Nghị
quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Bảo vệ và phát huy các giá trị
tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam”(1). Để
thực hiện mục tiêu đó, hệ thống chính trị cơ sở có vai trò quan trọng
trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc Việt Nam,
góp phần bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững của khu vực này.
Vùng
Tây Bắc Việt Nam bao gồm các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La,
Yên Bái - đây đều là những tỉnh có vị trí địa lý rất hiểm trở, đa phần
là đồi núi, xen kẽ những bản làng ở sườn núi, dân số phân bố không đồng
đều, trình độ dân trí một số khu vực còn thấp, đời sống còn nhiều khó
khăn. Đây cũng là vùng đất mang nhiều dấu ấn lịch sử.
Dưới sự lãnh đạo
của Đảng, nhân dân cả nước và các dân tộc thiểu số vùng
Tây Bắc Việt Nam đã anh dũng đứng lên đánh bại thực dân Pháp xâm lược,
làm nên một “Điện Biên Phủ - lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Vì
thế, vùng Tây Bắc Việt Nam có nhiều di tích lịch sử, văn hóa lưu giữ
những kỷ vật, chứng tích thời kỳ cách mạng hào hùng của dân tộc.
Vùng
Tây Bắc Việt Nam có nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu đặc trưng của đồng
bào dân tộc thiểu số, đó là phong tục, tập quán, lối sống, tính cách
trong giao tiếp, ứng xử, đi lại, ăn mặc, ở và những nghi lễ trong cưới,
hỏi, ma chay, giỗ chạp, xây nhà, sinh con, đặt tên con; đó còn là văn
hóa thêu, dệt, sản xuất, cúng giỗ tổ tiên, tổ chức lễ hội văn hóa, trò
chơi dân gian… Tất cả các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đó đều
gắn liền với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Trải
qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, các giá trị văn hóa
vật thể và phi vật thể không chỉ tạo nên bản sắc từng dân tộc, cố kết
cộng đồng, mà còn là động lực tinh thần thúc đẩy các hoạt động kinh tế -
xã hội ở mỗi khu vực, địa bàn phát triển.
Không gian văn hóa của đồng
bào dân tộc thiểu số mang đậm bản sắc riêng độc đáo của mỗi dân tộc. Dân
tộc Thái ưa thích ca hát, nhiều điệu múa, như múa xòe, múa sạp, múa
quạt đã được trình diễn trên sân khấu trong và ngoài nước, thu hút nhiều
người xem. Đặc biệt, dân tộc Thái còn có chò trơi dân gian “Ném còn”
rất đặc trưng, nổi tiếng. Dân tộc Mông ưa chuộng trang phục, đó là sự
cầu kỳ, cẩn thận trong đường nét, cách mặc, trang trí những phụ kiện đi
kèm và rất gắn bó với trang phục truyền thống. Múa khèn là đặc trưng nổi
bật của văn hóa Mông nói riêng và của dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc
Việt Nam nói chung. Múa khèn là sinh hoạt văn hóa không thể thiếu được
trong đời sống của người Mông, khi vui là mời gọi bạn xuống chợ, du
xuân, chúc mừng nhau trong cưới hỏi…, khi buồn là tiễn biệt người thân
về thế giới bên kia. Văn hóa thổi khèn của người Mông đã được Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể
quốc gia, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian vào năm 2015…
Đồng
bào dân tộc thiểu số quan tâm chú trọng đến đời sống văn hóa tinh thần.
Không gian sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ bó
hẹp trong phạm vi một khu vực, địa phương, bản, làng, mà luôn có sự mở
rộng giao lưu, kết nối giữa các khu vực, địa phương.
Văn hóa vật thể và
phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số vừa phản ánh những đặc trưng
văn hóa của dân tộc, đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng,
đoàn kết gắn bó, trọng nghĩa tình, giản dị, thủy chung; là tính cố kết
rất bền chặt trong lao động, sản xuất, chống lại thiên nhiên khắc
nghiệt, vừa thể hiện sự giao hòa với thiên nhiên, núi rừng, cuộc sống
lạc quan, yêu đời; phản ánh tính cần cù, thông minh, sáng tạo, kiên trì
trong làm việc; tinh tế, tự trọng, tin người và rất cầu thị, mến khách.
Những giá trị văn hóa đặc sắc riêng có của đồng bào dân tộc thiểu số
vùng Tây Bắc Việt Nam được biểu hiện rõ nhất, đầy đủ nhất thông qua văn
hóa trang phục, nhà cửa, cách nấu các món ăn; quan hệ gia đình, dòng họ,
cộng đồng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, phong tục, tập quán, nghi
lễ…
Các giá trị văn hóa đó của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc
Việt Nam cần được các thế hệ gìn giữ, lưu truyền, bảo tồn, đồng thời
phải được phát huy, trở thành một nguồn lực để phát triển kinh tế - xã
hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng
bào dân tộc thiểu số.
Quyết
định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ “Phê
duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng
đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn
I: từ năm 2021 đến năm 2025” xác định: giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa
tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục, tập quán
lạc hậu và gắn với phát triển du lịch là 1 trong 10 dự án trọng điểm. Để
hoàn thành được mục tiêu này, vai trò của hệ thống chính trị cơ sở
trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện là rất quan trọng.
Hệ thống
chính trị cơ sở là cấp cuối cùng, là nơi gần dân nhất, sát dân nhất;
đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước có đi
vào thực tiễn cuộc sống hay không phụ thuộc rất nhiều vào tính năng
động, sáng tạo của hệ thống chính trị cơ sở. Hệ thống chính trị cơ sở
vùng Tây Bắc Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ chung là thực hiện các
chương trình, kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng
Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Vai trò của
đội ngũ cán bộ cơ sở là người dân tộc thiểu số đặc biệt quan trọng đối
với vùng Tây Bắc Việt Nam. Đội ngũ này có thể khắc phục những khó khăn
do đặc thù của địa hình hiểm trở, của những phong tục, tập quán riêng;
am hiểu và gần gũi với đồng bào dân tộc thiểu số, thuận lợi hơn khi đưa
các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào dân tộc
thiểu số.
Những
năm vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, hệ thống
chính trị cơ sở nói chung và vùng Tây Bắc Việt Nam nói riêng đã làm tốt
công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành
nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước về giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; những chương trình,
dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được
đội ngũ cán bộ cơ sở vùng Tây Bắc Việt Nam lĩnh hội, cụ thể hóa, tích
cực, chủ động phối hợp với các già làng, trưởng bản, người có uy tín tổ
chức các hoạt động, như xây dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và
phi vật thể, sửa sang, làm mới nhà văn hóa thôn, hướng dẫn đồng bào
phát triển kinh tế, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào lao động, sản xuất,
qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, vận động đồng
bào xóa bỏ hủ tục lạc hậu.
Các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên triển
khai nhiều đề tài khoa học, đề án, dự án, chương trình bảo tồn và phát
huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, như: “Khảo
sát sưu tầm lễ hội dân tộc Mông tỉnh Sơn La”, “Giữ gìn và phát huy
những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái trong quá trình hội nhập
quốc tế”, “Bảo tồn văn hóa vùng tái định cư thủy điện Sơn La”, “Bảo tồn
di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La”,
Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc gắn với
phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021 - 2025,
định hướng đến năm 2030”, Chương trình Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Ðiện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội…
Công tác bồi dưỡng kiến thức về văn hóa cho đội ngũ cán bộ cơ sở được các sở văn hóa, phòng quản lý văn hóa ở các tỉnh, huyện vùng
Tây Bắc Việt Nam quan tâm, chú trọng, tổ chức thành lớp học, mời những
chuyên gia có kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy về văn hóa để truyền
đạt, phổ biến cho người học…
Tuy
nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế về nhận thức
và tổ chức hoạt động. Một số cán bộ chưa phát huy hết vai trò, trách
nhiệm trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào cách thức, biện
pháp giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể để phát
triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo; vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Bắc Việt Nam chưa có sự phân định rõ ràng và chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có lúc, có nơi còn hạn chế trong nắm bắt, lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số để có những hình thức, biện pháp giữ gìn bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp.
Thiếu nữ đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc hòa mình trong không gian lễ hội Hoa Ban, tỉnh Điện Biên. (Nguồn: chinhphu.vn)
Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước
là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức
mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh,
hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền
văn hóa, con người Việt Nam”(2). Do đó, vai trò hệ thống
chính trị cơ sở trong giữ gìn bản sắc văn hóa, khơi dậy tinh thần yêu
nước, khơi thông động lực và nguồn lực văn hóa, con người dân tộc thiểu
số vùng Tây Bắc Việt Nam là rất quan trọng, không chỉ là mục tiêu trước
mắt mà còn là nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài, bảo đảm cho sự phát
triển nhanh và bền vững vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Để đạt được mục tiêu
đó, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một
là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể về tầm quan trọng
giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc Việt Nam.
Cấp
ủy các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội (đoàn
thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân…) quán triệt quan điểm, đường lối,
chủ trương, chính sách, nghị quyết, chương trình của Đảng, Nhà nước về
gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tích cực tuyên truyền, phổ
biến đến đồng bào các dân tộc, hệ thống chính trị cơ sở ở mỗi địa phương
cần cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với đặc
thù từng khu vực, địa bàn, để triển khai có hiệu quả. Quá trình thực
hiện chương trình, kế hoạch cần có sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh
nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ tiếp theo kịp thời, hiệu quả.
Hai là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc Việt Nam.
Nâng
cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở vùng đồng bào dân
tộc thiểu số vùng Tây Bắc Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Thực tiễn
những năm qua cho thấy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân
tộc thiểu số được quan tâm, chú trọng, có sự phát triển về số lượng,
chất lượng; tuy nhiên, vẫn chưa tương xứng so với yêu cầu, nhiệm vụ. Đời
sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ở
vùng sâu, vùng xa; nhiều hủ tục vẫn tồn tại trong đời sống sinh hoạt của
đồng bào dân tộc thiểu số… Do đó, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa
phải nâng cao trình độ về mọi mặt, nhất là những kiến thức về văn hóa,
phong tục, tập quán, lối sống, lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian
của đồng bào dân tộc thiểu số, tiếng dân tộc, ngoại ngữ; hòa vào cuộc
sống của đồng bào để thực sự thấu hiểu, qua đó, hướng dẫn, giúp đỡ đồng
bào dân tộc thiểu số cách thức, phương pháp bảo tồn, phát huy các giá
trị văn hóa.
Hằng năm, mở những lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác văn
hóa để cập nhật, bổ sung thông tin, các chủ trương, chương trình, kế
hoạch của Đảng, Nhà nước về văn hóa. Tích cực, chủ động phối hợp với
nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc
thiểu số để tổ chức các hoạt động văn hóa. Tham mưu, đề xuất với cấp
trên phục hồi giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc
thiểu số, bảo đảm cho hoạt động văn hóa đi vào chiều sâu, có tác dụng
quan trọng nâng cao cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Ba
là, tăng cường phối hợp với các bộ phận, lực lượng liên quan tổ chức
hoạt động quảng bá, giới thiệu, tôn vinh giá trị văn hóa của đồng bào
dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc Việt Nam với các địa phương khác.
Hệ
thống chính trị cơ sở vùng Tây Bắc Việt Nam tích cực, chủ động xây dựng
kế hoạch, chương trình giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân
tộc thiểu số, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ phận, lực
lượng. Phối hợp chặt chẽ với đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức các hoạt
động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đặc sản của địa phương đến với du
khách, qua đó, tạo thành chuỗi cung ứng sản phẩm liên hoàn, rộng rãi với
các địa phương khác, nhất là với các tổ chức quốc tế.
Những hoạt động
quảng bá, giới thiệu giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số cần
có sự vào cuộc thường xuyên của cả hệ thống chính trị cơ sở, với sự bảo
đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhất là kinh phí hoạt động,
nguồn lực con người, cụ thể đó là các nghệ nhân biểu diễn, giới thiệu
sản phẩm đặc trưng của địa phương…
Bốn là, tích cực, chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng văn hóa dân tộc thiểu số để chống phá cách mạng ở vùng Tây Bắc Việt Nam.
Xu
thế mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng, cạnh tranh quốc tế và cuộc đấu
tranh trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng diễn ra quyết liệt, phức tạp; sự
phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa đem lại những
thời cơ, thuận lợi, vừa tạo ra những nguy cơ, thách thức đối với hệ
thống chính trị cơ sở cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân
tộc thiểu số vùng Tây Bắc Việt Nam. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch,
phản động thường xuyên tuyên truyền, xuyên tạc quan điểm, đường lối,
chính sách về văn hóa, dân tộc của Đảng, Nhà nước ta…
Tình hình đó đặt
ra yêu cầu hệ thống chính trị cơ sở phải tích cực, chủ động đấu tranh
với các quan điểm sai trái, phản động; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo
của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đối với hoạt động giữ gìn và phát huy
bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính
trị - xã hội đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục quan điểm,
đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng không gian văn hóa và tạo điều
kiện để đồng bào dân tộc thiểu số phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp, tổ
chức hoạt động vui chơi giải trí, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, câu
lạc bộ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ…, vận động đồng bào thực hiện nếp
sống văn hóa, từng bước xóa bỏ hủ tục lạc hậu; hướng dẫn đồng bào thực
hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói,
giảm nghèo, xây dựng vùng Tây Bắc ngày càng giàu mạnh, đậm đà bản sắc
dân tộc.
Bản
sắc văn hóa dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc Việt Nam là bức tranh thổ cẩm
đa sắc và đặc sắc góp phần làm giàu có nền văn hóa của dân tộc, là động
lực và nguồn lực phát triển quan trọng đối với vùng Tây Bắc Việt Nam
trong giai đoạn hiện nay.
Để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
thiểu số vùng Tây Bắc Việt Nam, hệ thống chính trị cơ sở cần có sự
thống nhất về nhận thức và hành động, nỗ lực hơn nữa để thực hiện thắng
lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Từng bước vươn lên khắc phục các
hạn chế con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới,
gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại “(3)./.
NGUYỄN TÚ ANH
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
_______________
(1) (2) (3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.143, 34, 143.
(Nguồn: TC Cộng sản)