Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 27/5/2013 10:55'(GMT+7)

Hiệu quả từ mô hình Tổ Tuyên vận thôn, bản

Bê tông hoá đường giao thông tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên - lào Cai) (Ảnh: Báo Lào Cai)

Bê tông hoá đường giao thông tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên - lào Cai) (Ảnh: Báo Lào Cai)

Nghĩa Đô là xã nằm ở phía Đông Bắc của huyện Bảo Yên (Lào Cai), nơi có 5 dân tộc anh em sinh sống tại 16 thôn bản, trong đó dân tộc Tày chiếm 98%. Là một trong ba xã của huyện vùng cao Bảo Yên được lựa chọn làm điểm mô hình Tổ Tuyên vận thôn, bản, đến nay mô hình này bước đầu đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần làm cho đời sống kinh tế - xã hội và diện mạo nông thôn ở Nghĩa Đô có nhiều khởi sắc.

Sau khi có Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai và Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bảo Yên về việc xây dựng thí điểm Tổ Tuyên vận thôn, bản (sau đây gọi tắt là Tổ Tuyên vận), cấp uỷ xã Nghĩa Đô đã bắt tay ngay vào việc thành lập Tổ Tuyên vận và từng bước kiện toàn, đưa hoạt động đi vào chiều sâu.

 Các khu hành chính của xã Bảo Yên được phân chia thành các thôn, bản dưới sự điều hành, quản lý của trưởng bản. Do vị trí địa lý các bản nằm sâu dưới chân núi, giao thông đi lại bất tiện, nên việc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động những năm qua gặp nhiều hạn chế. Để khắc phục những khó khăn trong công tác tuyên truyền, trên cơ sở Hướng dẫn chi tiết của Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Đảng bộ xã Nghĩa Đô ra Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thành lập các Tổ Tuyên vận thôn, bản, trên cơ sở căn cứ vào đặc thù của địa phương và sự đồng thuận của nhân dân để duy trì hoạt động.  

Các thành viên chủ chốt của Tổ Tuyên vận gồm đồng chí bí thư chi bộ, trưởng bản, đại diện Đoàn Thanh niên và đại diện các hội Cựu Chiến binh, Phụ nữ, Nông dân, Công an...

Được thành lập từ đầu tháng 2/2012, mặc dù là mô hình còn mới mẻ đối với địa phương, nhưng dưới sự lãnh đạo và giám sát của Đảng uỷ xã và cấp uỷ chi bộ các thôn  bản, cùng với sự vào cuộc tích cực của các thành viên, Tổ Tuyên vận nhanh chóng được củng cố, kiện toàn, hoạt động từng bước đi vào chuyên môn hoá, có chiều sâu.

Với phương châm "đến từng nhà, gặp từng người", các Tổ Tuyên vận đã tiến hành có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động bà con thôn bản thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động nhân dân tích cực ủng hộ các phong trào, cuộc vận động ở cơ sở; tham gia xây dựng nông thôn mới...

Cùng với phương châm nêu trên, với tư cách như "người trong nhà", các thành viên Tổ Tuyên vận cũng đã phát huy được tối đa hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền, vận động thông qua uy tín của các già làng, trưởng bản, các vị lão thành cách mạng... Công tác tuyên truyền, vận động thường được lồng ghép trong những buổi sinh hoạt cộng đồng, văn hoá - văn nghệ hoặc ngày hội đại đoàn kết toàn dân...

Ông Nguyễn Văn Quay - Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết: Với những cách làm của "người trong nhà", cán bộ Tổ tuyên vận thôn bản đã thực sự gần dân, hiểu dân, vừa biết vận động, vừa biết lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của dân.

Nhờ gặp gỡ, trực tiếp lắng nghe và chia sẻ với bà con, các thành viên của Tổ Tuyên vận cũng đã kịp thời nắm bắt những tâm tư nguyện vọng của nhân dân; những phát sinh liên quan đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn; tham gia hòa giải và giải quyết "hợp tình hợp lý" những mâu thuẫn nội bộ của bà con... Vì thế, chất lượng và hiệu quả của công tác tham mưu thường xuyên cho cấp uỷ và chi bộ trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, vận động quần chúng đã được nâng lên rõ rệt.

Qua hơn một năm thực hiện Tổ Tuyên vận thôn, bản, những kết quả bước đầu đạt được trên địa bàn xã Nghĩa Đô đã khẳng định tính đúng đắn, phù hợp của một mô hình mới. Bên cạnh việc phát huy tích cực vai trò tham mưu giúp chi ủy trong công tác tuyên truyền chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Tổ Tuyên vận còn góp phần quan trọng vào quá trình vận động bà con nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh và giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở khu dân cư. Phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã đã từng bước đi vào thực chất, được đồng bào ủng hộ, đóng góp công sức xây dựng hạ tầng giao thông, từng bước từ bỏ những hủ tục lạc hậu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sinh hoạt và sản xuất…

Có thể khẳng định, sau một thời gian đi vào hoạt động, Tổ tuyên vận thôn bản đã góp phần đáng kể vào sự khởi sắc, thay đổi diện mạo nông thôn xã Nghĩa Đô. Vụ Đông - Xuân năm qua, trên địa bàn xã không còn tình trạng ruộng nương bỏ hoang, nhân dân đã gieo cấy  được 260 ha, đạt 100% diện tích đất canh tác nông nghiệp. Công tác xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực thông qua từng tiêu chí đối với mỗi thôn bản. Phong trào xây dựng nông thôn mới năm 2012 trên địa bàn xã đã tập trung triển khai trên các lĩnh vực điện, trường học, bưu điện, phương thức tổ chức sản xuất. Xã đã tiến hành thành công việc san lấp, tạo mặt bằng cho 3 điểm trường mẫu giáo, trong đó kinh phí do nhân dân đóng góp đạt trên 100 triệu đồng...

Bên cạnh sự chỉ đạo sát sao, sự nhiệt tình của các thành viên, thì một nguyên nhân quan trọng nữa tạo nên thành công bước đầu của Tổ Tuyên vận chính là đã tạo được sự đồng thuận và niềm tin của bà con nhân dân. Trong đó vai trò "hạt nhân" kết nối và xây dựng khối đoàn kết chính là các trưởng bản và đại diện đoàn thể địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi bước đầu, quá trình hoạt động của Tổ Tuyên vận vẫn còn gặp không ít khó khăn, xuất phát từ sự bất tiện của giao thông đi lại; các thôn bản cách xa trung tâm xã; kinh phí cho hoạt động của Tổ Tuyên vận còn rất hạn chế; bên cạnh sự đồng thuận của đa số người dân, vẫn còn một bộ phận đồng bào chưa thật sự ủng hộ do nhận thức và những hủ tục lạc hậu, mê tín...

Từ lâu nay, bản sắc văn hóa người Tày ở Nghĩa Đô vẫn mang những nét riêng không lẫn với bất kỳ một văn hóa bản địa nào khác. Vì thế, để công tác tuyên truyền, vận động đạt được những kết quả như mong muốn, bên cạnh việc khắc phục những hạn chế khó khăn về giao thông đi lại, về cơ chế - kinh phí hoạt động, thì một trong những nhiệm vụ đặt ra cho Tổ Tuyên vận chính là phải nắm và hiểu rõ được đời sống văn hóa ở các bản Tày. Tuyên truyền vận động để đồng bào nơi đây vừa từng bước loại bỏ được những hủ tục, tập quán lạc hậu, đồng thời giữ gìn và phát huy được những giá trị bản sắc văn hoá, chính là mục tiêu và cũng là phương pháp để Tổ Tuyên truyền thôn, bản đạt được những kết quả cao hơn trong thời gian tới./.

Nguyễn Thế Lượng


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất