Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 18/12/2012 12:35'(GMT+7)

Hiến pháp năm 1992 cần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu mới

Các đại biểu thống nhất cao Hiến pháp năm 1992 cần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu mới. Hiến pháp năm 1992 được ban hành đã tạo cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới. Hiện nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp. Vì vậy, cần sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.

Các đại biểu đồng tình với các yêu cầu, quan điểm, phạm vi và nội dung sửa đổi mà Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã xác định, đồng thời góp ý cụ thể về các chương, điều trong dự thảo. Bà Hồ Huỳnh Tuyết Huệ - Trưởng Ban Văn hóa, Xã hội Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Long đề nghị chương II về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” nên tách ra riêng biệt, thể hiện rõ hơn, sâu sắc hơn nội dung các quyền và nghĩa vụ công dân được quy định trong Hiến pháp. Đồng thời, do mức độ sửa đổi Hiến pháp lần này khá nhiều, dự thảo Hiến pháp sau khi sửa đổi, bổ sung sẽ có 11 chương, 126 điều, trong đó có 95 điều được sửa đổi và bổ sung 13 điều mới, vì thế nên gọi là Hiến pháp năm 2013.

Ông Lưu Thành Công - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội cho rằng: Phần lời mở đầu, ngoài khái quát truyền thống lịch sử, văn hiến và sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thành tựu sự nghiệp đổi mới của đất nước, trong phần cuối cần bổ sung thêm lời “tuyên thệ” của cả dân tộc Việt Nam. Ông Lưu Thành Công gợi ý: “Nhân dân Việt Nam chấp nhận các chế định trong Hiến pháp này với quyết tâm phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, cùng nhau xây dựng đất nước hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Ngoài ra, trong chương III về “Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường”, nên tập hợp 3 điều 66, 67 và 68 thành một điều, quy định về vai trò, nhiệm vụ của giáo dục và nhiệm vụ của khoa học-công nghệ.

Ông Trương Quang Phú - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long khẳng định, Hiến pháp là đạo luật cơ bản, quy định những vấn đề lớn, có tầm chiến lược của Nhà nước. Về mặt pháp lý, các quy định của Hiến pháp là cơ sở cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Xuất phát từ đó nên thành lập một cơ quan giám sát, bảo vệ Hiến pháp để giữ cho việc thực hiện Hiến pháp được nghiêm minh.

Các đại biểu cũng đề nghị Hiến pháp cần quy định rõ hơn về quyền dân chủ trực tiếp của công dân tại điều 6, chương I; phần kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp nên đặt tên cho các điều khoản, thể hiện nội dung của điều khoản đó. Đồng thời, đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến về từ ngữ, câu văn trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.

Phạm Minh Tuấn/TTXVN 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất