(TG) - Trong một Hội thảo Ngôn ngữ học gần đây, có ý kiến một cử tọa, hỏi: Vừa rồi, tôi vào website “khampha.vn” đọc bài “KS Tạch: Bí kíp lội nước không chết máy”, có đoạn: “Tùy từng loại xe, miệng đường hút gió được bố trí không giống nhau và thường nằm về phía trước xe và cao ngang tầm với ba-đờ-sốc”. Tôi thấy tác giả có chú cho từ ba-đờ-sốc là “pare-chocs - tiếng Pháp”. Tôi nghĩ “pare” phải đọc là “pa” mới đúng, chứ không phải là “ba”. Nhân đây tôi hỏi thêm, là có quy tắc nào đọc các từ Pháp nhập vào tiếng Việt không?
Đúng là có một số từ Pháp, bắt đầu bằng phụ âm “p” nhập vào tiếng Việt trước đây, bị đọc chệch thành “b” như ba đờ xốc (pare-chocs: thanh bảo hiểm, thanh đỡ trước vào sau xe ô tô). Theo một số tác giả (Nguyễn Quảng Tuân và Nguyễn Đức Dân, Từ điển các từ tiếng Việt gốc Pháp, Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP Hồ Chí Minh, 1992) thì trước đây, /p/ không thể làm âm đầu nên khi là âm đầu (trong tiếng Việt) /p/ chuyển thành /b/. Hiện tượng này, ta thường thấy khá nhiều từ tương tự như vậy nữa, như pardessur = ba đờ xuy: áo khoác ngoài bằng len hoặc dạ; palabre = ba láp: nói không đâu vào đâu, lếu láo; pâté = ba tê: món ăn làm bằng thịt hoặc gan ướp rượu, đường nghiền nhỏ, bao mỡ lá rồi hấp chín; pagaille = ba gai: bướng bỉnh, hay gây chuyện; v.v. Sau này, tiếng Việt chấp nhận một số từ bắt đầu bằng phụ âm /p/, như pin, pô pơ lin, pê đan, pa nô... nhưng các từ đã có trước đây gần như được giữ nguyên, dù rằng đôi lần, cũng có nhiều người đọc theo đúng cách đọc nguyên ngữ (pa tê, pa ti nê, pa đờ xuy...) nhưng hình như ít được hưởng ứng.
Còn vấn đề bạn hỏi về “quy tắc nào dùng để phiên đọc chữ Pháp nhập vào tiếng Việt” thì có lẽ, ta phải phân biệt cho rõ. Đó là quy tắc để đọc các từ Việt gốc Pháp đã tồn tại từ lâu trong tiếng Việt, chứ còn các từ Pháp thông thường vẫn phải đọc theo âm Pháp. Theo dòng lịch sử, trước kia, có nhiều từ gốc Pháp khi đưa vào giao tiếp tiếng Việt đã bị Việt hóa cách đọc, biến âm đi khá nhiều. Cũng theo Nguyễn Quảng Tuân và Nguyễn Đức Dân “xét về con đường hình thành, có thể chia các từ gốc Pháp thành hai lớp. Thứ nhất, những từ ngữ do những người hiểu biết tiếng Pháp sử dụng và tạo nên. Thứ hai, những từ ngữ do những người tuy ít hiểu biết tiếng Pháp, nhưng hằng ngày có nhu cầu giao dịch trực tiếp với người Pháp trong công xưởng, trong quân đội hoặc trong sinh hoạt gia đình... tạo nên con đường “truyền khẩu”, nghe người khác nói rồi nhắc lại. Hai lớp từ này có những đặc điểm khác nhau.”
Cái khác nhau rõ nhất là về mặt ngữ âm. Các âm nguyên ngữ (tiếng Pháp) đã được người Việt thay đổi theo hướng âm tiết hóa, đơn giản hóa cách đọc, chỉ giữ lại cách phát âm “gần giống”. Vì vậy, giờ đây, có nhiều từ gốc Pháp ta dễ bị nhầm với từ thuần Việt. Chẳng hạn: măng cụt (mangouste – một loại cây ăn quả), sen đầm (gendarme – viên trưởng bót cảnh sát thời Pháp, còn gọi là ông cò, ông cẩm), lê dương (légion – lính người nước ngoài, tình nguyên gia nhập quân đội Pháp), banh (balle – trái bóng), cặp rằng (caporal – cai, thầy đội, người cai quản dân phu trong tù), cỏ vê (corvée – việc làm bắt buộc không hưởng lương, tù nhân bị án phải đi làm hằng ngày), sên (chaine – cái xích xe đạp hoặc xe máy), v.v. Ta thấy, các từ này hình thành hoàn toàn bằng cách mô phỏng âm đọc tiếng Pháp, không tuân thủ triệt để cách đọc của người Pháp. Nhiều người cho đó là hệ quả của thứ tiếng Pháp “bồi”, tức là thứ tiếng của người lao động ít học, đọc theo kiểu “nôm na” chứ không theo quy luật ngữ âm nguyên gốc. Nhưng các nhà ngữ học lại không hẳn đồng tình với quan điểm mang tính “kì thị” như vậy. Bởi việc các đơn vị từ vựng mới nhập phải được cộng đồng chấp nhận và phải tuân theo nguyên tắc ngữ âm cần có. Quy luật này, thường là bỏ bớt các phụ âm đôi (bloc = lốc, knock out = nốc ao, secour = xơ cua) hoặc bỏ bớt âm tiết (chambre à air = săm, tente de bâthe = bạt, gaz à pansement = gạc, duraluminium = đuy ra, đuya ra...).
Dĩ nhiên, còn nhiều đặc điểm khác nữa mà ta phải khảo sát thêm. Chỉ biết hiện tại, tiếng Việt có tới gần 2.000 từ gốc Pháp. Số lượng từ ngoại lai này, có lẽ chỉ đứng sau nhóm từ Hán-Việt (chiếm trên 60% từ tiếng Việt). Tuy nhiên, cách Việt hóa từ Pháp kiểu này gần đây đã giảm đi, thậm chí gần như không còn nữa.
PGS. TS. PHẠM VĂN TÌNH