Thứ Năm, 7/11/2024
Nói đúng - Viết đúng
Thứ Hai, 31/10/2022 15:14'(GMT+7)

Cách đọc chữ số trong tiếng Việt

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hãy khoanh vào chữ đặt trước câu trả lời đúng

Bài 1. Số 74 đọc là:

  1. Bảy mươi bốnC. Bảy bốn
  2. Bảy mươi tưD. Bảy tư

(Lưu ý: Về chính tả, không cần viết hoa chữ “bảy” trong các tổ hợp trên)

Với câu hỏi này, cô giáo đã đánh “sai” khi học sinh chọn đáp A (bảy mươi bốn).

Với trực giác ngôn ngữ thông thường của người bản ngữ nói tiếng Việt, ta cũng dễ dàng nhận ra đây là trắc nghiệm sai (không đạt yêu cầu ngay từ khâu ra đề).

Thi trắc nghiệm (phương pháp khảo sát để kiểm tra trình độ hay mức độ thông minh bằng sự nhạy bén tri thức) là một hình thức thi đang được áp dụng khá phổ biến trong cách đánh giá chất lượng học sinh. Với các môn thi đòi hỏi tính chính xác (như các môn khoa học tự nhiên, ngôn ngữ, ngoại ngữ…) thì phương pháp thi trắc nghiệm rất thích hợp (đơn giản, dễ thi, dễ chấm, có thể xử lí tự động trên máy...). Người ra đề thường đưa ra câu hỏi và đề xuất 4 đáp án gợi ý (để người thi chọn 1). Dĩ nhiên, trong đó chỉ có duy nhất một đáp án đúng còn 3 đáp án còn lại đóng vai trò “gây nhiễu”. Nếu người thi nắm chắc kiến thức thì vấn đề trở nên đơn giản. Nhưng với học sinh lười học, kém thông minh thì việc chọn cho ra 1 đáp án trong số 4 đáp án “tưởng cái nào cũng đúng” kia quả là nan giải. Tất nhiên, khi bí, thí sinh đành phải nhắm mắt chọn bừa lấy một "ăn may" (và chịu xác suất rủi ro là ¾ (75%)).

Với câu hỏi trên (số 74 trong tiếng Việt đọc thế nào?), ta thấy ngay đáp án đúng không chỉ là 1 mà nhiều hơn thế. Chọn trắc nghiệm như vậy là không đạt yêu cầu.

Tiếng Việt, cũng như nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới, đang sử dụng hệ đếm cơ số 10 (0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9). Bất luận số tự nhiên nào (từ nhỏ đến lớn) đều được thể hiện bằng các con số này. Nhưng cách đọc các con số lại khác nhau ở mỗi ngôn ngữ. Với tiếng Việt, khi số có hai chữ số trở lên (như 21, 374, 485...) thì có một số chữ số chỉ hàng đơn vị sẽ được đọc chệch âm:

21, 31 (cho đến 91) không đọc “hai một” mà đọc “hai (mươi) mốt”, hoặc “hăm mốt”, “ba (mươi) mốt”,… “chín (mươi) mốt.

24, 34 (cho đến 94) thường đọc là “hai (mươi) tư”, “ba (mươi) tư”,… “chín (mươi) tư”.

25, 35 (cho đến 95) thường đọc là “hai (mươi) lăm/ nhăm”, “ba (mươi) lăm/ nhăm”,… “chín (mươi) lăm/ nhăm.

Các cách đọc này dựa theo nguyên lí biến âm, có hài âm hài thanh cho dễ đọc, dễ nhớ.

Hướng dẫn trước đó của cô giáo như sau: “Có môt số quy định lưu ý học sinh khi đọc. Nếu hàng đơn vị là chữ số 4 thì các số có chữ số hàng chục từ 2 trở đi ta đọc chữ số 4 đó là . Tương tự vậy với chữ số 5 ở hàng đơn vị thi đoc là lăm. Chữ số 1 ở hàng đơn vị đọc là mốt. Đó là những lưu ý học sinh khi dạy đọc các số trong pham vi 100 ở lớp 1”.

Tôi không hiểu căn cứ vào đâu mà cô giáo đưa ra chỉ dẫn này (có phải căn cứ vào sách giáo khoa không?). Số 74, chắc chắn có 2 cách đọc được chấp nhận: “bảy mươi tư” và “bảy tư”. 2 cách còn lại “bảy mươi bốn”, “bảy bốn” được coi là không chuẩn phát âm nhưng đôi khi vẫn được sử dụng (ở một số vùng, hay ở một số người chưa rành kĩ năng đọc. Ví dụ: Đội ta hôm nay có bảy mươi bốn người đi; Chỉ có bảy bốn chiến sĩ của trung đoàn có mặt; v.v.). Cũng như vậy, 24 vẫn được đọc là “hai (mươi) tư”, “hai (mươi) bốn” (hai ba, hai bốn, hai lăm...). 34, ngoài cách đọc “ba (mươi) tư” vẫn được đọc là “ba (mươi) bốn,… Dù là cách đọc “ba (mươi) bốn” nghe hơi ngang tai. Và cách đọc này tuy ít dùng hơn nhưng trong giao tiếp không phải là không có. Đó là một biến thể ngữ âm. Có nhiều trường hợp “lưỡng khả” tồn tại 2 biến thể, hoặc có tới 3 biến thể (Ví dụ: 25, có thể đọc “hai lăm" hoặc "hai mươi lăm" hoặc "hai nhăm”).

Trong lúc chưa thể kết luận dứt khoát các con số trên chỉ có một cách đọc thì tốt nhất là không đưa vào trắc nghiệm. Ngay cả cách đọc tên tháng trong năm của tiếng Việt hiện cũng chưa đạt đến sự thống nhất. Theo âm lịch, tháng đầu tiên trong năm gọi là "tháng giêng", tháng áp cuối (tức tháng thứ mười một) gọi là "tháng một", tháng cuối cùng (tức tháng thứ mười hai) gọi là "tháng chạp". Còn theo dương lịch thì có thể đọc theo thứ tự con số: tháng một, tháng hai, tháng ba, tháng tư, tháng năm, tháng sáu, tháng bảy, tháng tám, tháng chín, tháng mười, tháng mười một, tháng mười hai. Nhưng tháng đầu tiên vẫn được mọi người đọc là "tháng giêng" theo dương lịch. Nếu trắc nghiệm (chọn một) thì sẽ gặp rắc rối là người thi không định hướng được, sẽ nhầm. Và trong trường hợp đọc con số 74 ở trên, cả cô giáo và học sinh cùng... nhầm.

PGS. TS. Phạm Văn Tình

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất