Thứ Sáu, 22/11/2024
Văn hóa
Chủ Nhật, 26/5/2019 15:50'(GMT+7)

Hiểu sâu về di sản để làm tốt công tác bảo tồn, phát huy

Quần thể danh thắng Tràng An là điểm đến hấp dẫn du khách.

Quần thể danh thắng Tràng An là điểm đến hấp dẫn du khách.

Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, qua đó góp phần nhận diện thêm về giá trị nổi bật toàn cầu, tính chất hỗn hợp, đa dạng và cả những vấn đề phức tạp đặt ra trong quản lý quần thể danh thắng này.

KHẲNG ĐỊNH THÊM NHỮNG GIÁ TRỊ NỔI BẬT CỦA DI SẢN

Phải khẳng định rằng, Quần thể danh thắng Tràng An là một trong những di sản được quản lý, phát huy giá trị tương đối tốt ở Việt Nam. Sau 5 năm được vinh danh, Quần thể danh thắng Tràng An thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển du lịch Ninh Bình với tốc độ tăng trưởng bình quân 12%/năm; doanh thu du lịch bình quân tăng 25%/năm; góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương; từng bước đưa du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đưa Ninh Bình trở thành một trong các trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Ông Mai Phan Dũng, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đánh giá: “Việc ghi danh của di sản Quần thể danh thắng Tràng An được coi là bước phát triển mới trong tư duy ra quyết định trên cơ sở lợi ích chung của cộng đồng, chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế theo hướng bền vững hơn, từ công nghiệp khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên truyền thống sang bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và phát triển ngành du lịch di sản. Định hướng đúng đắn đó mang đến những kết quả rất khả quan về phát triển du lịch, văn hóa của tỉnh Ninh Bình trong những năm gần đây”.

Cùng với đó, hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế được thúc đẩy cũng góp phần làm nổi bật thêm các giá trị văn hóa của vùng đất Cố đô Hoa Lư. Trước và trong quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã phát hiện, nghiên cứu hơn 30 di tích khảo cổ học thời tiền sử trong Quần thể danh thắng Tràng An, gồm: Những di tích trong hang động, mái đá và trên các thềm đất cát ven chân núi.

Một số di tích ở đây được khai quật, nghiên cứu, phân tích và so sánh bởi các nhà khoa học trong nước và các chuyên gia khảo cổ học đến từ Nhật Bản, Vương quốc Anh. Ông Nguyễn Cao Tấn, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết: “Tất cả những thông tin ấy cho chúng ta viết nên câu chuyện thú vị về cách thích ứng của nhân loại trước những biến đổi lớn về môi trường, như từ khí hậu khô lạnh sang nóng ẩm, từ môi trường lục địa sang môi trường hải đảo, thậm chí có cả những hiện tượng thiên tai bất thường như động đất. Chúng ta có thể khẳng định một truyền thống cư trú của con người tiền sử ở Tràng An, một truyền thống sử dụng vùng đất, vùng biển của người tiền sử với nhiều nền văn hóa tiếp nối liên tục, kéo dài tới 30.000 năm và qua đó trước sự biến đổi khí hậu ngày nay. Từ những thông tin có được cho chúng ta một kinh nghiệm sống trong tương lai”.

Có thể nói, Ninh Bình bước đầu đã thành công trong việc áp dụng giải pháp thích hợp để biến di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới từ dạng tài nguyên thành tài sản văn hóa và các sản phẩm có hàm lượng trí tuệ phục vụ phát triển du lịch, có khả năng mang lại sinh kế cho chính các chủ thể văn hóa ở trong khu di sản.

NHẬN DIỆN NHỮNG MẶT HẠN CHẾ ĐỂ QUẢN LÝ TỐT HƠN

Việc xử lý hài hòa yêu cầu giữa bảo tồn giá trị nổi bật toàn cầu, duy trì tính toàn vẹn của di sản với phát triển bền vững trong phạm vi rộng tới hơn 12.000ha với nhiều lớp văn hóa đan xen, nhiều loại hình di sản đa dạng, trong khi di sản lại phân bổ xen lẫn với các khu dân cư đang có nhu cầu phát triển sôi động là việc làm không đơn giản.

Do đó, theo các chuyên gia, cần nhận diện rõ các hạn chế, từ đó áp dụng đồng bộ các giải pháp để bảo vệ, quản lý và phát huy tốt hơn các giá trị của di sản.

Ông Phạm Quang Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình thẳng thắn nhìn nhận: “Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Khai thác du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và người dân về bảo tồn và khai thác bền vững các giá trị của di sản chưa cao; công tác quản lý tài nguyên, hoạt động xây dựng, kinh doanh lưu trú khách du lịch, các hoạt động quảng cáo trong phạm vi di sản có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan di sản, việc phối hợp kiểm tra, xử lý kịp thời và dứt điểm các hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo tồn di sản chưa quyết liệt, còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm, có nơi còn buông lỏng. Việc xây dựng công trình trái phép trên núi Cái Hạ và xây dựng các cơ sở lưu trú (homestay) tại một số khu vực dân cư hiện hữu nằm trong vùng lõi di sản đã làm ảnh hưởng tới việc quản lý, bảo tồn và cảnh quan của khu di sản”.

Nhìn từ góc độ quản lý của địa phương, ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch UBND xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư cho biết: “Hiện nay, còn nhiều khu dân cư sinh sống trong vùng lõi di sản, việc bà con xin cấp phép xây dựng, sửa chữa nhà ở gặp nhiều khó khăn do việc chuyển đổi, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vướng các quy định về bảo vệ di sản, mặc dù các hộ dân này đã sinh sống nhiều thế hệ. Bên cạnh đó, do lượng khách du lịch đến địa phương ngày một tăng nên công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh-trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Các dịch vụ lưu trú phát triển mạnh-đặc biệt là loại hình homestay, cũng gây khó khăn trong công tác quản lý”.

Rõ ràng, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở tỉnh Ninh Bình đã nhận thức được những khó khăn, thách thức đối với việc quản lý di sản. Vấn đề đặt ra hiện nay đối với Quần thể danh thắng Tràng An đòi hỏi phải có sự quan tâm giải quyết đồng bộ của các nhà quản lý, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên hữu quan và sự chung tay bảo vệ di sản của người dân, cộng đồng./.

Bài và ảnh: Lan Dịu (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất