Thứ Bảy, 30/11/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 13/10/2012 12:23'(GMT+7)

HĐBA "bật đèn xanh" can thiệp quân sự vào Mali

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Nghị quyết trên nêu rõ kế hoạch quân sự này phải là kết quả của "các cuộc tham vấn mật thiết" giữa Liên hợp quốc, Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS), Liên minh Châu Phi (AU) với Mali cũng như các nước láng giềng trong khu vực, các đối tác song phương có liên quan và các tổ chức quốc tế.

Hội đồng Bảo an cũng yêu cầu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon trong vòng 45 ngày sau khi nghị quyết được thông qua cần tiến hành tham vấn với các đối tác trên để trình "các đề xuất chi tiết và khả thi", bao gồm các biện pháp và cách thức cụ thể nhằm chuẩn bị cho việc triển khai các lực lượng quân sự quốc tế tại Mali.

Bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh bất ổn đang ngày càng gia tăng cũng như sự trỗi dậy của các phần tử khủng bố nguy hiểm và các nhóm Hồi giáo cực đoan tại quốc gia Tây phi này, nghị quyết của Hội đồng Bảo an kêu gọi chính quyền Mali, các nước láng giềng, các tổ chức khu vực và quốc tế cần tăng cường hợp tác nhằm đối phó với những mối đe dọa trên, đồng thời giải quyết vấn đề tội phạm có tổ chức tại quốc gia này.

Hội đồng Bảo an cũng kêu gọi chính quyền chuyển tiếp Mali, các nhóm phiến quân và các đại diện hợp pháp của cư dân địa phương ở miền Bắc Mali nhanh chóng tham gia tiến trình đàm phán nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị bền vững, đồng thời hối thúc các lực lượng nổi dậy ở Mali cắt đứt mọi quan hệ với các tổ chức khủng bố quốc tế. Hội đồng Bảo an cũng nhấn mạnh chính quyền Mali cần đảm bảo an ninh và thống nhất trên lãnh thổ nước này cũng như đảm bảo sự an toàn cho người dân theo luật nhân quyền quốc tế.

Trong một thông báo đưa ra cùng ngày tại Senegal, Tổng thống Pháp Francois Hollande nhấn mạnh việc thông qua nghị quyết trên mang ý nghĩa chính trị nhằm kêu gọi các nhóm vũ trang chấm dứt các hoạt động tấn công và nhanh chóng tham gia vào tiến trình hòa giải. Ông Hollande khẳng định cộng đồng quốc tế luôn sát cánh cùng Mali trong công cuộc giải phóng miền Bắc khỏi các nhóm phiến quân Hồi giáo.

Trước đó, Thủ tướng Mobido Diarra đã kêu gọi các nước Phương Tây, đứng đầu là Pháp, can thiệp quân sự vào miền Bắc Mali bằng việc gửi máy bay chiến đấu và lực lượng đặc nhiệm tới nước này. Trong khi đó, ECOWAS và Mali cũng đã đạt được thỏa thuận, theo đó các lực lượng Tây Phi sẽ hỗ trợ quân đội Mali giành lại vùng lãnh thổ phía Bắc.

Mali rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng từ tháng 3 khi các binh sĩ nổi loạn lật đổ Tổng thống được bầu Amadou Toumani Toure. Tình trạng rối ren sau đó đã tạo điều kiện cho lực lượng phiến quân người Tuareg mở rộng kiểm soát các tỉnh sa mạc rộng lớn ở miền Bắc và tuyên bố ly khai, lập ra "Nhà nước Azawad" và áp đặt luật Hồi giáo (Sharia)./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất