Với những cố gắng nỗ lực của bản thân cùng sự ủng hộ của lãnh đạo Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam và các đồng nghiệp, PGS, TS Vũ Thị Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc, hóa dầu đã vinh dự được nhận Giải thưởng Kovalevskaia dành cho những nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học tại Việt Nam năm 2011.
Sinh ra và lớn lên tại quê hương Thái Bình, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 1992, Vũ Thị Thu Hà đã chọn Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam làm nơi gắn bó trong suốt 19 năm công tác nghiên cứu khoa học. Hiện chị là cán bộ khoa học đầu tiên và người duy nhất của Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam đã đi sâu vào nghiên cứu các công nghệ xúc tác dị thể ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường.
Trong công tác nghiên cứu khoa học, chị đã nghiên cứu ra nhiều qui trình công nghệ như qui trình sản xuất nhiên liệu sinh học, dung môi sinh học, sorbitol, vật liệu xúc tác dị thể cấu trúc nano, tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường, phục vụ phát triển bền vững. Quy trình công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học và quy trình công nghệ sản xuất sorbitol mang lại hiệu quả kinh tế, kỹ thuật cao, được đưa vào ứng dụng thực tế, thể hiện qua Dự án Xây dựng Nhà máy sản xuất biodiesel công suất 30.000 tấn/năm và Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất sorbitol từ tinh bột sắn công suất 20.000 tấn/năm. Cả hai quyi trình công nghệ đều đã được đăng ký bảo hộ độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Bên cạnh đó, quy trình công nghệ sản suất dung môi sinh học thay thế dần các dung môi dầu mỏ độc hại, ô nhiễm môi trường, mang tính sáng tạo cao, độc đáo đã được Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia – CNRS, Cộng hòa Pháp đánh giá rất cao và được đăng ký độc quyền sáng chế tại Pháp năm 2011. Đồng thời, công trình còn được giới thiệu với các hãng công nghiệp của Pháp cùng với 69 sáng chế khác trong ngành Hóa học của Pháp năm 2010. Sau nhiều vòng thảo luận, các hãng công nghiệp dành sự quan tâm đến 5 bằng sáng chế và muốn đầu tư kinh phí để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện công nghệ trước khi đưa vào triển khai áp dụng trên thực tế trong đó có sáng chế của chị. Hiện nay, sáng chế đã được đăng ký độc quyền quốc tế và đã được công bố trên toàn thế giới (2011) WO2011 107712 A1. Các kết quả này không những cho thấy tính mới, tính sáng tạo, độc đáo và khả năng áp dụng thực tiễn của đề tài mà còn là một minh chứng về khả năng hợp tác quốc tế hiệu quả trong nghiên cứu khoa học và triển khai mà trong đó nguồn nội lực chất xám Việt Nam là động lực chủ yếu.
Quy trình công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học biodiesel còn được Bộ Khoa học Công nghệ chọn trưng bày và giới thiệu như thành tựu Khoa học Công nghệ Việt Nam tại Triển lãm thành tựu Kinh tế - Xã hội Việt Nam và Thăng Long – Hà Nội 2010 (từ 1 đến 6-10-2010, nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội).
|
PGS.TS. Vũ Thị Thu Hà (Ảnh: Nguyễn Á). |
Chị đã công bố 72 bài báo khoa học trong đó có 12 bài được đăng ở tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín, 60 bài đăng trong các tạp chí chuyên ngành trong nước. Đây là nguồn tài liệu tham khảo rất có giá trị cho các Nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên cũng như cán bộ khoa học, được các Hội đồng khoa học và đồng nghiệp đánh giá cao.
PGS, TS. Vũ Thị Thu Hà luôn động viên cán bộ khoa học trẻ phấn đấu vươn lên, tạo điều kiện cho họ đi học nâng cao trình độ. Đến nay, Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia về công nghệ lọc và hóa dầu đã có 3 nghiên cứu sinh đang làm luận án tiến sĩ tại Pháp, Đức và 5 nghiên cứu sinh tại Việt Nam.
Khi được hỏi điều gì giúp chị thành công trong lĩnh vực khoa học, chị bộc bạch: “Đam mê là một trong những điều kiện tiên quyết dẫn đến thành công. Nếu biết sắp xếp một cách khoa học quỹ thời gian và tìm được khoảng cân bằng giữa gia đình và công việc thì con đường từ niềm say mê đến thành công có thể là hiện thực. Thành công có được như hôm nay, tôi cũng như nhiều nhà nữ khoa học khác may mắn có một "hậu phương" gia đình vững chắc”.
Nguồn: QĐND