Thứ Tư, 6/11/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 21/10/2010 9:37'(GMT+7)

“Hãy cứu con chúng tôi!”

Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Hà Nội kiểm tra đại lý internet tại quận Hà Đông.

Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Hà Nội kiểm tra đại lý internet tại quận Hà Đông.

Nỗi lo của các bậc phụ huynh

Hai đứa con trai sinh đôi đã học lớp 10, chị Phạm Như Linh (phường Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội) vẫn bận như có con mọn. Buổi sáng, hai vợ chồng tất tả chia nhau đưa mỗi đứa đi học một nơi rồi mới đi làm; buổi chiều, định giờ để đón. Giờ giấc học thêm, vui chơi, thể thao của các con, việc chúng giao du với bạn bè, anh chị đều kiểm soát ngặt nghèo. Mấy năm hai đứa đì đẹt học THCS do mải mê game khiến anh chị đến giờ chưa hết ám ảnh.

GO đang là nỗi ám ảnh của nhiều gia đình. Bức xúc, lo lắng về vấn nạn này, cách đây chưa lâu, Hội Cha mẹ học sinh Trường THPT Kim Liên đã gửi đơn kiến nghị đến nhiều nơi với lời khẩn thiết: “Hãy cứu con em chúng tôi, hãy bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước” trước “thảm họa GO”. Dù đã áp dụng mọi biện pháp để hạn chế tối thiểu... “cơ hội” con cái tiếp xúc với thứ “bạch phiến ảo” (xin dùng trong ngoặc kép bởi đây là nhìn nhận đang gây tranh cãi) này song các ông bố, bà mẹ ấy sao có thể yên tâm khi gần trường học của các cháu có quá nhiều quán GO. Họ lo lắng khi trên đường đi học, các cháu có thể bị lôi kéo bởi những âm thanh ồn ào... hấp dẫn, bởi hình ảnh chúng bạn lũ lượt kéo vào, bởi những lời rủ rê của bạn bè...

Nếu đến các quán GO ngay trong giờ học, ai cũng có thể thấy ngay hầu hết ăm ắp học sinh, sinh viên. Theo khảo sát Dịch vụ trò chơi trực tuyến ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Viện Xã hội học (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) công bố ngày 19-10-2010, 42,1% người chơi game (game thủ) nằm trong độ tuổi 16-20, đáng chú ý là có tới 26,3% trong độ tuổi 10-15. Như vậy, ít nhất có xấp xỉ 72% số game thủ đang đi học. Trên thực tế, cá biệt có những trường hợp chơi game, mê game nhỏ tuổi hơn.

Chỉ riêng các con số thuần túy mang tính định lượng nêu trên đã đủ khiến các ông bố, bà mẹ, các nhà quản lý xã hội giật mình. Nhưng có nhiều điều đáng lo ngại hơn. GO mới “du nhập” vào Việt Nam hơn 5 năm nay và giờ được xem như một “vấn đề xã hội” nóng. Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận nhiều ca do quá mê game. Có ca hồi phục được, có ca vĩnh viễn cả cuộc đời sống trong điên loạn, ảo giác... Nhiều vụ án đã xảy ra là hệ lụy của mê GO hoặc GO có liên quan khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, các bậc phụ huynh lo lắng, nhiều cán bộ quản lý bức xúc... Vì thế, nỗi lo của những người như chị Linh, các vị cha mẹ học sinh Trường THPT Kim Liên là chính đáng. Chẳng ai dám chắc con mình có bị GO cuốn vào hay không?

“Siết” các đại lý

Việc quản lý dịch vụ GO đã được các cơ quan chức năng và toàn xã hội hết sức quan tâm thời gian qua. Trên địa bàn Hà Nội, ngày 26-4-2010, UBND thành phố đã ban hành Quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet tại các đại lý. Có nhiều tiêu chí hết sức chặt chẽ như “địa điểm cung cấp dịch vụ cách cổng các trường học (từ mẫu giáo đến THPT) tối thiểu 200m”, đại lý phải có “mặt bằng dành riêng... phù hợp với quy mô hoạt động kinh doanh và trang bị các phương tiện về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh, âm thanh, ánh sáng và các điều kiện khác để bảo vệ an toàn và sức khỏe cho người sử dụng dịch vụ”... Ông Phạm Quốc Bản, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội cho biết: Cơ quan chức năng đã kiểm tra hàng loạt đại lý, trong đó có những “đặc khu” GO như khu vực ngõ 48 phố Tạ Quang Bửu, D 6 phố Giảng Võ... Đến thời điểm này, 485 đại lý internet cách trường học dưới 200m đã bị cho ngừng hoạt động. Đồng thời, 60% đại lý đã ngừng cung cấp dịch vụ trước 23h.

Là một nhà quản lý, ông Bản không khỏi băn khoăn, lo lắng khi đại lý internet đang “bủa vây” thanh, thiếu niên. Hiện tại, cả thành phố có khoảng 2.250 đại lý. 100% người chơi là thanh niên, thiếu niên và hầu hết còn là học sinh. Không như ở nhiều nước, các đại lý internet tại Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung, đều không bảo đảm những điều kiện kinh doanh tối thiểu như phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, không được cài đặt các phần mềm quản lý người chơi - kẽ hở khiến nhiều thanh, thiếu niên tiếp cận với các website có nội dung không lành mạnh. Đã thế, vẫn còn không ít “lô cốt internet” mà cơ quan chức năng chưa thể “đụng đến”. Ông Bản giải thích: Theo quy định, các đại lý phải cách trường tối thiểu 200m, nhưng không ít đại lý có trước do trường học được xây sau. Như vậy, chúng tôi lại phải kiên trì thuyết phục, vận động. Ngoài ra, nhiều đại lý giở các thủ đoạn như tháo biển kinh doanh, sử dụng đường truyền cá nhân, tắt đèn, đóng cửa cho game thủ chơi bên trong, nhất là sau 23h...

Giải pháp kỹ thuật mà Sở Thông tin - Truyền thông phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đường truyền internet như Công ty Điện toán và truyền số liệu, Công ty Viễn thông FPT, Công ty Hạ tầng viễn thông CMC là ngừng đường truyền tới các đại lý sau 23h, mở lại vào 6h sáng hôm sau thì không phải doanh nghiệp nào cũng “nghe”. Vì lợi nhuận. Các đại lý, “lô cốt internet” cũng đặt lợi nhuận lên trên hết.

Một chuyên gia kỹ thuật lượng tính: Chỉ cần mỗi game thủ chơi tối thiểu 20.000 đồng/ngày, mỗi ngày các doanh nghiệp, đại lý trên địa bàn Hà Nội đã thu tới cả chục tỷ đồng.

Lợi nhuận được đặt lên trên hết. Và thế là nảy ra...

“Game nhốt”, “cóc” nhảy khỏi “đĩa”...

Ông P.V.B, chủ một đại lý internet tại ngõ 48, phố Tạ Quang Bửu (phường Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một trong những người đầu tiên nảy ra sáng kiến kinh tế... “game nhốt” để đối phó với quy định của thành phố Hà Nội. Tức là, sau 23h thì nhà ông “nhỏ đèn, im tiếng”. Xe của các game thủ được ông chủ xếp thành dãy trong nhà, cửa được khóa lại, bảo đảm cho các “con nghiện ảo” mặc sức tiếp tục trò chơi.

Cả ngõ 48 dường như áp dụng giải pháp tình thế trên. “Đặc khu internet” này có hàng loạt đại lý rộng thênh thang, bảo đảm cho một lúc vài chục game thủ ngồi chơi. Đây được coi là một trong những “điểm nóng”. Chúng tôi đã thử khảo sát một vài lần ngõ 48 sau 23h. Rất đàng hoàng, điện vẫn sáng, game thủ vẫn ngồi chơi... chủ đại lý vẫn ân cần phục vụ. Còn nếu như mất điện, nhiều người sẽ được chứng kiến cảnh game thủ ào ra khỏi các đại lý như kiến ra khỏi tổ.

Tôi có người quen là chủ một “lô cốt internet”. Ông này ban đầu vốn nom rất phong độ nhưng cứ gầy rạc dần. Lý do dễ hiểu là khách chơi thâu đêm thì tất nhiên ông chủ cũng phải thức đến sáng để mà phục vụ. Như các “con nghiện”, ông lấy từ tối đến đêm là giờ làm việc, lấy ngày là giờ ngủ, nghỉ ngơi... Hỏi về quy định “sau 23, trước 6”, ông bĩu môi:

- Ôi dào...

Khi các bậc phụ huynh buông lỏng vòng tay

GO là một “sát thủ kinh tế” đối với “ngân sách cá nhân” nếu game thủ “nghiện” (66% người được khảo sát cho rằng “tốn tiền”). Nếu chơi GO quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, dẫn đến các bệnh về mắt, thần kinh, thính lực, cơ bắp... Hơn 40% game thủ cũng thừa nhận GO có ảnh hưởng đến sức khỏe nếu “quá đà”. Bản thân 24% người chơi than bị GO làm cho sống mơ hồ, huyễn hoặc trong thế giới ảo...

Bất luận thế nào vẫn phải thừa nhận, GO là một ngành công nghiệp, tuy vừa mới bắt đầu song đã phát triển hết sức nhanh chóng. Sự hưởng ứng rộng rãi, hồ hởi theo kiểu “mọi người, mọi lúc, mọi nơi”, nhất là từ giới trẻ, đã hỗ trợ đắc lực ngành công nghiệp GO. Doanh nghiệp tận dụng thời cơ - đáp ứng người sử dụng và kiếm lợi nhuận. Họ có chiến lược cặn kẽ, tìm hiểu sở thích của người chơi (game thủ), qua đó phát triển các sản phẩm cụ thể cho đàn ông, phụ nữ, nam, nữ thanh niên, có cả những chiêu khuyến mại tinh tế... Game thủ chỉ việc... chơi. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, thị trường GO Việt Nam đang và sẽ phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Về mặt xã hội, nếu “biết chơi”, GO có tác động tốt về tâm lý, tăng cường quan hệ xã hội, phát triển các kỹ năng sử dụng máy tính, khả năng sáng tạo, tư duy lô gíc, giải quyết tình huống... Tất nhiên, kết quả này chỉ có thể có được khi người chơi biết lựa chọn trò chơi (tránh xa trò bạo lực, khiêu dâm...), tự kiểm soát thời gian, cường độ...

Vấn đề là làm thế nào để mọi người, đặc biệt là thanh, thiếu niên tự kiểm soát?

Xin được trích dẫn lời khuyên của một trong những chuyên gia sáng tạo phần mềm GO thành công nhất, người Hà Lan, cho các game thủ: “Điều quan trọng nhất là trước khi ngồi chơi, game thủ hãy tự đặt câu hỏi: Bạn tìm đến game này hay game này tìm đến bạn? Tức là bạn xem game như một phương tiện giải trí hay game đã mê hoặc bạn.

Đây cũng là gợi ý cho các bậc phụ huynh trong trường hợp con cái họ chưa đủ nhận thức để trả lời câu hỏi này. Rõ ràng, vấn đề lớn nhất nằm ở phía các gia đình. Khi các ông bố, bà mẹ thiếu sự quan tâm hoặc không có định hướng đúng đắn đối với con cái - những đối tượng chưa đủ kiến thức, hiểu biết cũng như nghị lực trước các trò GO không lành mạnh, có ảnh hưởng tiêu cực đến nhân cách, hành vi... thì không cơ quan quản lý, không trường lớp nào “giữ” hộ các cháu được cả.

Trong khi đó, ông Phạm Quốc Bản lại đang tìm tòi để đưa dịch vụ internet vào các điểm vui chơi giải trí, nhà văn hóa, siêu thị - một giải pháp quản lý hiệu quả mà một số nước trên thế giới đang thực hiện.

Còn giờ, có vẻ như “cuộc chiến” giữa cơ quan quản lý, các ông bố, bà mẹ với các nhà cung ứng dịch vụ, các đại lý internet vẫn chưa có hồi kết và nỗi lo của những người như chị Phạm Như Linh, của phụ huynh học sinh Trường THPT Kim Liên vẫn còn lơ lửng.

Thế nào là "nghiện" GO? Trong khuôn khổ khảo sát Dịch vụ trò chơi trực tuyến ở Việt Nam của Viện Xã hội học, việc xác định "con nghiện" GO dựa trên một số tiêu chí của Tổ chức Y tế thế giới xác định những biểu hiện nghiện nói chung:

1. Thường xuyên có cảm giác muốn chơi; 2. Chơi triền miên không thể dừng lại; 3. Nếu không chơi hoặc chơi ít hơn bình thường thì bứt rứt, khó chịu; 4. Ngày càng dành nhiều thời gian để chơi; 5. Tìm mọi cách chơi, xao nhãng học hành, sở thích khác; 6. Biết tác hại nhưng vẫn chơi.


Trung Hưng (Theo HNM) 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất