“Đối thoại Sendai” là một phần trong khuôn khổ các hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và WB diễn ra tại thủ đô Tokyo tuần này. Hội nghị trên sẽ diễn ra trong hai ngày 9-10/10.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thị trưởng Sendai, bà Emiko Okuyama, cho biết khoảng một năm rưỡi sau thảm họa, Sendai - thủ phủ tỉnh Miyagi - tiếp tục “đạt được tiến triển nhanh chóng hướng tới việc tái thiết và hồi sinh thành phố.”
Tuy nhiên, bà Okuyama cho biết “thách thức lớn nhất” của thành phố là làm sao đẩy nhanh công cuộc tái thiết.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tái thiết Tatsuo Hirano, trong diễn văn tại Hội nghị, đã nhấn mạnh vai trò của chính phủ trong việc tăng cường các giải pháp nhằm hỗ trợ các cộng đồng bị thiên tai phục hồi, đồng thời khẳng định Nhật Bản và các cộng đồng này sẽ “phục hồi thực sự.”
Ông bày tỏ hy vọng với những biện pháp đã, đang và sẽ thực hiện, Nhật Bản có thể đóng góp vào nỗ lực toàn cầu nhằm giảm thiểu thiên tai.
Tại Hội nghị này, hai nữ sinh trung học ở Sendai, Rina Iwamoto và Risa Shibahara, đã kể lại câu chuyện rằng họ đã sống sót ra sao trong thảm họa nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng địa phương.
Tham dự hội nghị này có các nhân vật chủ chốt như Chủ tịch WB Jim Yong Kim, Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde và Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Koriki Jojima cùng những người đồng cấp của ông từ các nước khác.
Ngày 10/10, Bộ trưởng Jojima dự kiến sẽ tham dự phiên họp cấp cao cùng ông Kim và bà Lagarde tại phiên họp cấp cao nhằm xác định tính cần thiết phải đặt vấn đề quản lý rủi ro thiên tai lên hàng đầu trong chương trình nghị sự phát triển toàn cầu trước khi các đại biểu kết thúc phiên họp với một thỏa thuận thúc đẩy khả năng sẵn sàng ứng phó thiên tai nhằm giảm thiểu các rủi ro kinh tế.
Hội nghị “Đối thoại Sendai” dự kiến sẽ đón 320 đại biểu từ 40 quốc gia, bao gồm cả các nạn nhân sống sót sau thảm họa, với mục đích chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ thảm họa kép động đất và sóng thần ở khu vực Đông Bắc Nhật Bản ngày 11/3/2011 - đặc biệt là tại ba tỉnh chịu thiệt hại nặng nề Iwate, Fukushima và Miyagi - và đề ra các giải pháp hạn chế tác động tiêu cực của thiên tai đối với nền kinh tế.
Tại hội nghị này, Nhật Bản cũng muốn chứng tỏ với thế giới về sự phục hồi của nước này từ trận động đất 9 độ Richter kéo theo sóng thần kinh hoàng hồi năm ngoái.
Nhật Bản sẽ chia sẻ những gì mà nước này thu được từ cuộc nghiên cứu chung với WB về những lợi ích của các biện pháp phòng chống thiên tai như gia cố các tòa nhà, hệ thống cảnh báo sớm và giáo dục, cũng như những thách thức mà Tokyo tiếp tục phải đối mặt trong công cuộc tái thiết sau động đất.
Khó khăn lớn nhất mà người dân ở khu vực Đông Bắc phải đối mặt chính là cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhà máy điện Fukushima 1 gây rò rỉ phóng xạ tại ba lò phản ứng ngay sau thảm họa kép. Cuộc khủng hoảng hạt nhân đã khiến Chính phủ Nhật Bản xem xét lại chiến lược năng lượng của nước này.
Một số đại biểu tham dự “Đối thoại Sendai” dự kiến sẽ tới thăm các địa điểm ở khu vực bị thiên tai trong đó có một trường tiểu học vốn là một trong số ít những tòa nhà thuộc quận ven biển Arahama của Sendai còn sót lại sau trận sóng thần kinh hoàng hồi năm ngoái.
Ngoài ra, bên lề cuộc đối thoại lần này, những nhân vật nổi tiếng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh doanh và nghệ thuật ở Nhật Bản và nước ngoài cũng sẽ hội ngộ vào ngày 10/10 để chia sẻ những câu chuyện về nghị lực và hy vọng của con người khi đối diện với thảm họa. Trong số họ có cả nghệ sỹ dương cầm sinh ra ở Sendai, Michie Koyama.
Dữ liệu của Liên hợp quốc cho thấy hàng năm có hơn 200 triệu người bị tác động bởi các mối đe dọa tự nhiên và những tổn thất kinh tế hàng năm vượt quá 200 tỷ USD. Một số chuyên gia cho rằng việc đầu tư vào khả năng chung sống với thiên tai thay vì các cơ chế ứng phó thiên tai sẽ mang lại nhiều ích lợi và hiệu quả hơn./.