Quán triệt quan điểm giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, những năm qua, cấp uỷ và chính quyền các cấp Hưng Yên luôn xác định thực hiện chính sách giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài và thường xuyên. Do đó, bên cạnh các biện pháp phát triển kinh tế, tỉnh luôn nỗ lực, ưu tiên thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người nghèo, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, mục tiêu Chương trình giảm nghèo của tỉnh trong từng giai đoạn cơ bản hoàn thành (tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm từ 1,5-2%). Từ 2010 đến nay, có khoảng 19 nghìn hộ gia đình thoát nghèo. Theo kết quả rà soát hộ nghèo năm 2012, toàn tỉnh còn 59.850 người nghèo/22.210 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,77%; còn 54.480 người cận nghèo/15.997 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,87%, không còn hộ nghèo thuộc đối tượng người có công với cách mạng. Trong năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,77%, góp phần cùng cả nước hoàn thành trước thời hạn mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xoá đói, giảm nghèo.
Để lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả công tác giảm nghèo, trên cơ sở bám sát vào chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về Chương trình giảm nghèo, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 và 2011-2015 và ban hành hàng loạt văn bản cụ thể hoá các quy định của trung ương, thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp trợ giúp người nghèo, hộ nghèo về vốn ưu đãi, pháp lý, nhà ở, giáo dục, y tế, dạy nghề... Đồng thời, tiến hành lồng ghép vấn đề giảm nghèo và các chương trình có liên quan như chương trình việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động, các dự án khuyến nông, khuyến ngư, khôi phục và phát triển làng nghề; các chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, để đảm bảo sự điều phối các hoạt động giảm nghèo, tỉnh đã thành lập và thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo Giảm nghèo và Việc làm với đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, trình độ, nghiệp vụ ngày càng cao. Hàng năm, hoạt động điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiến hành khách quan, công khai từ cơ sở, với sự bình xét, giám sát của cộng động, theo đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, sự chỉ đạo cụ thể của Ủy ban nhân dân tỉnh. Mặt khác, coi trọng và tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm thực hiện công tác giảm nghèo đúng định hướng, nền nếp và đạt hiệu quả.
Hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế, tạo việc làm được xác định là biện pháp giúp giảm nghèo bền vững. Do đó, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, bên cạnh nguồn phí do Trung ương hỗ trợ, tỉnh đã bước đầu cân đối ngân sách dành chi hỗ trợ cho người nghèo. Đồng thời, vận động cộng đồng ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, trung bình mỗi năm Quỹ thu nhận được khoảng 4-5 tỷ để tăng cường nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo. Căn cứ quyết định phê duyệt kết quả điều tra rà soát hộ nghèo, hàng năm các ngành, đoàn thể và địa phương phối hợp với Ngân hành Chính sách xã hội hướng dẫn hộ nghèo có nhu cầu vay vốn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục vay vốn theo quy định, giúp 100% hộ nghèo có nhu cầu vay vốn. Mỗi năm có khoảng 600 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi được đầu tư cho hộ nghèo và đối tượng chính sách trong chương trình cho vay ưu đãi tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua gần 10 năm hoạt động, Ngân hành Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho 415.898 lượt hộ với số tiền trên 3 nghìn tỷ đồng. Từ nguồn vốn hỗ trợ này, nhiều mô hình chăn nuôn, trồng trọt, tổ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ của người dân được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Cùng với đó, Đề án Dạy nghề cho lao động nông thôn, hoạt động dạy nghề cho người nghèo, cận nghèo được triển khai tích cực. Trong 3 năm (2010-2012), đã hỗ trợ dạy nghề cho trên 11 nghìn người, trong đó có trên 2 nghìn người thuộc hộ nghèo, 652 người thuộc hộ cận nghèo. Các nghề được hỗ trợ đào tạo chủ yếu là những ngành, nghề mà thị trường lao động trong tỉnh có nhu cầu cao và có thu nhập ổn định như may công nghiệp, cơ khí, điện tử, hàn… Mặt khác, chương trình xuất khẩu lao động cho người nghèo cũng được đẩy mạnh, trong kỳ đã có trên 600 lao động thuộc hộ nghèo được hỗ trợ xuất khẩu lao động.
