Thứ Ba, 26/11/2024
Môi trường
Thứ Năm, 30/6/2011 7:0'(GMT+7)

Hiệu quả ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã từ một dự án phi chính phủ

WWF là một trong những tổ chức phi chính phủ về bảo tồn được đánh giá cao nhất, với 5 triệu người ủng hộ và một mạng lưới toàn cầu đang hoạt động ở hơn 100 quốc gia. Nhiệm vụ của WWF là ngăn chặn sự xuống cấp môi trường thiên nhiên của trái đất và xây dựng một tương lai trong đó con người sống hoà hợp với thiên nhiên, bằng cách bảo tồn đa dạng sinh học của thế giới, đảm bảo rằng việc sử dụng bền vững những tài nguyên có thể tái sử dụng, thúc đẩy việc giảm ô nhiễm và tiêu thụ lãng phí.

Vùng núi Trường Sơn nằm giữa biên giới Lào và Việt Nam là nơi cư ngụ của nhiều loài được xếp hạng bảo tồn toàn cầu như như hổ (Panthera tigris), voi châu Á (Elephas maximus) và một số loài động vật đặc hữu không có ở bất kì nơi nào khác trên thế giới, ví dụ như loài Saola (Pseudoryx nghetinhensis). Khu vực này được công nhận là “vùng nóng” của các hoạt động buôn bán, trung chuyển động vật hoang dã trái phép ở Việt Nam. Động vật thường bị săn bắt từ nước láng giềng như Lào và Campuchia rồi trung chuyển qua địa bàn Thừa Thiên-Huế ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ để làm thuốc, thú nuôi hoặc đồ trang trí cho những gia đình giàu có.

Dự án thí điểm được khởi động vào tháng 2/2009 và kết thúc vào tháng 6/2011, tập trung vào địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế. WWF Việt Nam và TRAFFIC đã phối hợp thành công với các cơ quan, ban, ngành chức năng đánh giá thực trạng, để đẩy mạnh hoạt động thực thi pháp luật song song với hoạt động nâng cao nhận thức của người dân.

Ông Sulma Warn, Điều phối viên chương trình TRAFFIC cho biết: “Mục đích của Dự án là làm gián đoạn đường dây buôn lậu động vật hoang dã, ở những điểm cung cấp và những tuyến đường vận chuyển động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh. Phương pháp thí điểm đặc biệt hữu hiệu, vì mọi hoạt động buôn bán trong tỉnh Thừa Thiên-Huế đều xoay quanh trục đường giao thông nối liền Nam Bắc qua hầm đèo Hải Vân, tạo nên một con đường “buôn bán thắt nút cổ chai ” - nơi mà chúng ta có thể tập trung các nỗ lực thực thi pháp luật.”

Việc tăng cường nỗ lực thực thi pháp luật trong thời gian thực hiện Dự án đã đem lại kết quả đáng khích lệ: Đã có 88 vụ vi phạm pháp luật về buôn bán, tiêu thụ bị bắt giữ, 731 cá thể động vật rừng còn sống được giải cứu và thả lại về rừng, hơn 900kg thịt động vật hoang dã bị tịch thu và tiêu huỷ, xử phạt 178 triệu đồng, 1 giấy phép kinh doanh và nhiều tang vật khác bị thu giữ. Số liệu này là một thông điệp cứng rắn và mạnh mẽ mà các cơ quan chức năng muốn gửi tới những cá nhân tham gia buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trái phép rằng, chính quyền địa phương đang rất cương quyết với các hoạt động trái pháp luật này.

Ông Văn Ngọc Thịnh, cán bộ Quản lý Cảnh quan Trung Trường Sơn – WWF Việt Nam, Giám đốc Dự án khẳng định: “Chúng tôi đã đạt được một số kết quả khả quan khi tập trung vào "con đường cổ chai" nói trên. Chúng tôi hy vọng có thể áp dụng mô hình này trên phạm vi cả nước. Đồng thời, chính quyền và cộng đồng vẫn cần phát huy hoạt động bảo vệ với mức quan tâm sâu rộng hơn, đặc biệt sau khi cá thể tê giác Java tìm thấy bị bắn chết tại Vườn Quốc gia Cát Tiên vào tháng 4/2010”. Sự hợp tác hiệu quả giữa các ban, ngành trong đó có các cơ quan chức năng chủ chốt như Cảnh sát Môi trường và Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đã góp phần quan trọng để dự án được thành công như mong đợi.

Ông Nguyễn Viết Hoạch, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế đánh giá: “Mỗi một cơ quan đều đóng góp chuyên môn và kinh nghiệm quí báu của mình để chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Khi kết hợp các thế mạnh đó lại, chúng ta sẽ thu được kết quả tốt nhất trên phương diện thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đa dạng sinh học và bảo tồn động thực vật hoang dã cũng là một yếu tố quan trọng để bảo vệ động thực vật hoang dã hiệu quả hơn”./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất