Chủ Nhật, 24/11/2024
Thể thao
Thứ Sáu, 19/6/2009 15:22'(GMT+7)

Hậu trường bóng đá Việt Nam: Nóng bỏng trào lưu nhập tịch

Tiền đạo Kesley

Tiền đạo Kesley

Khi tình yêu chắp cánh

Trong Luật Quốc tịch VN, một trong những điều kiện để được miễn, giảm điều kiện là có chồng, hoặc vợ là người Việt. Thế nhưng, nhiều cầu thủ không cần đến điều kiện này để rút ngắn hay thuận lợi cho việc nhập tịch mà đơn giản, chỉ là xuất phát từ tình yêu.

Kesley - cầu thủ người Brazil chân ướt chân ráo đến VN tìm việc từ năm 2005 và thi đấu rất ấn tượng, trở thành vua phá lưới V.League năm đó. Kesley có gương mặt đẹp, khá điển hình của người châu Âu và cũng ít ai ngờ, ngay ở mảnh đất VN này, anh đã tìm thấy được một nửa của mình: Cô Huỳnh Thị Lệ Lộc. Tình yêu sét đánh và đám cưới cũng nhanh chóng được tổ chức. Điều đáng ngạc nhiên là trước đó, Lệ Lộc hầu như chẳng biết gì về bóng đá, thậm chí cô cũng không biết Kesley là một "sát thủ" ở sân bóng. Về sau này, Kesley mới giảng giải cho Lộc những bài học cơ bản đầu tiên trong bóng đá.

Bây giờ thì họ đã có một cậu con trai mới sinh, còn Kesley Alves cũng không còn, thay vào đó là một Huỳnh Kesley (mang họ vợ) và đã trở thành người VN thực sự bằng việc có quốc tịch VN. Với Huỳnh Kesley, việc nhập tịch không phải để anh tìm kiếm vinh quang ở cấp độ đội tuyển hay V.League, đơn giản như là một tri ân với nơi anh coi là quê hương thứ hai của mình.

Đinh Hoàng Max sinh ra tại đất nước Nigeria nghèo khổ. Khi Kesley đặt chân tới Bình Dương và thành công ngay thì Maxwell cũng đến với Đồng Tháp. Không thành công trong sự nghiệp như Kesley, nhưng Maxwell cũng trở thành một người đàn ông hạnh phúc khi bị sét ái tình... đánh trúng.

Đinh Hoàng Max (Ảnh TTVH)

Khác với Lệ Lộc, Nguyễn Thị Như Mai là một cô gái gốc TP.HCM cá tính mạnh và yêu bóng đá, làm tại một quán bar ở TP.HCM - nơi mà những Tây ba lô tập kết rất nhiều. Một lần đến quán, Maxwell gặp Như Mai và ngay đầu tiên "ông tây đen" Maxwell đã khiến Mai có thiện cảm.

Tuy nhiên, chuyện tình cảm của họ đã gặp không ít trục trặc, bị nhiều người phản đối, cho rằng Mai chỉ ham giàu mà lấy chồng ngoại, nhất là cầu thủ bóng đá. Nhưng cô nghĩ khác, làm vợ một cầu thủ không phải là để sướng. Thậm chí là những cuộc "hành hương" rất vất vả theo chồng tới CLB mới cũng đòi hỏi người phụ nữ phải có nghị lực. Mai làm được điều ấy, họ đã có với nhau một bé gái xinh xắn và trận đấu nào có Maxwell, Mai cũng có mặt.

Chuyện gì đến cũng phải đến, tình yêu và mong muốn định cư lâu dài ở VN đã đưa Maxwell đi đến quyết định: Nhập tịch VN. Bóng đá VN có một cái tên nửa tây, nửa ta Đinh Hoàng Max. Maxwell lấy họ của Vua Đinh Tiên Hoàng của quê hương Ninh Bình.

Và lên tuyển

Cả Kesley và Max khi bước chân tới VN đều không mảy may nghĩ rằng một ngày nào đó mình được khoác áo một ĐTQG. Nhất là Max, ban đầu chỉ là một Tây ba lô chính hiệu, đến VN chỉ để thử vận may. Quyết định gọi lên tuyển khiến họ ngây ngất bất ngờ. Một người thành danh như Kesley còn tuyên bố: "Lên đội tuyển, tôi có ngồi ghế dự bị cũng cảm thấy vui lòng".

Đinh Hoàng Max cũng vậy, trong trận đấu với Olympiakos, khi Max khởi động để bước ra sân, anh như nín thở, bị ngợp trước tấm áo đội tuyển và không khí ở sân Mỹ Đình. Thế nhưng chính Max đã biết vượt qua thời khắc khó khăn ấy để có đường chuyền quyết định cho Quang Hải ghi bàn. "Như chính tôi đã ghi bàn thắng đó" - sau này Max tâm sự.

Lên đội tuyển là một vinh dự, đồng đội của Max ở V.Ninh Bình là Mykola cũng có vinh dự ấy. Mykola - thủ môn gốc Ukraine đã có gia đình, đến VN năm 2004 và đủ điều kiện trở thành công dân Việt Nam. Mykola cũng lấy họ Đinh Hoàng: Đinh Hoàng La, thủ môn thứ hai lên đội tuyển sau Santos. Hoàng La biết rõ giá trị của mình, nhưng khi nhận quyết định lên đội tuyển, anh cũng có những đêm mất ngủ.

Thực sự, cho đến giờ này, ĐTVN đã có một lá chắn thép vững vàng dưới khung thành. Trong trận thắng Kuwait 1-0 ngay ở đất khách, Đinh Hoàng La là một trong số những cầu thủ chơi xuất sắc nhất và khiến ông Calisto hài lòng nhất.

Nhưng không phải ai cũng biết tự hào và giữ gìn vinh dự ấy. Thủ môn Santos là cầu thủ đầu tiên nhập tịch, là cầu thủ ngoại đầu tiên khoác áo đội tuyển nhưng với Santos, đó chỉ là một cơ hội để đi đến chân trời khác. Tên tuổi Santos nổi như cồn ngay ở Brazil sau trận giao hữu với Olympic Brazil năm ngoái. Chàng thủ môn này sau đó đã tính chuyện chuồn về Brazil thi đấu với danh tiếng đã có nhưng thất bại. Nỗi thất vọng ấy đã ám ảnh Santos và không còn khiến cầu thủ này có tham vọng khoác áo ĐTQG nữa.

Ở thời điểm này, Calisto đang rất trông chờ Rogerio - cầu thủ Đà Nẵng mới nhập tích. Rogerio đã chơi cho Đà Nẵng 6 năm, là một cầu thủ được đánh giá cao về tính chuyên nghiệp. Roge trở thành người VN với một lý do đơn giản, anh muốn định cư ở đây, tại mảnh đất Đà Nẵng với vợ và những đứa con của mình.

Những động cơ vụ lợi

Việc nhập tịch cầu thủ đã trở thành một trào lưu. Ban đầu nó xuất phát từ ý định lách luật của những nhà cầm quân tại V.League: Nhập tịch cho một cầu thủ ngoại nghĩa là cầu thủ ấy sẽ ra sân với tư cách cầu thủ nội. Như Ninh Bình hiện nay ra sân với 4 cầu thủ ngoại, trong khi các đội khác chỉ có tối đa là 2.

Sakda và Nirut chính thức trở thành những cầu thủ Việt gốc Thái. (Ảnh: HAGLFC)

Hay HAGL nhập tịch cho Nirut, Sakda cũng với lý do căn bản này. Tới đây, có thể sẽ là những Ronal Martin, Abbey, Isass sẽ trở thành người Việt.

Tuy nhiên, không phải thương vụ nào cũng có động cơ trong sáng. Lãnh đạo đội bóng "gạ" cầu thủ nhập tịch, tức cái giá sẽ được đưa ra là mức lương phải gấp bao nhiêu lần, hoặc một khoản lót tay kha khá cho cầu thủ nhập tịch, nếu không sau khi trở thành người Việt, cầu thủ đó sẽ trở thành cánh chim tìm CLB khác. Như trường hợp Abbey, thậm chí cầu thủ này còn gợi ý cho lãnh đạo Thể Công bằng chuyện nhập tịch cho mình với một khoản thù lao kha khá đút túi. Đề nghị này lúc đầu được chấp nhận, nhưng sau đó thì Abbey đã phải sang HPHN và cũng chưa biết là được nhập tịch không.

Còn một chuyện tế nhị khác. Hiện nay, chuyện người nước ngoài được sở hữu nhà ở VN vẫn đang được bàn thảo, pháp luật chưa cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua nhà ở VN. Và một trong những điều kiện để các ông Tây hăm hở nhập tịch là được sở hữu một căn nhà tại VN, tất nhiên, nhà đó do CLB cấp.

VN đang mở rộng vòng tay với những ai thực sự muốn trở thành người VN, nhưng khi nó đã mang mục đích và màu sắc khác thì cần xem lại. Bởi sẽ có những cầu thủ nhập tịch, nhưng về bản chất thì họ không bao giờ có thể trở thành người VN.

(Theo Tin tuc Online)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất