Thứ Bảy, 30/11/2024
Đời sống
Thứ Hai, 13/2/2012 17:2'(GMT+7)

Hiệu quả chương trình xây dựng nhà văn hóa xóm, bản ở Hòa Bình

Sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở nhà sàn của người Mường Vang ở xã Quý Hòa (Lạc Sơn, Hòa Bình).

Sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở nhà sàn của người Mường Vang ở xã Quý Hòa (Lạc Sơn, Hòa Bình).

Theo thống kê của ngành chức năng, trước năm 2005, khi chưa triển khai đề án "Xây dựng NVH xóm, bản", toàn tỉnh Hòa Bình mới có khoảng 370 NVH xóm, bản. Ðiều đáng nói là hầu hết các NVH này chủ yếu được tận dụng từ nhà kho, trụ sở cũ nên có quy mô nhỏ, đang trong giai đoạn xuống cấp, trang thiết bị rất sơ sài và hạn chế. Do vậy, hoạt động của hệ thống NVH vốn còn kém hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tổ chức các hoạt động giao lưu cộng đồng của nhân dân. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt đề án "Xây dựng NVH xóm, bản" với phương châm nhân dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ; trong đó chú trọng phát huy công sức của toàn dân đóng góp xây dựng NVH. Mục đích đúng đắn của đề án đã phát huy được tinh thần tự nguyện, đồng lòng của người dân, tích cực tham gia đóng góp, thực hiện chủ trương xây dựng thiết chế văn hóa tại địa phương và khu dân cư.

Trên thực tế, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương so với giá trị thực tế xây dựng NVH ở các xóm, bản chỉ là phần rất nhỏ. Nhưng từ việc huy động đóng góp, huy động sức mạnh từ cộng đồng đã có những NVH xóm, bản trị giá hàng trăm triệu đồng đã được xây dựng. Ðáng chú ý là những NVH như vậy không chỉ có ở nơi thuận lợi, có điều kiện về kinh tế - xã hội, mà ở những vùng còn khó khăn cũng được đầu tư xây dựng. Ðiển hình như ở xóm Ðồi Thung, xã Quý Hòa, huyện Lạc Sơn, từ nguồn ngân sách của tỉnh hỗ trợ được gần 20 triệu đồng, gần 200 hộ dân xóm Thung 1 và Thung 2 đã bàn bạc, thống nhất chung tay, góp sức xây dựng NVH chung của hai xóm với tổng giá trị đầu tư gần 200 triệu đồng.  Bí thư chi bộ xóm Ðồi Thung Bùi Văn Dích cho biết: Ngoài kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, phần lớn kinh phí đầu tư xây dựng do nhân dân tự đóng góp. Ðến nay, NVH của người dân xóm Ðồi Thung với diện tích 80 m2 có sức chứa khoảng hơn 100 người đã trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân cũng như đã trở thành nơi tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân. Ngoài ra, đây cũng là nơi tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, tiếp nhận thông tin và chuyển giao khoa học - công nghệ để ứng dụng vào sản xuất, đời sống... Cũng theo ông Dích, trước đây khi chưa có NVH, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, tiếp nhận chuyển giao thông tin sản xuất đến người dân rất khó khăn. Chủ yếu vì địa bàn dân cư đông nhưng phân bố không tập trung, đường sá đi lại vất vả, do vậy rất khó tập hợp đầy đủ người dân trong xóm. Từ khi có NVH, việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật đã được triển khai kịp thời, nhanh chóng.

Về thăm làng văn hóa cấp tỉnh xóm Chùa, xã Thống Nhất, TP Hòa Bình mới cảm nhận được sức mạnh của tinh thần đoàn kết nơi đây. Từ nguồn hỗ trợ 16 triệu đồng của Nhà nước, nhân dân trong xóm đã cùng góp sức, góp của xây dựng nhà văn hóa khang trang, rộng đẹp, trị giá hơn 100 triệu đồng. Theo đại diện lãnh đạo xóm Chùa, khi chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm trong xây dựng nhà văn hóa được phát động, nhân dân trong xóm đã tích cực hưởng ứng. Tùy vào hoàn cảnh của từng hộ gia đình, mức độ, hình thức đóng góp cũng có sự điều chỉnh linh hoạt. Ai có tiền góp tiền, ai có công góp công,... tất cả đồng lòng vì lợi ích chung. Cũng với hình thức đó, con đường liên xóm cũng được bê-tông hóa tạo sự phấn khởi trong nhân dân. Hiện nay, xóm đã thành lập đội văn nghệ, đội bóng chuyền, đội bóng đá và duy trì hoạt động thường xuyên. Nhờ đó, năm 2010, 110/130 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa. Cùng với xóm Chùa, nhà văn hóa của các xóm Ðồng Chụa, Ðồng Gạo, Ðậu Khụ... cũng được xây dựng nhờ vào sự đồng lòng, nhất trí của nhân dân trong xóm. Hiện nay, 7/9 xóm của xã đã có nhà văn hóa khang trang, trở thành tụ điểm văn hóa, thể thao, là nơi phổ biến thông tin, tri thức đến nhân dân.

Ðó chỉ là một số trong những thí dụ về những lợi ích, giá trị của NVH đối với những thôn, bản ở các địa phương trong tỉnh Hòa Bình, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình đã xây dựng, cải tạo được 1.380 NVH, bao gồm cả NVH liên tổ và NVH cải tạo, sửa chữa, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của 1.411 xóm, bản, đạt tỷ lệ 69,7% số xóm, bản trong toàn tỉnh có NVH. Cùng với đầu tư xây dựng, cải tạo NVH xóm, bản, tính đến hết năm 2011, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia văn hóa hằng năm, UBND tỉnh cũng đã phân bổ đầu tư mua sắm được 452 bộ thiết bị âm thanh cho các NVH thuộc các làng văn hóa và NVH xóm, bản với tổng kinh phí khoảng 5,1 tỷ đồng. Ðến thời điểm hiện tại, hệ thống NVH đi vào hoạt động đã khẳng định được vai trò, vị trí của thiết chế văn hóa quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng, dân cư... Từ đó hình thành nên hệ thống các thiết chế văn hóa là nơi giao lưu, lưu giữ và bảo tồn, nâng cao và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đồng thời góp phần giữ gìn an ninh, trật tự trên các địa bàn./.

(Theo: Nhân dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất