(TCTG)-Ngày 21 - 3 – 2012, nhân kỷ niệm Ngày nước thế giới (22-3-2012), Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Nước và an ninh lương thực”. Ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và ông Nguyễn Liên Khoa, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội thảo; tham dự hội thảo còn có lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và lãnh đạo các Sở, ban ngành tỉnh Hậu Giang.
Nước là nguồn gốc của mọi sự sống, là tài nguyên thiên nhiên rất cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của loài người và là nền tảng cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Ngày nay, an ninh về nước trở thành vấn đề quan trọng đối với nhiều quốc gia, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan. Chiến lược phát triển tài nguyên nước cũng như các giải pháp ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu của một quốc gia, một vùng hay một lưu vực sông cần được xây dựng trên cơ sở các thông tin về tài nguyên nước.
Các đại biểu đã tham gia nhiều tham luận như: Hiện trạng và thách thức trong quản lý tài nguyên nước ở Hậu Giang, của Hoàng Quốc Cường,Phó Giám đốc Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang; Tài nguyên nước mặt Việt nam và vấn đề đảm bảo an ninh về nước quốc gia, của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường; Nước, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu: các thử thách cho phát triển bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long của Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu trường đại học Cần Thơ; Bảo vệ nước dưới đất, của chuyên gia Pierre Thierry, dự án bảo vệ nước đát của Pháp; Nước ảo và dấu chân nước ảo, của Trần Minh Phượng, Cục quản lý Tài nguyên nước; Vai trò của dịch vụ hệ sinh thái nông nghiệp trong việc đảm bảo nước và an ninh lương thực tại đồng Tháp, của Vũ Thị Nhung, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp và Bảo tồn và khôi phục các hệ sinh thái ngập nước tự nhiên-giải pháp duy trì an ninh lương thực ở Đồng bằng sông Cửu Long, của Tiến sĩ Phạm Trọng Thịnh, phân viện điều tra quy hoạch rừng.
Theo báo cáo của ông Hoàng Quốc Cường, Phó giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang, cho biết, Hậu Giang có tổng diện tích tự nhiên 160.772,49 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 140.457 ha, diện tích đất trồng lúa là 82.547 ha. Tỉnh có 7 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố tỉnh lỵ, 1 thị xã và 5 huyện; dân số của tỉnh khoảng 768.761 người. Tỉnh Hậu Giang nằm ở khu vực trung tâm của vùng đồng bằng Sông Cửu Long, là vùng trung tâm của hệ thống sông Hậu (chịu ảnh hưởng triều biển Đông) và hệ thống sông Cái Lớn (chịu ảnh hưởng triều biển Tây), kinh tế chủ yếu của tỉnh là nông nghiệp.
Hậu Giang có địa hình tương đối bằng phẳng, dạng lòng chảo vùng ven sông rạch. Địa hình ven sông khá thuận lợi cho việc lợi dụng thuỷ triều tưới tiêu tự chảy vào các tháng mùa khô, phù hợp cho việc triển khai sản xuất nông - lâm nghiệp và thuỷ sản. Đối với vùng xa các sông rạch, việc tưới tiêu có khó khăn hơn. Tuy nhiên, hệ thống sông rạch của tỉnh chằng chịt với mật độ trung bình 1,5 đến 2km/km2, là điều kiện rất thuận lợi cho sản xuất lương thực và cây ăn trái.
Về nguồn nước mặt: Mạng thuỷ văn đáng chú ý là nguồn nước từ sông Hậu, sông Cái Lớn và một số hệ thống kênh đào như: kênh Phụng Hiệp, kênh Xà No, kênh Nàng Mau… bề rộng từ 40 – 50m, sâu từ 2 – 4m. Hệ thống sông rạch trong vùng nối liền với các kênh rạch lớn chảy ra sông Hậu tạo nên một mạng lưới lưu thông nước mặt trên toàn vùng và đổ ra vịnh Rạch Giá. Nguồn nước này chủ yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, và nuôi trồng thuỷ sản. Những năm qua do phát triển công nghiệp, các khu - cụm công nghiệp được hình thành, đô thị phát triển kéo theo những hệ luỵ về chất lượng nguồn nước mặt ngày càng suy giảm, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và đặc biệt là nước sinh hoạt của người dân nông thôn. Nguồn nước mặt hiện nay phục vụ chủ yếu cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản và công nghiệp. Theo số liệu quan trắc môi trường hằng năm cho thấy, chất lượng nước tỉnh Hậu Giang ở các sông, kênh rạch nội đồng đang có dấu hiệu ô nhiễm chất hữu cơ, chất rắn lơ lửng và vi sinh vật, đặc biệt tại các khu vực tập trung sản xuất công nghiệp, khu đô thị. Nguyên nhân là do: chất ô nhiễm từ các hoạt động của dân cư ở các khu vực sống dọc theo sông, các cơ sở, nhà máy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động thải nước thải chưa xử lý hoặc xử lý chưa triệt để thải vào nguồn nước mặt cũng là một nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước mặt.
