Thứ Hai, 7/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 30/11/2010 21:31'(GMT+7)

Hầu hết các địa phương có chương trình bình ổn giá

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, Bộ đã yêu cầu các Sở Công Thương, Tập đoàn, Tổng Công ty rà soát lại cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phân bón, thép xây dựng  và các hàng hóa phục vụ Tết, không để tình trạng thiếu hàng, sốt gíá từ nay đến hết năm 2010 và quý I/2011, trong đó đặc biệt chú trọng Tết Nguyên đán Tân Mão.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định nguồn cung hàng hóa được bảo đảm đầy đủ. Hầu hết các địa phương đã có chương trình bình ổn  giá phù hợp với địa phương mình.

Đáng chú ý TP Hồ Chí Minh đã cấp 380,6 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chương trình, TP Hà Nội cũng có phương án bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu với tổng số tiền 500 tỷ đồng.

Không có chuyện thiếu đường

Trước thông tin có khả năng thiếu đường, Phó Cục trưởng Cục chế biến thương mại Nông lâm, Thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Thị Miêng khẳng định sẽ không có chuyện thiếu hay sốt giá đường cũng như thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán.

Lượng đường hiện có trong các kho của doanh nghiệp đang ở mức 35-36.000 tấn, cao hơn mức dự trữ cùng kỳ.

Trong khi đó, hạn ngạch nhập khẩu 9.000 tấn đường do  Bộ Công Thương cấp cho các doanh nghiệp đến thời điểm này sắp về đến Việt Nam.

Cùng với lượng đường nhập khẩu, lượng đường sản xuất trong nước của tháng 12 dự kiến trên 100.000 tấn, hoàn toàn đáp ứng  nhu cầu  của thị trường.

Liên quan đến hàng thực phẩm, theo Phó Cục trưởng Trần Thị Miêng, lượng thịt sản xuất ước tăng 5-5,5% so với năm 2009.

Bên cạnh sản xuất trong nước, các doanh nghiệp cũng nhập một lượng thịt ở mức  5 - 6% tổng nhu cầu của thị trường. Bà Trần Thị Miêng cho rằng, hoàn toàn không phải lo thiếu thực phẩm cũng như rau xanh.

Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường Võ Văn Quyền cho biết, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm bình ổn giá trong đó tập trung kiểm tra việc đẩy giá hàng lên cao bất hợp lý, kiểm tra chặt chẽ các kênh phân phối, lưu thông của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, bán lẻ hàng hóa, các biểu hiện hành vi đầu cơ dự trữ hàng hóa quá mức, kinh doanh không đúng ngành nghề cũng như việc chấp hành pháp lệnh giá…

Cũng theo ông Quyền, bên cạnh phối hợp với cơ quan thuế, tài chính, công an, lực lượng quản lý thị trường sẽ giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp được địa phương chỉ định hưởng hỗ trợ lãi suất vốn vay trong công tác thực hiện bình ổn giá, kiểm tra việc sử dụng đúng mục đích vốn vay, các quy định về đăng ký, công bố địa điểm bán hàng bình ổn giá./.

(Theo: chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất