Từ sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đến nay, hoạt động tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội liên tục diễn ra trên khắp mọi miền Tổ quốc. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, trái tim của hàng chục triệu đồng bào và chiến sĩ cả nước đã hòa chung nhịp đập cùng với các vị đại biểu Quốc hội, cùng hướng về Biển Đông, chung sức, đồng lòng, quyết tâm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế bền vững, củng cố thế trận quốc phòng-an ninh và bảo đảm an sinh xã hội.
Tiếp xúc cử tri là trách nhiệm của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp. Đây là diễn đàn để người đại biểu dân cử trao đổi thông tin mang tính hai chiều, là kênh quan trọng giúp đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND có thêm thực tiễn, là hoạt động có tính chất cầu nối giữa đại diện cơ quan quyền lực Nhà nước với cử tri và là hình thức để cử tri thực hiện quyền làm chủ của mình trong việc tham gia quản lý nhà nước cũng như xây dựng các chủ trương, chính sách.
Thực tế trong mấy ngày qua, các cuộc tiếp xúc cử tri của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng... đã được tổ chức trong không khí thân tình, cởi mở, tạo niềm tin tưởng, phấn khởi, sự đồng thuận của đồng bào cả nước với đường lối chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta. Thủ đô Hà Nội và một số địa phương đã đưa lịch tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, HĐND công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tất cả các cử tri đều có thể tham dự. Các kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo của cử tri tại các buổi tiếp xúc đã được giải đáp hoặc ghi nhận, tổng hợp gửi đến các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xem xét, giải quyết…
Tuy nhiên, theo phản ánh của các cử tri và các đại biểu Quốc hội, hiệu quả một số cuộc tiếp xúc cử tri trong thời gian qua vẫn chưa đạt như mong muốn. Hình thức tiếp xúc phổ biến vẫn mang tính hội nghị, chưa gần gũi nên cử tri ngại thể hiện quan điểm của mình; nhiều nơi cử tri tham dự chưa đông, thành phần cử tri không đa dạng, nội dung chưa phong phú… Đặc biệt, có địa phương vẫn còn tình trạng "đại biểu kiêm nhiệm, cử tri chuyên trách", còn có một số đại biểu HĐND không tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri...
Để nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, trước hết cần nâng cao ý thức trách nhiệm của các đại biểu cơ quan dân cử, mở rộng các hình thức tiếp xúc cử tri theo từng chuyên ngành, chuyên đề, theo từng địa bàn cụ thể… Trong đó cần tăng cường tiếp xúc cử tri tại các địa phương, đơn vị nổi lên nhiều vấn đề nóng, đang được cử tri quan tâm; cần dành nhiều thời gian để cử tri được phát biểu, kiến nghị, trao đổi, đối thoại; đồng thời đại biểu dân cử chủ động thông báo kết quả giải quyết những kiến nghị của cử tri tại kỳ tiếp xúc trước đã được các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Cử tri mong muốn các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp cần cung cấp công khai các hộp thư điện tử, các địa chỉ cụ thể để mọi cử tri có thể gửi các ý kiến, kiến nghị của mình. Việc tiếp xúc cử tri phải được tổ chức theo hướng không hạn chế người tới dự. Các cơ quan chức năng cần thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về ngày giờ, địa điểm và nội dung của các cuộc tiếp xúc cử tri, tạo sự quan tâm, thu hút đông đảo các cử tri, đồng thời giúp cử tri định hướng trước các vấn đề cần chất vấn. Người đại biểu dân cử cần lĩnh hội được thông điệp từ cử tri và chọn lựa cách giải thích phù hợp để cử tri hiểu đúng và đầy đủ các chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời giải tỏa được những tâm tư, vướng mắc mà cử tri nêu ra.
Một khi đại biểu biết huy động vốn sống, có bản lĩnh và tự tin, chủ động lắng nghe và cởi mở đối thoại với cử tri thì rõ ràng chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri sẽ tốt hơn, mang lại hiệu quả thiết thực hơn./.
Đỗ Phú Thọ (QĐND)