Chính sách hỗ trợ mua, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo được tỉnh triển khai nghiêm túc, kịp thời, đúng đối tượng. Hằng năm, Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội các cấp phối hợp với ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn lập danh sách người nghèo, người cận nghèo trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để mua thẻ bảo hiểm y tế. Việc miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập được thực hiện theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP. Từ khi chính sách được triển khai đến nay, đã miễn giảm học phí cho 20.727 học sinh, hỗ trợ học phí cho 19.394 học sinh các bậc học từ mầm non đến cao đẳng. Triển khai Chương trình tín dụng, đến nay đã có 33.651 học sinh, sinh viên Hưng Yên thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo được vay vốn với số tiền là 622 tỷ 089 triệu đồng để theo học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trung cấp nghề trong toàn quốc. Triển khai cuộc vận động “Ngày Vì người nghèo” và xây dựng “Nhà đại đoàn kết”, Đề án xoá nhà tranh vách đất đến năm 2008 đã huy động được trên 11 tỷ, hỗ trợ người nghèo xây mới và sửa chữa 4.380 căn nhà. Từ năm 2009-2012, Ủy ban nhân dân tỉnh đã huy động kinh phí hỗ trợ xây mới và sửa chữa trên 2 nghìn căn nhà cho hộ nghèo; đồng thời tiếp tục rà soát, lập danh sách để hỗ trợ trong giai đoạn tiếp theo, phấn đấu trong giai đoạn 2012-2015 sẽ xây dựng, sửa chữa khoảng 1,2 nghìn căn nhà cho hộ nghèo.
Để người nghèo chủ động năm bắt được cơ hội thoát nghèo, nhiều hoạt động hỗ trợ nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, chính sách cho người nghèo được triển khai tích cực. Cùng với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật trên báo chí, hệ thống đài phát thanh-truyền hình, Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại về chính sách giảm nghèo tại cộng đồng; tổ chức hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động tại địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao. Từ 2005-2012, đã tổ chức 234 buổi trợ giúp pháp lý lưu động, phát hàng vạn tờ rơi, tờ gấp, băng catset đến các xã, phường, thị trấn. Mặt khác, duy trì hoạt động của 16 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý cho người nghèo và những đối tượng khó khăn dễ dàng tiếp cận.
Công tác giảm nghèo đã nhận được sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai dự án phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề cho hộ nghèo với tổng kinh phí 4.050 triệu đồng, đã hỗ trợ sản xuất cho 2.795 hộ nghèo, phát triển ngành nghề cho 950 lao động thuộc hộ nghèo, lồng ghép mục tiêu giảm nghèo trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Sở Lao động-Thương binh-Xã hội phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện việc rà soát, quản lý, thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ hộ nghèo; tập huấn cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc chủ trì vận động xây dựng Quỹ Vì người nghèo, xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Hội Nông dân xây dựng kế hoạch hành động; truyền thông, phổ biến chính sách giảm nghèo đến hội viên; triển khai các hoạt động tín dụng ưu đãi và các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật về tổ chức sản xuất, tổ chức cuộc sống cho nông dân. Hội Liên hiệp Phụ nữ với các phong trào “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, đã giúp cho 110.658 lượt phụ nữ có hoành cảnh khó khăn, trong đó có 19 nghìn phụ nữ thuộc hộ nghèo về vốn, giống cây con, trị giá 137 tỷ đồng, giúp 8.968 hộ thoát nghèo. Đoàn Thanh niên chỉ đạo các cấp bộ đoàn triển khai các hoạt động an sinh xã hội, trong đó có các công trình Nhà nhân ái; xây dựng, tu sửa nhà cho các gia đình chính sách, người nghèo và cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn…
Thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách và giải pháp về giảm nghèo đã từng bước góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo còn tồn tại một số hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng chưa bền vững, thu nhập của người thoát nghèo thấp gần với mức chuẩn nghèo, cơ hội của người nghèo về việc làm ngày càng khó khăn, nguy cơ tái nghèo cao. Việc xác nhận hộ nghèo chưa chính xác vẫn còn xảy ra. Chương trình, dự án về giảm nghèo còn phân tán, lồng ghép chưa cao. Ngân sách địa phương còn hạn hẹp. Cán bộ làm công tác giảm nghèo còn kiêm nghiệm, thiếu tính ổn định…
Đề hoàn thành mục tiêu đề ra, những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về chính sách giảm nghèo. Theo đó, tập trung vào một số giải pháp:
Một là, rà soát, đánh giá, bổ sung và sửa đổi các chính sách giảm nghèo hiện hành; giảm dần các chính sách hỗ trợ mang tính trợ cấp, tăng các chính sách khuyến khích tính chủ động, vươn lên của người nghèo, có chính sách hỗ hộ cận nghèo.
Hai là, phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể đối với các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách giảm nghèo, tránh chồng chéo hoặc phân tán các mục tiêu, chương trình, dự án về giảm nghèo.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng, doanh nghiệp và người dân phát huy truyền thống tương thân, tương ái, chung tay, góp sức cùng toàn xã hội trong việc giúp đỡ người nghèo.
Bốn là, tăng cường đội ngũ khuyến nông và các hoạt động khuyến nông, các mô hình sản xuất có hiệu quả cho người nghèo để người nghèo tiếp cận nhiều hơn với khoa học, kỹ thuật, phương pháp sản xuất, để từ đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân./.