Trung bình mỗi năm, một người dân Việt Nam đã thải ra môi trường 1kg rác thải điện tử. Như vậy, dân số nước ta hiện nay là 90 triệu người thì số lượng rác thải điện tử lên tới 90.000 tấn/năm. Số liệu mà Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) vừa đưa ra khiến chúng ta không khỏi giật mình.
Không giật mình sao được khi nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, so với nhiều chất thải khác, rác thải điện tử là một “kẻ hủy diệt” cực kỳ ghê gớm đến cả môi trường không khí, đất và nước. Không chỉ là tác nhân gây ra các bệnh ung thư, thần kinh, tim mạch, đường hô hấp… cho con người, rác thải điện tử nếu không được xử lý còn tác động dai dẳng, ngấm ngầm đến sự trường tồn của toàn bộ đời sống trên Trái Đất.
Được biết, nước ta hiện có khoảng 500 nhà máy, công ty điện tử, trong đó các công ty có vốn đầu tư nước ngoài chiếm gần 70%. Các công ty này đã đóng góp một phần ngân sách không nhỏ cho đất nước và tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động Việt Nam. Tuy nhiên, do sự thay đổi chóng mặt của khoa học công nghệ, các sản phẩm điện tử có “vòng đời” ngày càng ngắn, tỷ lệ sản phẩm điện tử bị hỏng hóc, lạc hậu phải thải ra môi trường “tăng tốc” nhanh gấp 3 lần so với các loại rác thải khác. Điều đáng nói hơn, không phải công nghệ nào nhập khẩu vào Việt Nam thời gian qua cũng là tiên tiến, hiện đại, mà một số kỹ thuật, công nghệ đã bị thế giới “từ chối” từ lâu.
Mục tiêu của Đảng ta đặt ra là đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Muốn hiện thực hóa mục tiêu này, chúng ta không thể không chú trọng phát triển một nền công nghiệp điện tử hiện đại. Bởi chính các sản phẩm điện tử đã tạo ra một giá trị lợi nhuận lớn, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển. Nhưng để tránh những hệ lụy từ rác thải điện tử, ngoài việc cân nhắc, lựa chọn những công nghệ tối ưu, thân thiện với môi trường, đòi hỏi các nhà máy, công ty điện tử phải có cam kết bảo vệ môi trường, có hệ thống công nghệ xử lý hiệu quả các loại rác thải điện tử. Bên cạnh đó, trong quá trình kêu gọi, “trải thảm đỏ” thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, các địa phương phải kiên quyết nói “không” với việc nhập khẩu các kỹ thuật, công nghệ sản xuất sản phẩm điện tử lạc hậu, dễ xâm hại môi trường. Nếu địa phương nào cố chạy theo lợi ích kinh tế đơn thuần, không coi trọng bảo vệ môi trường thì dễ trở thành nơi chứa “bãi rác” về công nghệ, lợi bất cập hại!
Một trong những vấn đề cấp bách hiện nay là phải làm thay đổi nhận thức, suy nghĩ của các cấp, các ngành và toàn xã hội về những mặt trái từ các sản phẩm điện tử gây nên. Một quả pin, một cái ắc quy, một con chíp điện tử, vài ba thiết bị của tủ lạnh, ti vi, máy tính hay vài đoạn dây dẫn điện… bị hỏng phải bỏ đi, tưởng như không làm hôi hám, ô nhiễm môi trường ngay tức khắc, nhưng sau một thời gian, nếu không xử lý kịp thời, dứt điểm thì nó sẽ tích tụ nhiều yếu tố độc hại và là mầm mống của một “đại họa” về môi trường trong tương lai gần.
Rõ ràng, rác thải điện tử không còn là nguy cơ, mà sẽ trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết nếu chúng ta vẫn thờ ơ với nó. Vì vậy, ngay từ bây giờ, mỗi doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và mỗi gia đình, mỗi người dân phải coi việc phòng ngừa, hạn chế những hệ lụy từ rác thải điện tử là một việc làm thường xuyên, hằng ngày để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, làm trong sạch không gian sống của chúng ta hôm nay và thế hệ mai sau./.
Thiện Văn (QĐND)