Nguồn nước dưới đất: Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, nước dưới đất có ở 6 tầng chứa nước. Hiện nay, việc khai thác và sử dụng chủ yếu tập trung ở tầng Pleistocen, độ sâu từ 80m đến 150m với trữ lượng từ trung bình đến giầu và chất lượng tốt, đôi chỗ gặp nước mặn, nước lợ hoặc phèn. Nguồn nước này chủ yếu khai thác sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp.Trong những năm gần đây, các công trình khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh tăng lên nhanh chóng, trữ lượng khai thác trung bình khoảng 80.000m3/ngày, kết hợp ảnh hưởng bởi khai thác sử dụng nước dưới đất của các vùng lân cận làm mực nước hạ thấp đáng kể. Theo kết quả quan trắc động thái nước dưới đất của tỉnh, có khu vực mực nước hạ thấp xấp xỉ 3m so với 10 năm về trước.
Tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước:Về giếng khai thác hộ gia đình có trên 40.000 giếng, trong đó có một số thuộc chương trình UNICEF, còn lại phần lớn do nhân dân bỏ tiền ra để thuê khoan; Về công trình khai thác nước dưới đất của các tổ chức, cá nhân có khoảng 270 công trình, công suất từ 20 đến 3.000m3/ngày đêm; Về công trình khai thác nước mặt của các tổ chức, cá nhân có khoảng 125 công trình, công suất từ 100 đến 50.000m3/ngày đêm. Năm 2004, 2005 tỉnh Hậu Giang đã đầu tư thực hiện dự án Nhổ, trám lấp và sửa chữa giếng nước ngầm bị hư hỏng trên địa bàn tỉnh. Dự án đã thực hiện nhổ, trám lấp 362 giếng nước ngầm hư hỏng không còn sử dụng; sửa chữa 211 giếng nước cho các hộ nghèo và hộ chính sách với tổng kinh phí gần 900 triệu đồng. Hiện tại, tỉnh đang thực hiện dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:50.000; xây dựng mô hình dòng chảy nước dưới đất và lập quy hoạch phân bổ tài nguyên nước dưới đất đến năm 2020.
Hậu Giang là vùng trũng của Đồng bằng sông Cửu Long, cao độ địa hình thấp, trung bình chỉ từ 0,5 đến 0,7m. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang là vấn đề nghiêm trọng trước mắt, nguy cơ làm gia tăng sự xâm nhập mặn, thu hẹp diện tích đất canh tác nông nghiệp. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cùng với nước biển dâng sẽ làm cho việc cung cấp nước ngọt trở nên khó khăn. Nước mặt và nước ngầm dễ dàng bị nhiễm mặn khi nước biển dâng. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong những năm qua hiện tượng xâm nhập mặn thường xuyên diễn ra trên địa bàn tỉnh. Đầu năm 2009, nước mặn đã xâm nhập vào nội đồng khoảng 30km với độ mặn lên tới 7‰ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, tác động đến sản xuất nông nghiệp, kinh doanh của gần 57.000 hộ và khoảng 10.000ha đất canh tác nông nghiệp bị ảnh hưởng. Do nhu cầu gia tăng sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống; sự gia tăng dân số, phát triển công nghiệp, đô thị hoá, nhu cầu sản xuất lương thực và thực phẩm nên nhu cầu khai thác tài nguyên nước tăng mạnh nhưng chưa có biện pháp khai thác, sử dụng hợp lý. Bên cạnh đó, chất lượng nước mặt ở các kênh rạch đang có dấu hiệu ô nhiễm do chất thải công nghiệp, chất thải từ sinh hoạt, dư lượng hoá dược nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản chưa được xử lý triệt để. Nguồn nước dưới đất cũng bị tụt giảm, nhiều nơi có dấu hiệu bị nhiễm mặn. Tất cả những yếu tố trên sẽ dẫn đến gia tăng nguy cơ suy thoái nguồn nước. Đây sẽ là một thách thức lớn cho an ninh về nguồn nước ở Hậu Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung. Do đó, khan hiếm và thiếu nước là mối đe doạ rất nghiêm trọng đối với sự tồn tại của con người trong tương lai, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và sản xuất của con người. Đồng bằng Sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước, giữ vai trò và vị trí quan trọng đối với an ninh lương thực quốc gia. Nước là nhân tố quan trọng nhất trong sản xuất lương thực. An ninh lương thực – An ninh nguồn nước là những vấn đề cần được quan tâm trước mắt, do vậy cần có những chính sách phù hợp và tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước.
Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Việc đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh gia tăng dân số, đô thị hóa và phát triển KTXH của quốc gia đã và đang đặt ra những thách thức to lớn đối với công tác quản lý tài nguyên nước. Các thách thức này không thuần túy là vấn đề thiếu nước, khan hiếm nước hay ô nhiễm nguồn nước mà cần được nhìn nhận từ nhiều góc độ - nhận thức, năng lực, công nghệ, hạ tầng, quản lý, thể chế và chính sách... An ninh lương thực sẽ không thể được đảm bảo nếu không có những giải pháp hữu hiệu để quản lý nguồn nước và hệ sinh thái liên quan một cách hiệu quả, bền vững.
Bài và ảnh Uy Tín