( TCTG ) Ngày 29/11/2006 Luật “Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác” được Quốc Hội khoá XI, kỳ họp thứ 10 thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/7/2007. Trong Điều 5: Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể nguời và hiến xác có nêu nguời từ dủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống.
Thực hiện kế hoạch Dự án “Truyền thông vận động hiến giác mạc ở Việt Nam” do Tổ chức ORBIS Việt Nam hỗ trợ nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh lý giác mạc, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc hiến giác mạc Dự án sẽ góp phần giảm tình trạng mù lòa và tổn hại chức năng thị giác ở Việt Nam thông qua việc nâng cao nhận thức của người dân về bệnh giác mạc và vận động hiến tặng giác mạc.
Ở nước ta hiện nay có khoảng hơn 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc, trong đó có 150.000 người bị mù cả hai mắt, sống trong cảnh mù loà những người này đang mong chờ được ghép giác mạc trong khi lượng giác mạc hiến còn quá ít. Mỗi năm lại có thêm khoảng 15.000 người bị mù do các nguyên nhân như chấn thương mắt, viêm loét giác mạc, loạn dưỡng bẩm sinh, di truyền và những biến chứng sau phẫu thuật mắt. Ghép giác mạc là cách điều trị duy nhất có thể đem lại ánh sáng cho người mù do bệnh lý giác mạc. Ghép giác mạc là thay thế giác mạc bị mờ đục bằng giác mạc còn tốt của người tự nguyện hiến giác mạc giúp bệnh nhân nhìn tốt hơn. Bất cứ ai cũng có thể hiến giác mạc sau khi qua đời không phụ thuộc vào giới tính, mầu da. Những người có thị lực kém và ngay cả những người mắc bệnh nan y như: ung thư hay đái tháo đường vẫn có thể hiến tặng giác mạc. Giác mạc chỉ được thu nhận sau khi người hiến tặng qua đời. Hiến giác mạc phù hợp với truyền thống và đạo lý, tính nhân văn và nhân đạo của dân tộc Việt Nam, mỗi người hiến giác mạc sẽ đem lại ánh sáng cho hai người.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là tổ chức xã hội làm công tác nhân đạo, được thành lập vào ngày 23/11/1946, là thành viên của Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Hội có trên 100.000 tình nguyện viên có một mạng lưới rộng khắp trên cả nước từ trung ương tới các thôn xã của 63 tỉnh/thành phố. Với kinh nghiệm truyền thông vận động hiến máu nhân đạo trong hơn 10 năm qua, Hội Chữ thập đỏ các cấp sẽ tổ chức, chỉ đạo tốt công tác truyền thông vận động hiến giác mạc trong cộng đồng. Hội Chữ thập đỏ Việt nam với vai trò cầu nối giữa người hiến tặng giác mạc với người nhận giác mạc thông qua Ngân hàng mắt. Hiến tặng giác mạc là nghĩa cử cao đẹp mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn rất lớn nhằm đem lại ánh sáng cho người mù.
Nguyễn Thị Vượng