Thứ Bảy, 12/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 26/1/2010 21:21'(GMT+7)

Hãy vì lợi ích cộng đồng!

"Mạng nhện" cáp viễn thông dăng khắp mọi ngõ ngách Thủ đô.

"Mạng nhện" cáp viễn thông dăng khắp mọi ngõ ngách Thủ đô.

 

Mất điện đột ngột do sự cố, những chiếc thòng lọng từ những sợi cáp bị đứt sẵn sàng thít cổ bất cứ ai, hình ảnh những đô thị với hàng đống “rác trời” nham nhở… đó là những hệ lụy mà chúng ta tiếp tục phải đối mặt chừng nào những cây cột điện vẫn còn phải “cõng” những mớ dây viễn thông nhằng nhịt.

Hệ lụy từ hệ thống “mạng nhện”

Thời gian qua, báo chí liên tiếp thông tin về việc các sợi dây cáp viễn thông đứt, tạo ra những dây thòng lọng “bẫy” người đi đường, rồi việc những cây cột điện, do phải gồng mình chịu mức tải trọng gấp hàng chục lần đã phải đổ gục xuống đường với hàng búi cáp viễn thông to tướng, nhằng nhịt gây tắc nghẽn giao thông… Đặc biệt, đã có không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra mà thủ phạm chính là những dây cáp viễn thông.

Trưa ngày 20/6/2006, anh Nguyễn Quang Minh (25 tuổi), trong lúc đi xe máy trên đường Đê La Thành, khi ngang qua số nhà 306 đã bị một sợi dây đứt rơi xuống đường thít chặt vào cổ khiến anh ngã xuống đất rồi tử vong. Ngày 24/8/2009, tại phố Trương Định (Hoàng Mai, HN), hai em Nguyễn Văn Ánh và Nguyễn Văn Tiệp (trú tại số 31, ngách 34/232 Vĩnh Tuy) trong khi đi làm về bằng xe máy, do trời tối đã bị một sợi dây cáp võng xuống, chăng ngang đường hất văng cả 2 rơi xuống đất. Hậu quả là em Ánh bị thương nặng, phải cấp cứu trong bệnh viện…

Mới đây nhất, là sự cố đổ cột điện liên hoàn trên đường Âu Cơ - Nghi Tàm (Hà Nội), cả đống dây cáp điện bị đứt  nằm phơi nắng, phơi mưa nhiều ngày ngoài đường gây cản trở giao thông…

Không chỉ là thủ phạm gây nên các vụ tai nạn, ùn tắc giao thông mà nó còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự vận hành an toàn của hệ thống điện, chập cháy điện, cháy máy biến áp làm gián đoạn cung cấp điện gây thiệt hại lớn về kinh tế cho Tập đoàn Điện lực và người dân.

Một hệ luỵ nữa cũng phải kể đến đó là hệ thống “mạng nhện” giăng khắp mọi ngõ ngách các đô thị gây mất mỹ quan, cản trở tầm nhìn - điều không thể chấp nhận được đối với một đô thị văn minh, hiện đại.

Cần một cơ quan đứng ra làm “trọng tài”!

Theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Hiện cả nước có khoảng 1,2 triệu cột điện, với 40.000 km chiều dài, riêng Hà Nội có khoảng 100.000 cây cột điện. Trong mớ bòng bong chằng chịt trên các cây cột điện, dây điện của EVN chỉ chiếm 10%, còn lại 90% là cáp viễn thông, sản phẩm của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình, điện thoại, internet… Điều đáng nói, có tới 40% - 50% số dây cáp không còn được sử dụng.

Thời gian qua, EVN đã triển khai nhiều giải pháp như tạm thời dừng việc treo cáp mới lên cột điện, đánh giá lại tải trọng của cột điện, đồng thời tăng giá cho thuê cột từ 7.500 đồng/cột/tháng lên ít nhất 20.000 đồng/cột/tháng.

Theo chỉ đạo của UBND Thành phố, đến 30/6/2010, Công ty Điện lực Hà Nội phải hoàn thành việc bó dây cáp viễn thông. Để đạt được yêu cầu này, chúng tôi rất cần sự hợp tác của các cơ quan viễn thông trong việc rà soát, phân loại, kiểm đếm cáp viễn thông, đeo thẻ tên các chủ sở hữu, tránh trình trạng vô thừa nhận như hiện nay” -  Bà Nguyễn Hoàng Anh - Phụ trách Phòng Thi đua tuyên truyền - Công ty Điện lực Hà Nội.

Ngay sau khi EVN thông báo việc tăng giá cước đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của một số DN viễn thông. Các DN này cho rằng, mức giá mới là không hợp lý. Để minh chứng, VNPT đưa ra cách tính cho loại cột bê tông thấp nhất (8,5m) làm ví dụ. Theo đó, đắt nhất VNPT cũng chỉ phải trả 7.500 đồng/cột/tháng thay vì hơn 20.000 đồng/cột/tháng...

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Trưởng ban Viễn thông và Công nghệ thông tin - EVN, cho biết: “Việc tăng giá của EVN là việc làm “cực chẳng đã”. Khi EVN thiết kế và xây dựng hệ thống cột điện là nhằm mục đích cung cấp điện cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của mình. Tuy nhiên, trước khó khăn của các DN viễn thông, trong vòng 30 năm, EVN đã ghé vai cõng thêm hệ thống dây cáp của các DN viễn thông mà không thu bất kỳ khoản phí nào. Mãi đến năm 2003, EVN mới ban hành một bảng giá mang tính tượng trưng, nhưng vì giá thuê cột thấp nên các DN viễn thông đã lạm dụng và treo quá nhiều dây cáp thông tin lên cột điện một cách cẩu thả, thiếu trách nhiệm với ngành điện và xã hội”.

Lý giải về mức giá 20.000đ/cột/tháng, ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết: “Hằng năm, EVN thực hiện đầu tư hàng trăm tuyến đường dây truyền tải và phân phối điện. Các dự án đầu tư này được thực hiện theo đúng quy trình pháp luật, theo đúng bộ đơn giá về xây dựng các công trình điện do Bộ Công thương và Bộ Xây dựng ban hành. Bên cạnh đó, EVN cũng đang phải bỏ ra số tiền không nhỏ để quy hoạch lại đống “rác trời” nhằng nhịt bằng cách phân loại, kiểm đếm và bó lại cho gọn gàng. Đó chính là những cơ sở để EVN tính toán đơn giá cho thuê cột điện”.

“Cuộc chiến” về giá xung quanh cây cột điện giữa VNPT và EVN cần sớm có một cơ quan đứng ra làm “trọng tài”. Trước mắt, trong điều kiện chưa thể một lúc ngầm hoá hết các đường dây cáp thì việc các DN hợp tác để cùng sắp xếp, quy hoạch lại hệ thống dây cáp điện, cáp viễn thông là điều hết sức cần thiết./.

(Theo: Nguyễn Văn Hóa/Báo TNVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất