Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 1/1/2015 20:38'(GMT+7)

Hãy biết bảo vệ sự an toàn của chính mình

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Năm nào cũng vậy, vấn đề này luôn được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm và có những biện pháp tích cực nhằm bảo đảm an toàn giao thông. Những năm gần đây, nhờ sự nỗ lực, tích cực và cố gắng đó, an toàn giao thông đã được bảo đảm hơn, số vụ tai nạn giao thông ngày một giảm.

Năm nay, ngày 19/12, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện hỏa tốc số 2620/CĐ-TTg về việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Mùi và Lễ hội Xuân 2015. Ngay sau đó, các tỉnh, thành phố, cơ quan chức năng đã có các công điện khẩn, công văn, kế hoạch, giải pháp cụ thể bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. UBND các  tỉnh, thành phố đã khẩn trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông về ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông; phát động ra quân đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn giao thông; xây dựng phương án huy động tối đa các phương tiện vận tải hành khách đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn giao thông tại các bến tàu, bến xe, nhà ga, sân bay…

Tuy nhiên, nhân tố góp phần quyết định quan trọng để bảo đảm an toàn giao thông là người tham gia giao thông và người trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông.

Những con số thống kê tai nạn giao thông trong các dịp Tết đã cho thấy điều này. Số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Tỵ dài 9 ngày, toàn quốc xảy ra 373 vụ tai nạn giao thông, làm chết 314 người, bị thương 387 người. Theo nhận định của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 3 ngày: 29, Mồ̀ng 1, Mồng 2 Tết Quý Tỵ, tai nạn giao thông được kiềm chế; nhưng trong 2 ngày mồ̀ng 3 và mồ̀ng 4 Tết, tai nạn giao thông tăng cao chủ yếu do người điều khiển mô tô, xe máy phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai phần đường, uống rượu bia điều khiển xe.

Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo, việc chạy quá tốc độ, chở người, hàng quá quy định, trọng tải vẫn liên tục diễn ra. Riêng trong ngày 30/12/2014, các Đội trực tiếp của Cục Lập biên bản xử lý 115 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 107 trường hợp (đều là vượt quá tốc độ và chở quá quy định).

Thực tế này cho thấy, dù các ngành chức năng ra quân mạnh mẽ, nhưng vi phạm vẫn còn. Để ngăn chặn những vi phạm – nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông này - rất cần đề cao ý thức tự giác của mỗi cá nhân trước khi có sự giám sát, răn đe, xử lý của cơ quan pháp luật.

Người trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông cần ý thức cao việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, không uống rượu bia khi tham gia giao thông, không phóng nhanh, vượt ẩu, để bảo đảm an toàn. Mọi người tham gia giao thông cũng cần nâng cao trách nhiệm của mình trước các hành vi mất an toàn; tham gia nhắc nhở, đấu tranh với chủ phương tiện giao thông phóng nhanh, vượt ẩu, chở hàng, người quá quy định. Không thể thiếu trách nhiệm hay vì lý do cá nhân mà không đấu tranh, hoặc ngầm ủng hộ những hành vi sai trái này. Phát hiện vi phạm an toàn giao thông, cần báo ngay cho các lực lượng chức năng để xử lý, ngăn chặn.

Chỉ khi có sự tham gia ngăn chặn vi phạm an toàn giao thông của cả xã hội, mọi người dân khi tham gia giao thông thì các cơ quan chức năng mới có đủ “tai mắt” để kiểm soát, xử lý cũng như ngăn chặn vi phạm an toàn giao thông. Nhưng trước hết, mỗi người tham gia giao thông, cần phải biết tự bảo vệ sự an toàn của mình, cũng có nghĩa là sẽ bảo vệ được những người xung quanh, để chúng ta có những kỳ nghỉ, ngày lễ, Tết đầm ấm, yên vui./.

Xuân Dũng (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất