Thứ Bảy, 14/12/2024
Nói đúng - Viết đúng
Thứ Sáu, 24/3/2023 9:35'(GMT+7)

Hệ lụy từ lỗi sai chính tả

Cuộc thi Người đẹp Hoa Ban năm 2023. (Ảnh: TTXVN)

Cuộc thi Người đẹp Hoa Ban năm 2023. (Ảnh: TTXVN)

Một trong những sự cố đáng tiếc trong đêm chung kết và trao giải Người đẹp Hoa Ban tổ chức tại tỉnh Điện Biên vừa qua là Ban tổ chức đã gắn dải sash (băng) có dòng chữ “Người đẹp trả lời ứng sử hay nhất” cho thí sinh đoạt giải.

Sự cố in sai chính tả trên dải sash từ “ứng xử” thành “ứng sử” là lỗi của khâu in ấn, nhưng đáng tiếc là lọt qua nhiều con mắt của những người có trách nhiệm khiến người nhận giải thưởng này không vui, còn Ban tổ chức phải đưa ra lời xin lỗi đến thí sinh đoạt giải và công chúng.

Thật đáng tiếc cho một sự kiện văn hóa tôn vinh cái đẹp lại để xảy ra lỗi ngô nghê khiến cái đẹp chưa trọn vẹn. Đây không phải là hiện tượng cá biệt, mà bấy lâu nay không ít người, từ học sinh, sinh viên đại học đến cả kỹ sư, bác sĩ, thậm chí có cả giảng viên, thạc sĩ, tiến sĩ vẫn “hồn nhiên” viết sai chính tả mà lại coi đó là “việc không đáng kể, không đáng quan tâm”.

Việc viết sai chính tả đâu đơn thuần chỉ là sai về mặt kỹ thuật viết văn bản, mà chữ luôn gắn liền với nghĩa. Có nhiều câu chuyện cười ra nước mắt khi người ta viết sai chính tả mà khi đọc lên, bản chất câu văn đã thay đổi. Chẳng hạn, khi làm văn, một sinh viên chép lại câu ca dao “Trúc sinh (xinh) trúc mọc đầu đình/ Em sinh (xinh) em đứng một mình cũng sinh (xinh)”. Từ “em xinh” mang ý nghĩa là “em ưa nhìn, dễ coi”, thì khi viết thành “em sinh” nghĩa là... em đứng một mình em đẻ!  

Hay như một công chức đi học lớp cao cấp lý luận chính trị, khi viết bài thu hoạch luận giải về vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên hiện nay, đã chép lại câu người xưa “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”. Hiểu đúng, viết đúng câu này phải là: “Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, nhưng học viên lại ghi là: “Cán bộ, đảng viên hiện nay phải cố gắng làm tròn bổn phận “No trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” (!).

Bây giờ ra đường, nếu ai chịu khó để ý quan sát thì thấy xuất hiện không ít những bảng hiệu quảng cáo, biển báo thông tin có những cụm từ sai chính tả tiếng Việt, như: “Chất lượng tạo lên  (nên) sức mạnh; “Cấm bán hàng dong (rong) trên lòng đường, vỉa hè”; “Sin (xin) đừng đổ rác”;... Thậm chí, ngay cả trên văn bản hành chính của cơ quan quản lý nhà nước cũng còn để những từ sai chính tả như: Bổ xung (bổ sung), suất xắc (xuất sắc), ra nhập (gia nhập)...

Đáng báo động hơn là học sinh trung học (từ lớp 6 đến lớp 12) - lứa tuổi đáng lẽ  phải rất chú trọng sự cẩn thận, nghiêm túc trong việc trau dồi, rèn luyện chữ viết bảo đảm đúng chính tả, văn phong, thì nhiều em lại quá cẩu thả. Không chỉ lẫn lộn trong việc sử dụng các chữ cái như r/d/gi, x/s, ch/tr, l/n, ng/ngh... mà nhiều học sinh còn viết dài dòng, lê thê vì không ngắt câu bằng các dấu chấm, dấu phẩy, mà cũng chẳng xuống dòng, chuyển đoạn. Đấy là chưa kể tình trạng viết câu không có chủ ngữ, câu thiếu vị ngữ, câu cụt, câu tối nghĩa... Chả thế mà một giáo viên dạy môn ngữ văn từng ta thán: “Bây giờ sợ nhất chấm văn/ Vì viết chính tả loằng ngoằng, linh tinh”!  

Chuyện viết sai chính tả tưởng nhỏ, nhưng hệ lụy lại không nhỏ chút nào. Bởi lẽ, viết sai chính tả đâu chỉ là thái độ cẩu thả, ý thức non kém trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, mà còn làm “ô nhiễm” sự tinh tế, chuẩn mực của ngôn ngữ mẹ đẻ. Sai một li đi một dặm. Có những lỗi sai chính tả có thể bỏ qua, nhưng có những lỗi sai chính tả trên sách in, báo chí, văn bản hành chính... có thể dẫn đến những hiểu lầm tai hại cả về ý nghĩa chính trị, xã hội, đạo đức, văn hóa.

Dân ta có câu “Bút sa gà chết”. Hàm ý câu tục ngữ không những khuyến nghị, khuyên răn người ta cần đề cao sự cẩn trọng, chỉn chu, cầu toàn khi viết, soạn thảo, in ấn văn bản, mà còn nhắc nhở, cảnh tỉnh mỗi chúng ta không nên thờ ơ, cẩu thả với việc viết lách để phòng ngừa cái tật viết ẩu, viết sai có thể gây ra những hệ lụy không mong muốn./.

DƯƠNG ANH (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất