Việc viết và nộp bài thu hoạch sau học tập nghị quyết của cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ, lãnh đạo quản lý, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đi vào nền nếp, là tiêu chí để đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên hằng năm.
Đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng là yêu cầu bức thiết của thực tiễn; chỉ có đổi mới, mới làm cho chỉ thị, nghị quyết của Đảng được lan tỏa rộng, bám rễ sâu và phát huy tác dụng tích cực trong thực tiễn. Qua đó, góp phần tạo sự thống nhất về tư tưởng trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, tăng thêm chất lượng, hiệu quả thực sự của công tác chính trị tư tưởng trong tình hình hiện nay, góp phần đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, cùng chung tay xây dựng và bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc.
Hoàng Đại Dương
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh