Thứ Năm, 21/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Hai, 12/12/2022 9:47'(GMT+7)

Hậu Giang nâng cao chất lượng công tác biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang

NÂNG CAO NHẬN THỨC CỦA CẤP ỦY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

Qua triển khai, quán triệt Chỉ thị số 20-CT/TW, nhận thức của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của địa phương, đơn vị được nâng cao, xem đây là nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy. Từ đó, xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong việc nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương, đơn vị.

Việc quán triệt, triển khai thực hiện được tiến hành chủ động, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, phù hợp với từng địa phương, cơ quan, đơn vị, nhằm làm rõ các chặng đường lịch sử và hoạt động đấu tranh của đảng bộ, dân và quân trong tỉnh qua các thời kỳ. Công tác sưu tầm, biên soạn các ấn phẩm lịch sử được tiến hành bài bản, đúng quy trình, đảm bảo về chất lượng. Các cấp ủy đã chú trọng việc mời các cộng tác viên có trình độ chuyên môn, am hiểu sâu trong lĩnh vực lịch sử tham gia biên soạn; trong quá trình triển khai biên soạn đã thực hiện tốt quy trình sưu tầm, xác minh tư liệu, bản thảo được tổ chức hội thảo nhiều lần. Nhiều ấn phẩm có nội dung phong phú, phản ánh trung thực, khách quan, hình thức đẹp đã được cán bộ, đảng viên, nhân dân đón đọc và được tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân. Qua đó, góp phần bồi đắp lý tưởng cách mạng, nhân cách sống và ý chí vươn lên, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU, BIÊN SOẠN LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ ĐỊA PHƯƠNG, LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG NGÀNH

Kế thừa những kết quả qua thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá IX “Về tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn các địa phương, đơn vị hằng năm đăng ký các công trình biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống trình Tỉnh ủy xem xét, cho chủ trương và chỉ đạo bố trí kinh phí để các địa phương chủ động biên soạn và quyết toán theo Luật Ngân sách.

Các em học sinh trường THCS Nguyễn Trãi, Hậu Giang tham gia thi trắc nghiệm lịch sử Đảng bộ địa phương giờ học ngoại khóa

Các em học sinh trường THCS Nguyễn Trãi, Hậu Giang tham gia thi trắc nghiệm lịch sử Đảng bộ địa phương giờ học ngoại khóa

Để nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử, Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống, các địa phương, đơn vị khẩn trương sưu tầm tài liệu, mời các nhân chứng có nhiều kinh nghiệm tham gia đảm bảo công tác biên soạn một cách chính xác các sự kiện lịch sử; tổ chức hội thảo để đóng góp, chỉnh sửa, phản ánh chính xác sự kiện lịch sử. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cũng rất chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập tư liệu (thành văn và lời kể của nhân chứng sống), xử lý hình ảnh để việc biên soạn đảm bảo chất lượng, các ấn phẩm khi xuất bản đạt yêu cầu theo quy định.

Nhằm đảm bảo chất lượng công trình lịch sử khi được xuất bản, Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, thẩm định các công trình lịch sử trước khi các địa phương, đơn vị in ấn, xuất bản; đồng thời, hỗ trợ các các địa phương, đơn vị kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình biên soạn.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, Tỉnh ủy chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh luôn ý thức sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng; tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương thực hiện việc biên soạn lịch sử truyền thống theo từng giai đoạn; đồng thời, kiện toàn ban chỉ đạo, ban biên tập, tổ thư ký nhằm đảm bảo đúng quy trình trong công tác biên soạn. Thường xuyên quan tâm kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ biên soạn lịch sử đảng bộ. Từ đó, chất lượng nghiên cứu các công trình lịch sử Đảng bộ các cấp sau khi xuất bản đều được đánh giá tốt, đảm bảo chất lượng, đáp ứng về nội dung và hình thức, là tư liệu quý để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng cho thế hệ hôm nay và cả mai sau, nhất là thế hệ trẻ.

Kết quả từ năm 2018 đến năm 2022, toàn tỉnh đã biên soạn được 23 công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống ngành.

CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC

Để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ mình, Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng tổ chức xây dựng kế hoạch tuyên truyền, triển khai cho đảng viên trong các buổi sinh hoạt lệ chi bộ. Giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình để có chỉ đạo uốn nắn kịp thời.

Các cấp ủy đảng thường xuyên tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền lịch sử Đảng trong cán bộ, đảng viên toàn tỉnh. Ban Tuyên giáo các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cấp ủy xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị, ngành, đoàn thể tổ chức triển khai tuyên truyền trong cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân thông qua các hình thức: hội nghị triển khai tuyên truyền lịch sử Đảng, trên hệ thống đài truyền thanh từ huyện đến xã, các lớp tập huấn, các buổi sinh hoạt câu lạc bộ của các đoàn thể, các buổi sinh hoạt dưới cờ hay hoạt động ngoại khóa của sinh viên, học sinh… Ngoài ra, hằng năm, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đều tổ chức Hội thi viết tìm hiểu hoặc thi báo cáo viên giỏi tuyên truyền lịch sử Đảng bộ địa phương lồng ghép với tìm hiểu về chủ quyền Biển, Đảo Việt Nam, tìm hiểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Hội thi “tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ huyện, giai đoạn 1975-2015, tìm hiểu Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và tìm hiểu chủ quyền biển, đảo Việt Nam” năm 2022.

Hội thi “tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ huyện, giai đoạn 1975-2015, tìm hiểu Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và tìm hiểu chủ quyền biển, đảo Việt Nam” năm 2022.


Các cấp ủy đảng đã chỉ đạo ngành tuyên giáo phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh các loại hình truyền thông công nghệ mới, sử dụng hiệu quả internet và mạng xã hội trong thời đại cuộc cách mạng 4.0 để tổ chức diễn đàn, hội thảo, các hội thi, cuộc thi trắc nghiệm, thi tự luận; đăng tải, chia sẻ những bài viết, sự kiện lịch sử của đất nước, địa phương để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng. Qua đó, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ hơn về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong từng thời kỳ lịch sử, từ đó có cách nhìn khách quan, thấu đáo. Đồng thời, chủ động, tích cực phòng ngừa, đấu tranh phê phán, phản bác các thông tin sai lệch, các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc Đảng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Đoàn thanh niên biên soạn và tích hợp nội dung lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ trong chương trình giảng dạy bộ môn lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương, giáo dục công dân trong hệ thống giáo dục phổ thông toàn tỉnh, đoàn viên thanh niên thông các buổi sinh hoạt dưới cờ, các tiết ngoại khóa, tham quan tìm hiểu các di tích lịch sử, gặp gỡ nhân chứng để nghe kể chuyện lịch sử… Thực hiện Quy định số 208-QĐ/TW ngày 08/11/2019 của Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện, Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn các trung tâm chính trị căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, có kế hoạch xây dựng chương trình lồng ghép tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ phù hợp với tình hình thực tế địa phương để đưa vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại đơn vị mình.

Thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, di tích lịch sử văn hoá để phục vụ cho các hoạt động tham quan, giáo dục truyền thống cách mạng. Hằng năm, các khu di tích trên địa bàn tỉnh đón hàng ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, đồng thời đây cũng là nơi tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống cách mạng của các tổ chức đoàn thể, của các em học sinh, sinh viên…

QUAN TÂM ĐẦU TƯ CƠ SỞ VẬT CHẤT CHO CÔNG TÁC LỊCH SỬ ĐẢNG

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, hằng năm Tỉnh ủy chỉ đạo Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh sắp xếp, bố trí, cân đối nguồn kinh phí để phục vụ cho công tác biên soạn, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng cũng như công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh.

Công tác sắp xếp lưu trữ, bảo quản tư liệu lịch sử Đảng luôn được các cấp ủy quan tâm, thực hiện đúng theo quy định, nhằm phục vụ công tác tra cứu, nghiên cứu, biên soạn và tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.

TIẾP TỤC TRIỂN KHAI NGHIÊM TÚC CHỈ THỊ SỐ 20

Trong thời gian tới, các cấp ủy đảng tiếp tục triển khai, quán triệt nghiêm túc Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị - tư tưởng của Đảng. Thường trực cấp ủy các cấp, đặc biệt là người đứng đầu cần quan tâm chỉ đạo trực tiếp và sát sao hơn nữa trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng nhằm tạo sự chuyển biến về chất đối với công tác này.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa công tác sưu tầm, khai thác tư liệu và công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng; giữa biên soạn, xuất bản và tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, bảo đảm tính khách quan, tính Đảng và tính khoa học.

Rà soát lại các công trình lịch sử Đảng bộ tỉnh, nhất là giai đoạn từ khi tiến hành thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, đề xuất Thường trực, Ban Thường vụ biên soạn các công trình lịch sử khoa học, khách quan, khắc phục những “khoảng trống” trong lịch sử Đảng bộ. Ban Tuyên giáo các cấp tập trung nghiên cứu, biên niên sự kiện lịch sử đảng bộ địa phương, đơn vị để phục vụ cho việc nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử của đảng bộ, đơn vị mình trong thời gian tới.

Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch Số hoá tư liệu lịch sử Đảng bộ Sưu tầm tư liệu qua phỏng vấn các nhân chứng lịch sử, nhất là các đồng chí Thường trực, Thường vụ Tỉnh ủy qua các thời kỳ trình Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt, triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất.

Xây dựng bộ phim tài liệu và biên soạn, xuất bản quyển Địa chí Hậu Giang nhân kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh (2004 - 2024), 50 năm chiến thắng 75 lượt Tiểu đoàn địch (1973 - 2023), 50 năm giải phóng tỉnh Hậu Giang, nhằm giới thiệu về lịch sử hình thành vùng đất, quá trình đấu tranh cách mạng và 20 năm xây dựng, phát triển tỉnh Hậu Giang.

Tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng địa phương cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên và nhân dân; thực hiện tốt việc đưa lịch sử Đảng bộ địa phương vào giảng dạy trong chương trình trung cấp và hệ thống giáo dục phổ thông nhằm phát huy giá trị, tác dụng của các công trình lịch sử Đảng; nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy môn Lịch sử Đảng trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, kết hợp đấu tranh chống quan điểm sai trái, xuyên tạc, bảo vệ nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối và lịch sử của Đảng./.

Lê Công Lý

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất